T2, 06/07/2020 09:57

Xuất khẩu thuỷ sản: Tìm thị trường mới

Chưa có đánh giá về bài viết

Từ đầu năm ngoái, việc xuất khẩu thuỷ sản sang EU khó khăn do khủng hoảng nợ công. Mỹ và các nước Nam Mỹ đang nổi lên như là những thị trường thay thế…

Ghi nhận tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, từ sau tết Nguyên đán, có đến gần 20 nhà máy chế biến cá tra vốn đang nắm giữ 90% sản lượng xuất khẩu chạy hết công suất, công nhân làm cả thứ bảy, chủ nhật để kịp giao hàng theo hợp đồng. Agifish An Giang, Nam Việt, Việt An, Hùng Cá, Hùng Vương, Vĩnh Hoàn… đều nâng sản lượng chế biến lên 170 – 250 tấn cá tra nguyên liệu/ngày, trong khi trước tết Nguyên đán vì thị trường xuất khẩu khó khăn nên chỉ chạy cầm chừng. “Nhiều doanh nghiệp thuỷ sản đã tự lặn lội sang các nước tìm khách hàng để mở thêm nhiều thị trường mới ngoài EU”, phó chủ tịch hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (Vasep) Dương Ngọc Minh nói.

Xuất khẩu thuỷ sản: Tìm thị trường mới, Thị trường - Tiêu dùng, thuy san, xuat khau, ca tra, kinh te, EU, bao

Các nhà máy chế biến cá tra ở ĐBSCL đang chạy hết công suất để đáp ứng nhu cầu nhập khẩu từ các thị trường mới.

Cá tra: không lệ thuộc EU

Ông Nguyễn Văn Ký, giám đốc công ty Agifish An Giang cho biết, ra tết đến nay, hơn 3.000 công nhân chưa được nghỉ ngày nào vì phải sản xuất cho kịp đơn hàng. “Mỗi ngày chúng tôi chế biến 170 – 200 tấn cá. Ngày nào cũng có đơn hàng đi Mỹ, Mexico, Brazil hoặc các thị trường khác”, ông Ký vui mừng nói.

Hầu hết doanh nghiệp đều khẳng định Mỹ và khu vực Nam Mỹ là hai khối thị trường đang cứu đầu ra cho cá tra, trong khi trước đây phải phụ thuộc phần lớn vào EU.

Quý 1 năm nay, sản lượng xuất khẩu cá tra sang Mỹ, Mexico, Brazil tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Năm 2011, thị phần xuất khẩu cá tra sang Mỹ tăng từ 11% lên 18% so với 2010, đạt giá trị 331,6 triệu USD trong tổng 1,8 tỉ USD. Khu vực Nam Mỹ năm 2010 cũng chỉ chiếm có 7%, nhưng sang 2011 tăng lên tới 15%.

“Quý một năm nay chúng tôi xuất khẩu khoảng 150 container cá tra. Riêng thị trường Nam Mỹ là 70 container, tăng 40 container so với năm ngoái”, đại diện công ty Hùng Cá nói.

Cơ hội cho doanh nghiệp có khả năng chế biến

Trong lúc đó, sản phẩm tôm và hải sản có giá trị cao, từ trước đến nay khu vực nhập khẩu chính vẫn là EU, Mỹ và châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc nên việc cơ cấu lại thị trường trong bối cảnh kinh tế khó khăn không hề dễ dàng. Với thu nhập chưa cao, người dân các nước Nam Mỹ, Trung Đông sẽ không đủ tiền để ăn tôm sú, cá ngừ hay bạch tuộc. Chính vì vậy, đại diện một số doanh nghiệp cho biết sản lượng xuất khẩu trong quý một năm nay sụt giảm nghiêm trọng, như nhóm các quốc gia EU giảm khoảng 20 – 30%.

Ông Trần Văn Lĩnh, tổng giám đốc công ty cổ phần thuỷ sản Thuận Phước, Đà Nẵng cho biết, không riêng gì Thuận Phước, mà tất cả doanh nghiệp làm hàng tôm, hải sản đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng trước tình hình kinh tế châu Âu và các nước khác gặp khó khăn.

Do đó, ông Lĩnh cho rằng cơ cấu lại sản phẩm cho phù hợp với túi tiền người tiêu dùng là giải phảp mà các doanh nghiệp đang hướng đến. Chẳng hạn trước đây nhà nhập khẩu châu Âu thường mua tôm nguyên con về thuê nhân công chế biến ra các dòng sản phẩm giá trị gia tăng, nhưng nay, do tình hình dòng tài chính khó khăn nên phải nhượng lại phần việc này cho đối tác bán hàng.

“Chúng tôi đã nhận nhiều hợp đồng chế biến sản phẩm giá trị giá tăng do nhà nhập khẩu đến từ Đức, Tây Ban Nha, Mỹ, Pháp… nhượng lại. Đây là cơ hội để công nhân có thêm việc làm, tăng thu nhập thay vì phải bán sản phẩm thô kém giá trị như trước”, ông Lĩnh nói. Tuy nhiên, không có nhiều doanh nghiệp đủ năng lực làm việc này.

HOÀNG BẢY

Theo Sài Gòn Tiếp Thị

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!