Trong tổng kim ngạch XK tôm, kể từ năm 2013 đến nay, tôm chân trắng luôn chiếm tỷ trọng từ 50% trở lên và ngày càng thể hiện rõ nét vị trí chủ chốt của mình. Mặt hàng này được đánh giá sẽ tiếp tục là mặt hàng XK chủ lực, đóng góp đáng kể vào tổng kim ngạch XK tôm nói riêng và thủy sản nói chung. XK tôm chân trắng được dự báo sẽ còn tăng hơn nữa trong năm 2018.
Theo Tổng cục Thủy sản, năm 2017, diện tích tôm chân trắng là 98,7 nghìn ha; tăng 4,7% so với năm 2016; sản lượng tôm chân trắng 427 nghìn tấn, tăng 8,5% so với năm 2016. Kim ngạch XK tôm chân trắng đạt 2,5 tỷ USD; chiếm 65,6% tổng XK tôm và tăng 29,2% so với năm 2016.
Trong giai đoạn từ 2012 đến 2017, trừ năm 2015, diện tích và sản lượng tôm chân trắng đều giảm do thời tiết bất lợi, tôm chết nhiều, các năm còn lại, diện tích và sản lượng tôm chân trắng liên tục tăng. Từ 38.169 ha trong năm 2012, diện tích tôm chân trắng đã tăng lên 98.700 ha trong năm 2017. Từ sản lượng chỉ 177.817 tấn trong 2012, sản lượng tôm chân trắng đã liên tục gia tăng và đạt 427.000 tấn trong năm 2017. Đáng chú ý, năm 2013, diện tích nuôi và sản lượng tôm chân trắng đều tăng mạnh trên 50% vì đây là năm đánh dấu ngành tôm nuôi nước lợ phục hồi sản xuất, được mùa, được giá và kiểm soát tốt dịch bệnh EMS, xác định được hướng phát triển rõ ràng, đặc biệt là tôm chân trắng.
Về kim ngạch XK, năm 2012, giá trị XK tôm chân trắng mới chỉ đạt 741,3 triệu USD thì năm 2017, kim ngạch XK mặt hàng này đã vươn lên mức cao kỷ lục 2,5 tỷ USD. Từ 2012-2017, trừ năm 2015, kim ngạch XK giảm, XK tôm chân trắng các năm còn lại luôn đạt mức tăng trưởng 2 con số. Đặc biệt, năm 2013, XK mặt hàng này tăng trưởng 113%.
Năm 2013 cũng là năm đầu tiên tôm chân trắng vượt qua tôm sú về giá trị XK. Trước năm 2012, tôm chân trắng luôn chiếm tỷ trọng thấp hơn tôm sú trong tổng cơ cấu sản phẩm tôm XK. Từ năm 2013, tỷ trọng tôm chân trắng luôn cao hơn tôm sú. Tỷ trọng tôm chân trắng tăng liên tục từ 2013 đến nay. Năm 2017, tỷ trọng tôm chân trắng đạt 65,6% trong tổng XK các mặt hàng tôm Việt Nam.
Với thời gian nuôi ngắn, năng suất cao trong khi giá bán khá ổn định, tôm chân trắng được coi là một trong những đối tượng nuôi chủ lực của ngành nuôi trồng thủy sản. Năm 2018, sản lượng tôm chân trắng có khả năng đạt 430 nghìn tấn, tăng 0,7% so với năm 2017.
Về thị trường tiêu thụ
Trước năm 2013, XK tôm sú luôn chiếm tỷ trọng cao hơn sang các thị trường chính như Mỹ, Nhật Bản, EU…Sau năm 2013, kinh tế suy thoái tại nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới đã làm thay đổi xu hướng và thói quen tiêu dùng của người dân, chuyển từ tôm sú sang tôm chân trắng. Xu hướng này được thể hiện rõ rệt nhất trên thị trường Nhật Bản và Mỹ. Thời điểm đó, hàng loạt báo cáo thị trường tôm Nhật Bản cho thấy người tiêu dùng nước này đã chuyển sang sử dụng tôm chân trắng thay thế tôm sú trong các món ăn truyền thống.
Năm 2017, 4 thị trường NK tôm chân trắng lớn nhất của Việt Nam gồm Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Năm 2018, dự báo nhu cầu tiêu thụ tôm chân trắng của các thị trường này có xu hướng tăng.
Nhật Bản được coi là thị trường có nhu cầu tiêu thụ ổn định nhất trong số các thị trường NK tôm của Việt Nam. Tại Nhật Bản, tỷ lệ lập gia đình muộn nhiều, số người độc thân gia tăng nên những sản phẩm chế biến sẵn, sản phẩm giá trị gia tăng từ tôm sẽ thu hút mạnh người tiêu dùng tại đây. XK tôm chân trắng sang Hàn Quốc cũng sẽ “cất cánh” nhờ lợi thế từ Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Trung Quốc là thị trường hoạt động “sôi nổi” nhất trong năm 2017 và dự báo vẫn là thị trường trọng tâm của nhiều DN tôm trong năm 2018 vì nhu cầu liên tục tăng. Nhu cầu sử dụng tôm trong bữa ăn gia đình và tiệc tùng ở Trung Quốc ngày càng cao. Đồng NDT ổn định và Chính phủ Trung Quốc giảm thuế NK đối với tôm đông lạnh từ 1/12/2017 sẽ có lợi cho các nhà cung cấp tôm của Việt Nam.
Bên cạnh đó, các thị trường đơn lẻ trong khối EU như Hà Lan, Anh, Bỉ, Đức cũng là những điểm đến quen thuộc của tôm chân trắng Việt Nam. Các thị trường này khá nhạy cảm về giá nên các sản phẩm tôm chân trắng giá phải chăng cũng được ưa chuộng tại đây. Với FTA giữa Việt Nam và EU đang trong giai đoạn chuẩn bị có hiệu lực. XK tôm chân trắng sang các thị trường này sẽ có cơ hội tăng trưởng.
Các bài học kinh nghiệm thành công với con tôm chân trắng ở Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia… đã được áp dụng hiệu quả ở Việt Nam. Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT đang có nhiều định hướng giúp thúc đẩy địa phương thực hiện một số nhiệm vụ để quản lý nuôi tôm thẻ chân trắng trong mô hình nuôi quảng canh cải tiến tại ĐBSCL và triển khai các biện pháp quản lý nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng quy hoạch nuôi tôm sú, sinh thái tại Cà Mau. Sản lượng tôm chân trắng sẽ còn tiếp tục tăng để đáp ứng nhu cầu lớn của các nhà máy chế biến trong nước.
Với đặc điểm vượt trội về năng suất, lợi nhuận cộng với sản lượng dự kiến tăng, thị trường tiêu thụ thuận lợi, dự báo năm 2018, XK tôm chân trắng sẽ còn tiếp tục tiến xa chứ không chỉ dừng lại ở mức tăng trưởng 29% của năm 2017.