(TSVN) – Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn tiềm ẩn, chiến tranh, lạm phát, giá cả tăng cao và vận chuyển hàng hóa khó khăn, các doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ trong hoạt động xúc tiến thương mại để khơi thông các thị trường.
Ở Việt Nam, Cục Xúc tiến thương mại (VIETRADE) trực thuộc Bộ Công thương là cơ quan thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về xúc tiến thương mại (XTTM), thương hiệu và đầu tư phát triển công nghiệp, thương mại theo quy định của pháp luật. Ngoài Cục Xúc tiến thương mại, hệ thống các tổ chức XTTM nhà nước còn bao gồm các tổ chức XTTM thuộc các Bộ, ngành và các tổ chức hỗ trợ thương mại của Nhà nước, như: Bộ Kế hoạch – Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ NN&PTNT đều có các bộ phận chuyên trách giúp Nhà nước trong việc hoạch định các chính sách hỗ trợ, khuyến khích xuất khẩu. Các bộ và các tổ chức hỗ trợ thương mại đều có các viện nghiên cứu, vụ chức năng, các trung tâm thông tin, báo chí chuyên ngành… hỗ trợ công tác quản lý, phát triển sản xuất, kinh doanh xuất khẩu của các doanh nghiệp. Ngoài ra, ở cấp địa phương, hiện nay có 57 tỉnh/thành phố ở nước ta đã thành lập trung tâm XTTM và 6 địa phương còn lại đã có các phòng đảm nhiệm việc thực hiện công tác XTTM.
Hiện nay, Việt Nam cũng đã lên kế hoạch thành lập Trung tâm Giới thiệu sản phẩm thủy sản ở EU. Theo thông tin từ Cục Xúc tiến thương mại, Trung tâm này sẽ giúp ích cho các doanh nghiệp trong việc gặp gỡ, trao đổi và tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh tại thị trường này. Với việc tổ chức các trung tâm giới thiệu sản phẩm đã có khá nhiều doanh nghiệp tham gia, trong đó có các doanh nghiệp nông, lâm, thủy sản thông qua gửi catalogue, sản phẩm trưng bày.
Cách đây vài tháng, tại TP Hồ Chí Minh đã diễn ra tọa đàm “Cơ hội tiếp cận thị trường Pháp sau đại dịch COVID-19” do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP Hồ Chí Minh và Hội doanh nhân Việt Nam tại Pháp tổ chức. Rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia cuộc tọa đàm này. Tại đây, phía Pháp cho biết sản phẩm thủy sản Việt Nam tiêu thụ rất tốt, song vấn đề cần lưu ý đó chính là ATTP.
Hoạt động giao thương, trao đổi, quảng bá hàng hóa thủy sản đang dần sôi động trở lại. Ảnh: Nam Anh
Trong khi đó, thực hiện Chương trình cấp quốc gia về XTTM năm 2022, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển (kiêm nhiệm Na Uy) tổ chức Đoàn giao dịch thương mại tại Thụy Điển và Na Uy từ ngày 6 – 16/8/2022. Nhiều doanh nghiệp đến từ các tỉnh, thành đã đến làm việc trực tiếp với nhiều đầu mối phân phối hàng thực phẩm, thủy sản, hàng tiêu dùng tại Thụy Điển và Na Uy.
Theo thông tin từ đoàn công tác thì đại diện Công ty Garden Food AB (một nhà nhập khẩu uy tín) – ông Moris Marwan Farkouh cho biết, hiện nay công ty có nhu cầu nhập khẩu đối với các sản phẩm cá tra, cá basa Việt Nam. Trong khi đó Vụ Châu Á và Trung Đông, Cơ quan Xúc tiến thương mại và đầu tư Na Uy (Bộ Công nghiệp Thương mại và Thủy sản Na Uy) cho biết, Na Uy luôn tìm kiếm đối tác chiến lược lâu dài với các nước trong đó có Việt Nam.
Nhằm tăng cường XTTM và đầu tư, trao đổi kinh nghiệm, kiến thức, chuyển giao công nghệ giữa Việt Nam và Hà Lan để phát triển ngành NTTS bền vững tại Việt Nam; Diễn đàn Giao thương Phát triển Thủy sản Bền vững Doanh nghiệp Hà Lan – Việt Nam 2022, do phái đoàn ngoại giao Hà Lan tại Việt Nam phối hợp với các đối tác chiến lược trong lĩnh vực NTTS đã được tổ chức ngày 7/9 tại Cần Thơ. Thông tin tại đây cho thấy, Hà Lan là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam tại EU và thứ sáu toàn cầu. Năm 2021, kim ngạch thương mại song phương hai nước đạt 8,373 tỷ USD, tăng 9,4% so năm 2020. Hà Lan và Việt Nam có mối quan hệ lâu dài, đáng tin cậy, đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược trong lĩnh vực “Nước và Thích ứng với Biến đổi Khí hậu”, “Nông nghiệp và An ninh Lương thực”. Các chuyên gia Hà Lan vừa tư vấn kỹ thuật cho Chính phủ Việt Nam xây dựng Quy hoạch ĐBSCL năm 2022. Hà Lan là nhà đầu tư lớn nhất của EU tại Việt Nam.
