Vào độ tháng 7 – 8 hàng năm, khi những cơn lũ đổ về, nước tràn ngập cánh đồng nằm giữa 2 thôn Làng Mang và Làng Ven thuộc xã Minh Tiến, huyện Lục Yên cũng là lúc các loài cá trên hồ Thác Bà bắt đầu qui tụ về đây để vật đẻ.
Thời gian này, khúc sông trở nên sôi động hơn bởi dân chài quanh vùng hồ đổ về đánh bắt cá. Các cấp chính quyền cùng ngành chức năng, vì thế, gặp nhiều khó khăn trong công tác bảo vệ bãi cá vật đẻ.
Nằm ở thượng nguồn hồ Thác Bà – dòng sông Chảy chia cắt xã Minh Tiến thành 2 vùng riêng biệt là hai thôn Làng Mang và Làng Ven. Dọc theo con sông này là cánh đồng rộng trên 500 ha, có độ dốc thoai thoải. Đây là diện tích được người dân ven hồ canh tác vào những mùa nước cạn. Vào tháng 7, tháng 8 khi những con lũ tràn về làm ngập toàn bộ diện tích này cũng là điều kiện cho các thảm thực vật sinh sôi và phát triển, đem lại cho Minh Tiến có một bãi cá đẻ lớn nhất hồ Thác bà. Tuy nhiên, để bảo vệ bãi cá đẻ này, các ngành chức năng cùng chính quyền địa phương gặp không ít khó khăn.
Lênh đênh trên thuyền cùng đoàn công tác của Chi cục Thủy sản tỉnh đi kiểm tra bãi cá đẻ và công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên hồ thác hơn 1 ngày trời nhưng chúng tôi không hề gặp một phương tiện đánh bắt có tính hủy diệt nào. Ngay cả ban đêm khi mà công việc đánh bắt sôi động nhất cũng trở nên im ắng lạ thường, chỉ vài chiếc thuyền đánh lưới hay thả rọ tôm xung quanh khu vực bãi cá.
Cán bộ Chi cục Thủy sản kiểm tra và tuyên truyền cho ngư dân về công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
“Những năm gần đây, việc đánh cá bằng các phương tiện hủy diệt như kích điện, vó đèn, lưới mắt nhỏ đã được hạn chế nhiều nhưng không phải mặt hồ được bình yên vậy đâu! Đây là do những người đánh bắt được báo trước có đoàn đi kiểm tra nên không ra hồ thôi. Từ khi chúng ta xuất bến đã có những lái buôn biết và thông báo lên cho các chủ thuyền đánh cá. Đi như thế này hiếm khi bắt được, chủ yếu là tuyên truyền và hạn chế được tình trạng đánh bắt bằng các phương tiện hủy diệt thôi” – ông Hoàng Ngọc Đại – Chi cục phó Chi cục Thủy sản cho biết.
Với diện tích bãi cá vật đẻ rộng khoảng 400 ha nằm ở địa bàn hai huyện Lục Yên và Yên Bình, hàng năm, Chi cục Thủy sản phối hợp chính quyền hai huyện, đặc biệt hai xã Bảo Ái (Yên Bình) và Minh Tiến (Lục Yên) để bảo vệ.
Ông Tăng Văn Ngọc – Phó chủ tịch UBND xã Minh Tiến cho biết: “Ngay sau khi Chi cục Thủy sản Yên Bái giao quyền quản lý bãi cá đẻ cho xã, chúng tôi đã tiến hành họp và thành lập đội bảo vệ, giao cho lực lượng công an xã trực tiếp bảo vệ trong khoảng thời gian từ trung tuần tháng 6 đến hết tháng 8 hàng năm. Tuy nhiên, do bãi cá đẻ rộng với tổng diện tích 150ha mà lực lượng công an chỉ có 15 người, hơn nữa lại không có thuyền, trong khi đó, người dân đánh bắt thủy sản trái phép toàn bộ đi bằng thuyền máy nên công tác bảo vệ gặp không ít khó khăn”. Vào thời điểm cá vật đẻ, Công an xã đã phải huy động tối đa lực lượng chia làm 3 tổ bảo vệ, mỗi tổ 5 người, vào những ngày mưa lũ thay nhau trực 24//24 giờ.
Nhờ sự quyết liệt của lực lượng công an xã mà tình trạng kích điện, kéo lưới vét trong mùa cá vật đẻ những năm qua đã giảm nhiều. Ông Hoàng Văn Thi – Trưởng ban Công an xã cho biết: “Mặc dù còn rất nhiều khó khăn, phương tiện không có, kinh phí thấp nhưng vì lợi ích lâu dài của nhân dân nên chúng tôi cố gắng làm hết trách nhiệm bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đảm bảo cho cá vật đẻ tự nhiên. Chúng tôi kiên quyết xử lý mọi hành vi đánh bắt trái phép”.
