Xuất khẩu tôm rất khó về đích

Chưa có đánh giá về bài viết

Ngay từ đầu năm, ngành tôm đã gặp rất nhiều khó khăn cả trong sản xuất và xuất khẩu. Tăng trưởng của một vài thị trường không thể bù đắp cho giá trị xuất khẩu giảm của mặt hàng này trong nhiều tháng qua. Mặc dù cố gắng tận dụng cơ hội, vậy nhưng, dự đoán xuất khẩu tôm năm nay sẽ không đạt kế hoạch.

Nhiều bất cập

Bất cập lớn nhất của ngành tôm hiện nay là sản xuất nhỏ lẻ, chưa đồng bộ nên chưa đáp ứng được các điều kiện về tăng năng suất và sản lượng tập trung để thúc đẩy liên kết, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm. Hiện tại, Việt Nam sản xuất và xuất khẩu thủy sản đứng thứ 4 thế giới, tuy nhiên chi phí sản xuất của Việt Nam còn cao so các nước trong khu vực (chi phí con giống, thức ăn, thuốc vật tư, tổn thất sau thu hoạch….). Đáng lưu ý, mức độ công nghệ hóa thấp gây ra việc kiểm soát môi trường chưa đảm bảo, bên cạnh đó các yêu cầu từ thị trường, nhà nhập khẩu (chất lượng, môi trường, lao động, sản xuất bền vững, trách nhiệm xã hội…) ngày càng khắt khe hơn. 

Các cơ sở nuôi nhỏ lẻ thường thiếu vốn sản xuất, phải mua chịu vật tư đầu vào, chịu lãi suất cao và không có cơ hội lựa chọn sản phẩm có chất lượng, lệ thuộc vào đại lý. Nhiều vùng nuôi chưa được đầu tư cơ sở hạ tầng đảm bảo; công nghệ vùng nuôi tôm hiện đang rất hạn chế, đặc biệt tại các vùng nuôi quảng canh do chưa được quan tâm đầu tư, dẫn đến năng suất thấp, hiệu quả sản xuất chưa cao. Từ đó, giá thành sản xuất tôm của Việt Nam vẫn cao hơn các nước trong khu vực như Ấn Độ, Thái Lan, Ecuador, Indonesia. Thêm nữa, tình trạng lạm dụng thuốc, hóa chất, bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu vẫn còn.

Đặc biệt, nuôi tôm vẫn chưa hoàn toàn làm chủ công nghệ chọn tạo, gia hóa, chưa thể chủ động cung ứng giống. Mỗi năm Việt Nam vẫn phải nhập khẩu khoảng 90% nguồn TTCT bố mẹ, còn tôm sú bố mẹ một phần vẫn phải thu gom từ tự nhiên. Năm nay, tính đến hết ngày 31/10/2019 đã nhập khẩu 180.170 con tôm bố mẹ (chủ yếu từ Mỹ và Thái Lan), tương đương với cùng kỳ năm 2018. Kết quả sản xuất, cung ứng giống thủy sản: cả nước có 2.457 cơ sở sản xuất giống tôm nước lợ, trong đó 1.855 cơ sở sản xuất giống tôm sú và 602 cơ sở sản xuất giống TTCT. Số lượng giống sản xuất 100,3 tỷ con (tôm sú 23,5 tỷ con; TTCT 76,8 tỷ con) bằng 102% so cùng kỳ năm 2018.

Tôm là đối tượng xuất khẩu chủ lực của ngành thủy sản   Ảnh: Thanh Cường

Chế biến tôm xuất khẩu – Ảnh: Phan Thanh Cường

Hiện tại, Việt Nam chỉ có giống tôm sạch bệnh phục vụ nuôi công nghiệp, chưa có con giống kháng bệnh phục vụ nuôi quảng canh. Một phần tôm giống từ các tỉnh Nam Trung bộ không có nguồn gốc rõ ràng, chưa qua kiểm dịch. Khu vực nuôi tôm quảng canh rộng lớn đang cần có những đột phá về con giống (cần con giống có khả năng kháng bệnh, tăng trưởng nhanh) và về giải pháp kỹ thuật, khoa học công nghệ.

 

Hạ chỉ tiêu xuất khẩu

Manh mún nên chuỗi giá trị tôm chưa đáp ứng được đòi hỏi về truy xuất nguồn gốc đảm bảo ATTP của thị trường. Ông Hoàng Thanh Vũ, Phó Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Sao Ta cho biết, một năm đơn vị xuất khẩu khoảng 11.000 tấn tôm thành phẩm sang thị trường Nhật, Mỹ, EU, với kim ngạch 160 triệu USD. Khó khăn nhất của chế biến xuất khẩu tôm là nguyên liệu, Sao Ta đã nuôi tôm 170 ha nhưng mới đáp ứng được khoảng 20 -30% nhu cầu nguyên liệu của nhà máy. “Cùng công suất chế biến nhưng vùng nuôi tôm của Công ty phải gấp 10 – 15 lần so diện tích của vùng nuôi cá. Nên theo tôi biết hiện nay chưa có một nhà chế biến tôm nào có vùng nuôi cung cấp trên 50% nhu cầu của chế biến”, ông Vũ nói.

Để thoát khỏi manh mún, không có con đường nào khác ngoài các chủ thể trong ngành, bao gồm người sản xuất, doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu, đặc biệt là các doanh nghiệp cung cấp đầu vào như giống, thức ăn và thuốc phải đổi mới. Một trong những trọng tâm thời gian trước mắt là thực hiện đăng ký cơ sở nuôi và cả chứng nhận đủ điều kiện sản xuất tại cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản, cơ sở sản xuất thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường NTTS. Các doanh nghiệp, người nuôi phải chủ động thực hiện, bên cạnh là trách nhiệm của chính quyền địa phương triển khai đầy đủ quy định đến người nuôi và kiểm tra, đôn đốc.

Các đại biểu dự hội thảo cho biết, sản xuất chưa hy vọng có giải pháp thay đổi nhanh nhưng thị trường cũng có nhiều tín hiệu tốt. Đó là, Ấn Độ đã hết vụ sản xuất tôm chính nên giá tôm đang có xu hướng tăng trở lại; các thị trường Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc đang tăng trưởng khá. Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã công bố kết quả cuối cùng của đợt rà soát hành chính lần thứ 13 (POR13) đối với biện pháp chống bán phá giá với tôm Việt. Theo đó, 31 doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam sẽ được hưởng mức thuế chống bán phá giá là 0%, trong danh sách có nhiều doanh nghiệp lớn như Minh Phú, Sao Ta, C.P Việt Nam, Camimex… Bên cạnh đó, sự tác động của hiệp định tự do thương mại tự do cũng sẽ tạo nền tảng để các doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh.

Tuy nhiên, theo đại diện Vụ Nuôi trồng Thủy sản, thực trạng nhỏ lẻ khó khắc phục nhanh nên không thể đạt kế hoạch xuất khẩu năm 2019 như đề ra hồi đầu năm. Mục tiêu kim ngạch xuất khẩu tôm năm 2019 điều chỉnh xuống dự kiến chỉ 3,6 – 3,7 tỷ USD.

>> Theo Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng Thủy sản Trần Công Khôi, đến hết tháng 10/2019, diện tích thả nuôi tôm cả nước 713.402 ha, tăng 0,1% so cùng kỳ 2018. Sản lượng thu hoạch 600.874 tấn, tăng 4,4%. 10 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm đạt 2,519 tỷ USD (giảm 6,7%) và mới đạt gần 61,6% kế hoạch cả năm 2019 là 4,09 tỷ USD. 

Sáu Nghệ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!