Mới đây, nhân dịp kỷ niệm quốc khánh 2/9/2022, lãnh đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Pakistan và Bộ phận Thương vụ đã tổ chức hoạt động quảng bá sản phẩm fillet cá basa và thanh long Việt Nam. Có thể nói đây là hoạt động đặc sắc và ấn tượng khi mà người dân Pakistan ngày càng quan tâm tới sản phẩm nông sản từ Việt Nam, vốn đã chinh phục khắp các thị trường khó tính trên toàn thế giới.
Nhìn chung, qua các hoạt động XTTM, các nhà nuôi trồng, xuất khẩu của Việt Nam đều nhìn thấy nhu cầu từ các thị trường vốn dựa đáng kể vào nhập khẩu sản phẩm nông nghiệp, trong đó có thủy, hải sản. Song, vấn đề chất lượng, xuất xứ và uy tín thương hiệu vẫn là điều mà các đối tác cần phía Việt Nam quan tâm nhiều hơn nữa.
Thống kê cho thấy sau hơn 3 năm thực thi Hiệp định CPTPP, các doanh nghiệp Việt Nam đã có một thị trường rộng lớn và ổn định. Sau khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực đối với Việt Nam từ tháng 1/2019, đã cho thấy sự tăng trưởng nhảy vọt của hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang các nước thành viên CPTPP, đặc biệt ở khu vực châu Mỹ. Xuất khẩu sang Canada năm 2021 đạt 5,3 tỷ USD, tăng 20,8% so năm 2020 và tăng 75% so với thời điểm trước khi Hiệp định có hiệu lực. Xuất khẩu sang Mexico năm 2021 đạt 4,6 tỷ USD, tăng trưởng trên 100%.
Tuy nhiên, xét về cơ cấu ngành hàng thì hiện xuất khẩu nông, thủy sản chỉ mới chiếm khoảng 4% tại thị trường tiềm năng này. Khó khăn lớn nhất là khoảng cách địa lý, khiến lợi nhuận xuất khẩu nông sản ảnh hưởng. Tuy nhiên, đây là một thị trường rất tiềm năng.
Hiệp định EVFTA cũng góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy thương mại bền vững và bao trùm giữa Việt Nam và EU, đặc biệt tạo những cơ hội lớn để tăng kim ngạch xuất khẩu thủy sản. EU là một trong năm thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam, đồng thời Việt Nam là nhà cung cấp thủy sản lớn thứ hai tại châu Á cho EU. Năm 2021, khối lượng xuất khẩu của tất cả các mặt hàng thủy sản chính của Việt Nam sang các nước EU đều tăng trưởng khả quan. Ước tính các quốc gia EU có nhu cầu nhập khẩu thủy sản hàng năm lên tới 50 tỷ USD và Hiệp định EVFTA mang đến cho Việt Nam những cơ hội lớn để tăng kim ngạch xuất khẩu thủy sản. Việc thực thi EVFTA đã góp phần làm cho các mã thuế cao trong khoảng 6 – 22% được giảm xuống 0% trong số khoảng 220 mã thuế. Các dòng thuế còn lại sẽ được xóa bỏ dần về 0% sau 3 – 7 năm.
Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, Việt Nam tham gia rất nhiều FTA, đối với Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện Khu vực (RCEP) hứa hẹn mang nhiều lợi thế cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam nói chung, doanh nghiệp tại Cà Mau nói riêng. RCEP có quy mô lớn nhất toàn cầu, các nước trong khối Hiệp định hiện nay được xem là thị trường xuất khẩu thủy sản (chủ yếu là tôm) lớn của tỉnh Cà Mau, chiếm tỷ trọng gần 40% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Để tận dụng tốt thời cơ này, Cà Mau sẽ phổ biến, tuyên truyền cộng đồng doanh nghiệp, người dân hiểu được cơ chế của các Hiệp định có liên quan đến ngành hàng của mình. Tổ chức ra các sản phẩm hàng hóa có sản lượng lớn, chất lượng cao và ổn định. Nhất là thực hiện nhiều biện pháp trong suốt quá trình làm ra sản phẩm theo hướng kiểm soát chặt chẽ chất lượng. Bởi khi được hưởng các lợi thế từ RCEP, các nước trong khối này đồng thời cũng sẽ dựng lên các hàng rào kỹ thuật, đặc biệt là hàng rào về chất lượng, đây được xem là vấn đề rất lớn nếu chúng ta muốn tận dụng tốt lợi thế này.
Tuy nhiên các chuyên gia đều cho rằng các tháng cuối năm 2022, xuất khẩu thủy, hải sản khó đạt được đà tăng trưởng mạnh như hồi đầu năm. Các doanh nghiệp cũng như người nuôi rất cần các cơ quan chức năng và doanh nghiệp tiếp tục các hoạt động XTTM, giới thiệu quảng bá sản phẩm, xây dựng vị thế thương hiệu Việt Nam trên toàn cầu.
Nguyễn Anh – Ngọc Huyền