T2, 06/07/2020 11:15

Yêu cầu kỹ thuật đối với thiết kế mẫu tàu cá

Chưa có đánh giá về bài viết

Đây là nội dung trong Thông tư số 25/2014/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT ban hành ngày 25/8/2014, quy định yêu cầu kỹ thuật đối với thiết kế mẫu tàu cá vỏ thép, vỏ gỗ, vỏ vật liệu mới có tổng công suất máy chính từ 400 CV trở lên.

Theo đó, thiết kế kỹ thuật mẫu tàu phải thể hiện đầy đủ các số liệu cần thiết để chứng minh sự phù hợp với các quy phạm phân cấp và đóng tàu; Bản tính toán để xác định các thông số và đại lượng phải phù hợp với các yêu cầu quy phạm tương ứng hoặc phương pháp tính toán được cơ quan đăng kiểm tàu cá Trung ương chấp thuận; Đồng thời, thiết kế mẫu phải phù hợp với nghề và vùng biển hoạt động.

Các thiết kế kỹ thuật mẫu tàu phải thể hiện đầy đủ số liệu cần thiết

Yêu cầu kỹ thuật:

– Thiết kế thân tàu, hệ thống máy tàu, trang thiết bị điện, trang thiết bị chữa cháy, phương tiện cứu sinh, phương tiện tín hiệu, trang thiết bị vô tuyến điện, thiết bị hàng hải, thiết bị lạnh phải thỏa mãn yêu cầu theo quy phạm phân cấp và đóng tàu cá biển TCVN 6718:2000. Thiết kế trang thiết bị nghề cá phải đáp ứng yêu cầu tại phần 6B quy phạm phân cấp và đóng tàu cá biển cỡ nhỏ TCVN 7111:2002.

– Thiết kế mẫu tàu cá phải thỏa mãn yêu cầu bố trí lắp đặt trang thiết bị phù hợp với các nghề khai thác cụ thể:

Đối với nghề lưới rê: Yêu cầu bố trí lắp đặt máy thu lưới sử dụng tang ma sát dẫn động bằng thủy lực kiểu treo, có nguồn động lực dẫn động độc lập, rada quan sát lưới và thiết bị nâng hạ;

Đối với nghề lưới vây: Yêu cầu bố trí lắp đặt thiết bị nâng hạ, máy thu giềng rút thu đồng thời hai đầu truyền động thủy lực, tời thu lưới vây thủy lực kiểu treo cao, máy dò ngang;

Đối với nghề lưới chụp: Yêu cầu bố trí lắp đặt thiết bị nâng hạ, máy thu giềng rút truyền động thủy lực hoặc truyền động cơ khí;

Đối với nghề câu vàng: Yêu cầu bố trí lắp đặt máy thu câu tự động dẫn động bằng thủy lực, máy bắn câu điều khiển bằng điện và thiết bị nâng hạ;

Đối với tàu dịch vụ hậu cần nghề cá: Yêu cầu bố trí lắp đặt thiết bị nâng hạ.

– Thiết bị nâng hạ bố trí trên các loại tàu kể trên phải thỏa mãn yêu cầu của Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 23:2010/BGTVT – quy phạm thiết bị nâng hàng tàu biển. Việc bảo quản sản phẩm bằng khoang lạnh đảm bảo duy trì nhiệt độ trong khoang phù hợp với nghề khai thác thủy sản, đảm bảo an toàn thực phẩm, giảm tổn thất sau thu hoạch.

– Thiết kế mẫu tàu phải phù hợp với đặc trưng từng vùng biển hoạt động khai thác thủy sản.

Cũng theo quy định tại Thông tư này, chủ tàu có trách nhiệm:

– Lựa chọn thiết kế mẫu để đóng tàu cá phù hợp với nghề và vùng biển hoạt động;

– Trong quá trình tàu cá được đóng mới hoặc ngay khi đặt đóng mới tàu cá, chủ tàu có quyền yêu cầu đơn vị thiết kế mẫu điều chỉnh so với thiết kế mẫu nhưng không làm ảnh hưởng đến tính năng và an toàn của con tàu. Chủ tàu có trách nhiệm cùng phối hợp với đơn vị thiết kế tàu cá điều chỉnh.

– Việc điều chỉnh mẫu thiết kế tàu cá phải được sự chấp thuận của Tổng cục Thủy sản.

>> Theo ông Phạm Ngọc Tuấn, Phó cục trưởng Cục Khai thác và Bảo vệ Nguồn lợi Thủy sản (Tổng cục Thủy sản), 23 mẫu tàu cá sẽ được hoàn chỉnh hồ sơ trước ngày 15/10/2014.

Ban Pháp luật - Bạn đọc - Tạp chí Thủy sản Việt Nam

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!