Rõ ràng, đánh bắt cá bằng kích điện, nổ mìn, kéo lưới vét… là những hình thức khai thác hủy diệt. Nếu đánh bắt bằng chài lưới thông thường thì nhiều lắm cũng chỉ được yến cá nhưng chỉ cần một thuyền kích điện trong một đêm có thể bắt cả tạ cá to, hay chỉ cần một quả mìn nổ cũng có cả vài yến cá lớn nhỏ.
Thực trạng trên đã làm cho nguồn lợi thủy sản trên hồ Thác Bà những năm gần đây giảm nghiêm trọng. Bởi vậy, huyện Lục Yên, huyện Yên Bình, Chi cục Thủy sản và UBND các xã ven hồ nhiều năm qua đã tăng cường vận động nhân dân các xã ký cam kết không sử dụng chất kích nổ, kích điện, vó lưới mắt nhỏ kết hợp với ánh sáng đèn và các hình thức khai thác hủy diệt khác để đánh bắt thủy sản; giao UBND các xã được giao quản lý mặt nước đến từng hộ dân tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia quản lý, bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên hồ.
Mặc dù thế song tình trạng người dân sử dụng dụng cụ kích điện đánh bắt vẫn còn xảy ra. Theo một số người dân khi có đoàn kiểm tra thì mặt hồ yên ả nhưng khi đoàn kiểm tra rút thì tình trạng trên lại tái diễn. Điều đó gây khó khăn cho các cấp quản lý vì một tháng nhiều lắm thì đoàn kiểm tra cũng chỉ đi được 1-2 lần, còn các cấp chính quyền do lực lượng mỏng không có phương tiện nên cũng hạn chế trong công tác kiểm tra, giám sát.
Ông Đặng Thanh Hải – Chủ tịch UBND xã Bảo Ái cho biết: “Toàn xã được giao quản lý 910 ha mặt nước hồ, trong đó quy hoạch bãi cá vật đẻ 250ha. Vào mùa nước lên nhất là những ngày mưa lũ, chính quyền xã cùng ban công an thường xuyên đi kiểm tra bãi cá đẻ nhưng gặp nhiều khó khăn vì hiện nay xã không có kinh phí, không có phương tiện. Vì vậy, chúng tôi chỉ còn cách tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu và tự bảo vệ nguồn sống của mình. Ý thức của các ngư dân là yếu tố quan trọng trong công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản”.
Mặc dù hàng năm tỉnh đều trích ngân sách thả bổ sung nguồn lợi thủy sản nhưng chỉ như “muối bỏ bể”, thậm chí có khi vừa thả xong người dân đã đánh bắt. Vì vậy, việc làm cần thiết hiện nay là tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền để người dân nhận thức rõ việc bảo vệ nguồn cá sinh sản tự nhiên là quan trọng. Cấm sử dụng các loại phương tiện đánh như: lưới mắt nhỏ, xung điện, vó bè, hóa chất để đánh bắt vì đây là sự tận diệt nguồn lợi thủy sản. Các địa phương và các ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát trên hồ, nhất là vào mùa lũ lụt và mùa cá sinh sản. Tự ngư dân kiểm soát ngư dân và bảo tồn nguồn lợi thủy sản là hiệu quả nhất, đừng vì lợi trước mắt mà tận diệt nguồn sống của chính mình.
Bên cạnh đó, Chi cục Thủy sản tiếp tục tranh thủ sự chỉ đạo của các cấp, các ngành, đặc biệt là chính quyền địa phương các xã thuộc hai huyện Yên Bình, Lục Yên phối hợp tổ chức thực hiện việc tuyên truyền Quy chế số 01/2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái, Nghị định số 103/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong hoạt động thủy sản đến toàn thể người chăn nuôi và khai thác thủy sản; tăng cường phối hợp với chính quyền huyện Yên Bình và Lục Yên thanh tra, kiểm tra hoạt động khai thác thủy sản trên hồ Thác Bà; phát hiện và ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy chế quản lý, khai thác nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh.
Để nguồn lợi thủy sản ngày càng sinh sôi góp phần ổn định đời sống của người dân ven hồ, công tác quản lý, bảo vệ nguồn lợi thủy sản nói chung và bảo vệ bãi cá vật đẻ nói riêng cùng với việc ngăn chặn tình trạng sử dụng kích điện, thuốc nổ, thuốc độc hóa học, sử dụng vó lưới mắt dày… trên hồ Thác Bà cần phải được duy trì thực hiện một cách thường xuyên, liên tục. Cùng với đó rất cần sự quan tâm vào cuộc của các cấp chính quyền địa phương và nhân dân các xã vùng hồ Thác Bà.