6 tháng đầu năm, do ảnh hưởng về giá cả, giá trị XK tôm chỉ tăng trưởng nhẹ, qua đó ảnh hưởng lớn tới tăng trưởng chung của XK thủy sản.
Chế biến tôm XK
Tuy nhiên, trong 6 tháng cuối năm, XK tôm có nhiều hy vọng khởi sắc, qua đó có thể giúp cho XK tôm cả năm đạt khoảng 4 tỷ USD.
Theo Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm, XK tôm đã đạt 1,6 tỷ USD, tăng 5,1% so với cùng kỳ 2017. Như vậy, mức tăng trưởng về giá trị XK tôm trong nửa đầu năm nay là khá khiêm tốn. Nguyên nhân chính là do trong quý II, giá tôm trên toàn cầu cũng như giá tôm XK của Việt Nam giảm nhiều do sản lượng tăng cao, khiến cho giá trị XK tôm trong quý này chỉ đạt hơn 893 triệu USD (giảm 4% so với quý II/2017).
XK tôm giảm trong quý II, còn đến từ phía thị trường do các nhà NK ở những thị trường lớn vẫn còn một lượng không nhỏ tôm tồn kho. May mà trong quý I, XK tôm tăng trưởng 20% nên tính chung cả 6 tháng đầu năm, XK tôm vẫn tăng trưởng nhẹ.
Tuy nhiên, từ nửa cuối tháng 6, thị trường tôm đã bắt đầu khởi sắc trở lại, khi nhiều DN ký được những hợp đồng XK với giá trị lớn do nhu cầu mua tôm của nhiều nhà NK đã tăng trở lại.
Theo VASEP, nhìn lại XK tôm những năm qua, có thể thấy thị trường trong nửa cuối năm thường thuận lợi hơn nửa đầu năm. Chẳng hạn, tại thị trường Mỹ, từ năm 2015 đến nay, từ tháng 7 đến tháng 12 mỗi năm, khối lượng tôm NK bao giờ cũng cao hơn từ tháng 1 đến tháng 6. Năm nay cũng vậy, dự báo là lượng tôm NK vào Mỹ sẽ tăng lên trong nửa cuối của năm so với nửa đầu năm. EU cũng sẽ tăng NK trong những tháng cuối năm. Các thị trường chính khác cũng đang ổn định lại nhu cầu NK tôm.
Trong khi đó, dù vẫn gặp khó khăn ở thị trường Mỹ vì thuế chống bán phá giá ở mức cao, nhưng dư địa để Việt Nam đẩy mạnh XK tôm sang Mỹ vẫn còn khá lớn. Hiện Việt Nam có khả năng XK tới 150 ngàn tấn tôm sang Mỹ, nhưng trên thực tế mới chỉ XK được khoảng 60 ngàn tấn/năm (chiếm khoảng 10% lượng tôm NK vào Mỹ). Mới đây, trong đợt xem xét hành chính lần thứ 12 (POR 12), Bộ Thương mại Mỹ đã áp thuế chống bán phá giá với tôm Ấn Độ ở mức 1,35% (tăng 0,84% so với POR 11). Mức tăng thuế chống bán phá giá này là không lớn, nhưng cũng sẽ có tác động nhất định tới việc XK tôm Ấn Độ sang Mỹ. Qua đó, giúp cho tôm Việt Nam “dễ thở” hơn đôi chút khi cạnh tranh với tôm Ấn Độ tại thị trường quan trọng này.
Ngoài việc các thị trường chính sẽ tăng lượng tôm NK trong những tháng cuối năm, XK tôm còn kỳ vọng nhiều hơn vào việc giá tôm sẽ tăng lên khi mà sản lượng toàn cầu giảm xuống. Ở Ấn Độ, do bị thua lỗ vì giá tôm giảm xuống dưới giá thành, nông dân đã giảm khoảng hơn 30% lượng tôm giống thả nuôi, khiến cho khoảng 50% trại tôm giống đã phải tạm ngừng hoạt động. Dự kiến lượng tôm giống thả nuôi cho vụ 2 trong năm, bắt đầu từ tháng 7 này, cũng sẽ giảm tương tự.
Niềm hy vọng lớn nhất của XK tôm Việt Nam trong 6 tháng cuối năm vẫn là thị trường EU. Nửa đầu năm nay, trong khi XK tôm sang nhiều thị trường chính sụt giảm thì thị trường EU vẫn tăng trưởng tốt. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, XK tôm sang EU đạt 405,6 triệu USD, tăng 38% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, XK tôm sang EU vẫn duy trì được đà tăng trưởng tốt của năm 2017 (đạt trên 862,8 triệu USD, tăng 43,7% so năm 2016). 3 thị trường chính ở EU là Hà Lan, Anh và Đức đều tăng trưởng mạnh lần lượt là 74%, 23% và 53%.
XK tôm sang EU tiếp tục tăng trưởng cao, trước hết là nhờ ưu đãi về thuế. Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, trong khi 2 đối thủ cạnh tranh là Thái Lan và Trung Quốc hiện không được hưởng hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) của EU, thì Việt Nam lại đang được hưởng GSP đối với tôm nguyên liệu đông lạnh (mã HS 030617) là 4,2% và tôm chế biến đông lạnh (HS 160521) là 7%. Dự kiến khi Hiệp định thương mại tự do EU – Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực, XK tôm sang EU càng có cơ hội tăng trưởng mạnh hơn nữa nhờ những ưu đãi về thuế NK tôm từ Việt Nam. Các nhà NK EU ngày càng ưa chuộng các sản phẩm chế biến từ tôm thẻ chân trắng, và đây cũng là lợi thế của ngành tôm Việt Nam. Chỉ riêng tại thị trường Hà Lan, trong 5 tháng đầu năm nay, NK tôm thẻ chân trắng chế biến từ Việt Nam đã tăng tới 161%.
Bên cạnh đó, việc đối thủ cạnh tranh chính của tôm Việt Nam tại EU là Ấn Độ tiếp tục gặp khó khi XK vào thị trường này do những vấn đề liên quan đến dư lượng kháng sinh trong tôm (tần suất kiểm tra tôm Ấn Độ NK vào EU hiện là 50%), cũng đã và đang là cơ hội tốt để Việt Nam đẩy mạnh XK tôm sang EU trong thời gian qua cũng như trong 6 tháng cuối năm 2018.
Với sự ổn định trở lại về mặt thị trường, cộng với giá tôm trên toàn cầu đang có xu hướng tăng trở lại khi mà nguồn cung đã giảm, VASEP cho rằng XK tôm trong 6 tháng cuối năm sẽ tăng trưởng tốt hơn. Nhờ vậy, giá trị XK tôm cả năm có thể lần đầu tiên chạm mốc 4 tỷ USD.