Chỉ còn một tháng nữa là hết năm 2015, nhưng xuất khẩu thủy sản vẫn chứng kiến sự giảm sút. Nguyên nhân do đâu và giải pháp nào để gỡ khó? Thủy sản Việt Nam vừa có cuộc trao đổi với bà Dương Phương Thảo (ảnh), Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương về vấn đề này.
Bà đánh giá thế nào về tình hình xuất khẩu thủy sản Việt Nam 10 tháng đầu và dự báo cả năm 2015?
Ngay từ đầu năm, Bộ Công thương và các hiệp hội ngành hàng thủy sản, các doanh nghiệp đã dự báo, năm 2015 là một năm nhiều khó khăn đối với xuất khẩu thủy sản. Thực tế cho thấy, tình hình xuất khẩu thủy sản đến hết 10 tháng đã phản ánh đúng dự báo đó.
Tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam 10 tháng đầu năm ước 5,45 tỷ USD, giảm gần 18% so cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu tôm khoảng 2,4 tỷ USD, giảm 28%; cá tra 1,3 tỷ USD, giảm 12%; cá ngừ 383 triệu USD, giảm 6%; mực, bạch tuộc giảm 13%, đạt 345 triệu USD. Chỉ có các mặt hàng cá biển khác tăng gần 4%, đạt 863 triệu USD. Xuất khẩu sang các thị trường chính đều giảm mạnh (6 – 26%); trong đó, Mỹ giảm mạnh nhất, gần 27%, EU giảm 19% và Nhật Bản 15%. Tuy nhiên, xuất khẩu sang ASEAN và Đài Loan tăng lần lượt 9,4% và 29%, có thể do sự chuyển hướng của doanh nghiệp thủy sản, khi các thị trường lớn khó tiêu thụ.
Đâu là nguyên nhân chính khiến kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam sụt giảm, thưa bà?
Trước hết là do nguồn cung thủy sản trên thế giới tăng (sự hồi phục nguồn cung tôm của Thái Lan, Ấn Độ… và sự gia tăng sản lượng cá thịt trắng như cá tuyết, minh thái, rô phi); trong khi, sức cầu còn yếu do nền kinh tế thế giới phục hồi chậm, dẫn đến thủy sản Việt Nam gặp phải cạnh tranh cao tại hầu hết các thị trường.
Thứ hai, kinh tế thế giới suy thoái, nhất là tại các thị trường chính, nhu cầu tiêu thụ giảm tạo vòng xoáy giảm giá đối với hầu hết các mặt hàng nông thủy sản, nhất là các loài thủy sản cao cấp.
Thứ ba, đồng USD tăng giá mạnh so tiền tệ của các nước lớn cùng với động thái thả nổi hoặc phá giá đồng nội tệ một số nước khiến thị trường bất ổn: Nhu cầu giảm, áp lực cạnh tranh tăng. Đặc biệt, chính sách tỷ giá của Trung Quốc khiến thị trường tài chính và hàng hóa xáo trộn.
Thứ tư, thuế chống bán phá giá đối với cá tra fillet đông lạnh Việt Nam vào thị trường Mỹ lần thứ 11 giai đoạn 1/8/2013 – 31/7/2014 vẫn cao.
Thứ năm, quy định khắt khe của Mỹ đối với các loài cá hay hải sản có dấu hiệu gian lận thương mại hay có nguy cơ bị khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU), trong đó đưa tôm vào danh sách “các loài có nguy cơ” có thể tạo ra những trở ngại đối với xuất khẩu tôm nói riêng, thủy sản Việt Nam nói chung vào thị trường này. Cuối cùng, thủy sản Việt Nam vẫn phải tiếp tục đối mặt các rào cản kỹ thuật và các biện pháp phòng vệ của nước nhập khẩu.
Nguồn: TSVN
Bộ Công thương đang triển khai những giải pháp nào nhằm gỡ khó và đẩy mạnh cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam?
Các công tác hỗ trợ nhằm tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh xuất khẩu là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của Bộ Công thương. Bộ đang triển khai đồng bộ nhiều nhóm giải pháp phát triển thị trường, xúc tiến thương mại, tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và trong lĩnh vực thủy sản nói riêng.
