Xung lực mới từ các FTA

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Việc đàm phán và ký kết thành công nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã mang lại cơ hội cho nước ta về tăng trưởng kinh tế, đa dạng hóa thị trường xuất, nhập khẩu… Điển hình là những cơ hội lớn từ Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), trong đó, ngành thủy sản hưởng lợi không nhỏ.

Sân chơi lớn

Với hai FTA quan trọng hàng đầu là CPTPP và EVFTA, thủy sản Việt Nam được đánh giá là một trong những ngành được hưởng lợi khá lớn khi đạt được những cam kết về cắt giảm thuế suất sâu nhất từ trước đến nay.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập, VCCI, cho biết CPTPP và EVFTA hỗ trợ đắc lực cho việc nâng cao khả năng cạnh tranh của thủy sản Việt Nam so với các đối thủ hiện nay như Thái Lan, Ấn Độ. Không chỉ tạo lợi thế xuất khẩu, các FTA này còn tạo điều kiện để doanh nghiệp Việt Nam đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu nhằm thúc đẩy hoạt động chế biến, xuất khẩu.

Tại thị trường EU, sau hơn một năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang đây đã có những thay đổi đáng kể. Số liệu từ Tổng cục Hải quan, 11 tháng đầu năm 2021, EU là thị trường lớn thứ 3 về nhập khẩu thủy sản Việt Nam với kim ngạch đạt 914,12 triệu USD, chiếm 11,4% tổng giá trị xuất khẩu toàn ngành và tăng 9,9% so cùng kỳ 2020. Trong đó, điểm sáng là những thị trường Hà Lan, Đức, Italy, Bỉ và Pháp. Đây là kết quả tương đối tích cực, nhất là đặt trong bối cảnh kinh tế toàn cầu chịu ảnh hưởng nghiêm trọng trước đại dịch COVID-19, cước phí vận tải tăng kỷ lục và “thẻ vàng” chưa được gỡ.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, trong số các mặt hàng xuất khẩu vào EU thì tôm và cá tra của Việt Nam có lợi thế hơn cả. Trong đó, mặt hàng tôm năm nay sản lượng lớn, giá cao. Cùng đó, ngày càng nhiều doanh nghiệp đảm bảo đủ các tiêu chí xuất khẩu vào thị trường khó tính nhất nhì thế giới này.

Tính đến hết tháng 11/2021, xuất khẩu tôm sang EU tăng 16% so cùng kỳ, đạt 548 triệu USD và chiếm 15,4% tổng xuất khẩu tôm của cả nước. Trong đó, Hà Lan, Đức và Bỉ chiếm 69% nhập khẩu tôm Việt Nam vào EU. Riêng trong tháng 11/2021, xuất khẩu tôm sang EU đạt 66,5 triệu USD, tăng 86,4%. Tại EU, Việt Nam là nhà cung cấp hàng đầu các sản phẩm TTCT hấp/luộc và các sản phẩm khác cho các siêu thị, do nhiều sản phẩm được chứng nhận ASC. Việt Nam cũng là nước xuất khẩu tôm sú lớn thứ hai sang EU và sản phẩm này được đưa vào các siêu thị và chợ dịch vụ thực phẩm cao cấp của EU.

Với kim ngạch 2,2 – 2,3 tỷ USD/năm, vị thế của khối CPTPP thể hiện rõ hơn khi mà tỷ trọng của khối này trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tăng từ 25% năm 2018 lên gần 28% năm 2021. Sau khi chính thức có hiệu lực với Việt Nam được hơn hai năm, nhiều cam kết của CPTPP đã được triển khai và đã góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang các thị trường đối tác. Số liệu thống kê của VASEP cho thấy, CPTPP là thị trường xuất khẩu tôm lớn thứ hai của Việt Nam (chỉ sau Mỹ), chiếm 25% tổng trị giá xuất khẩu tôm của Việt Nam. Tính tới tháng 11/2021, xuất khẩu tôm Việt Nam sang khối thị trường này ước 905,2 triệu USD, giảm 0,2% so cùng kỳ. Xuất khẩu tôm Việt Nam sang các thị trường chính trong khối CPTPP có xu hướng phục hồi trong giai đoạn cuối năm.

Ảnh: TTX

Chủ động hội nhập

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, cho biết, doanh nghiệp thủy sản của Việt Nam phải xác định, khi tham gia vào các sân chơi lớn như EU cần nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm, nhất là các mặt hàng giá trị gia tăng. Cùng đó, thách thức lớn nhất khi vào thị trường EU là phải tạo được niềm tin cho người tiêu dùng. Niềm tin này phải bắt đầu từ những dòng sản phẩm vừa có lợi thế, vừa đảm bảo chất lượng, quy chuẩn, có sức cạnh tranh ngang tầm. Thách thức nữa là làm sao chúng ta có hệ thống phân phối theo chuỗi, đặc biệt là phải phát triển phân khúc bán lẻ trên khắp EU.

Theo nhiều chuyên gia, đối với các FTA thế hệ mới, doanh nghiệp cần hiểu sâu sắc nội dung của các hiệp định, các điều khoản ưu đãi và cả những thách thức phải vượt qua. Đó là, trong từng doanh nghiệp phải có bộ phận nghiên cứu thị trường, nghiên cứu về mặt pháp lý, kinh tế. Các doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chuyên ngành của Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương để giải quyết những vấn đề về rào cản kỹ thuật. Điều quan trọng là không ngừng cải thiện về chất lượng, đặc biệt là liên tục cập nhật những quy định mới của EU.

Các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài cho rằng, trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp như hiện nay, doanh nghiệp cần có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các khâu, từ nguồn cung, nhà xuất khẩu, vận chuyển, đến nhà nhập khẩu, phân phối, nhằm duy trì tốt chuỗi cung ứng, tránh để xảy ra tình trạng gián đoạn như thời gian vừa qua. Bên cạnh đó, doanh nghiệp nên thường xuyên cập nhật trên các phương tiện thông tin đại chúng, các trang tin của Bộ Công thương và trên ứng dụng của Thương vụ Việt Nam tại các nước CPTPP để nắm bắt tình hình, qua đó có sự chuẩn bị trước cho các tình huống phát sinh.

Theo Bộ Công thương, để phát triển thị trường xuất khẩu, tận dụng tốt cơ hội từ EVFTA, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam cần tích cực, chủ động hơn nữa trong nắm bắt thông tin về EVFTA và đặc biệt là các cam kết liên quan đến ngành hàng thủy sản để tận dụng triệt để các cơ hội và hạn chế các thách thức, giảm thiểu thiệt hại cho doanh nghiệp. Xây dựng kế hoạch phát triển thị trường của doanh nghiệp cho từng sản phẩm vào thị trường EU, đảm bảo phát huy lợi thế và thực thi hiệu quả cam kết EVFTA.

An Chi

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!