Trong lĩnh vực mở cửa thị trường, Bộ cùng các bộ, ngành hữu quan đàm phán thành công nhiều Hiệp định thương mại tự do như: Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á – Âu; Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc; Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU; Hiệp định Đối tác Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP)…
Trong công tác xúc tiến thương mại, năm 2015, trong Khuôn khổ Chương trình Xúc tiến Thương mại Quốc gia, Bộ Công thương đã phê duyệt ba đề án dành riêng lĩnh vực thủy sản với tổng kinh phí 6,25 tỷ đồng, chiếm trên 18% kinh phí xúc tiến thương mại dành cho toàn bộ nhóm hàng nông, thủy sản.
Trong hoạt động hỗ trợ hoạt động xuất khẩu tại nước ngoài, Bộ Công thương củng cố và tiếp tục mở rộng hệ thống cơ quan đại diện thương mại và xúc tiến thương mại của Việt Nam ở nước ngoài, nhằm tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động xuất nhập khẩu nói chung và thủy sản nói riêng, hỗ trợ đắc lực mọi hoạt động của doanh nghiệp Việt Nam tại các thị trường, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của pháp nhân Việt Nam tại các thị trường xuất khẩu.
Trong lĩnh vực đấu tranh tháo gỡ rào cản thị trường, Bộ thường xuyên tập trung nắm bắt tình hình áp dụng các biện pháp bảo hộ mậu dịch, rào cản kỹ thuật và thương mại, các vụ kiện của các nước nhập khẩu đối với thủy sản Việt Nam để kịp thời thông tin cho các đơn vị liên quan và các doanh nghiệp. Thời gian qua, công tác này đã đạt nhiều kết quả tích cực, như: Thành công trong phiên rà soát thuế chống bán phá giá đối với tôm Việt Nam tại thị trường Mỹ lần thứ 9. Brazil dỡ bỏ lệnh tạm ngừng nhập khẩu thủy sản Việt Nam tháng 3/2015; hay việc Trung Quốc cho phép nhập khẩu trở lại tôm sú sống của Việt Nam tháng 10/2015.
Về công tác phổ biến thông tin thị trường xuất khẩu và các FTA, Bộ thường xuyên tổ chức hoạt động tuyên tuyền, phổ biến để doanh nghiệp tận dụng tối đa điều kiện thuận lợi tiếp cận thị trường dành cho hàng hóa Việt Nam.
Ngoài ra, Bộ cũng thường xuyên chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành hữu quan làm việc với VASEP, Hiệp hội Cá tra Việt Nam để xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong xuất khẩu thủy sản.
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam đang than khó vì hàng loạt rào cản kỹ thuật mà các nước nhập khẩu dựng lên. Vậy lời khuyên của bà cho các doanh nghiệp là gì?
Các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản Việt Nam cần nghiên cứu, có phương án nâng cao, cải tiến chất lượng sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu thông qua việc đầu tư, đổi mới công nghệ. Chủ động triển khai áp dụng các hệ thống quản lý tiêu chuẩn chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế và đáp ứng yêu cầu bảo vệ sức khỏe, môi trường. Tăng cường khả năng cạnh tranh và khả năng đáp ứng yêu cầu của thị trường nhập khẩu.
Cùng đó, cần xác định nhóm sản phẩm thương mại chủ chốt và thị trường trọng điểm tại mỗi khu vực thị trường để tiếp tục phát triển, khẳng định chất lượng và uy tín tại các thị trường truyền thống. Nâng cấp năng lực thương mại, tìm kiếm đối tác, ký kết hợp đồng, thiết lập và gia nhập các kênh phân phối. Phát triển thị trường mới, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.
Ngoài ra, phải tích cực mở rộng, tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước; đặc biệt là các tổ chức đa quốc gia, thành phần kinh tế. Hợp tác để xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm thủy sản Việt Nam trên toàn thế giới.
Trân trọng cảm ơn bà!
>> “Xuất khẩu thủy sản Việt Nam năm 2016 vẫn tiếp tục đối mặt những khó khăn như trong năm 2015”, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương, Dương Phương Thảo nhận định. |