10 kiến nghị trong sản xuất, tiêu thụ nông sản

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Ngày 10/8, Tổ công tác 3430 Bộ NN&PTNT do Tổ trưởng là Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đã tổ chức cuộc họp giữa thành viên Tổ công tác cùng các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng chế biến thủy sản, chăn nuôi và trồng trọt.

Sản xuất ghi nhận tăng trưởng

Thông tin tại cuộc họp, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Tổ phó Tổ công tác 3430 cho biết, về trồng trọt, cả nước đã gieo cấy được 1.949,7 nghìn ha lúa hè thu, tăng 0,7% so cùng kỳ, sản lượng ước đạt 2,5 triệu tấn. Hiện các trà lúa đã cấy vụ mùa và vụ thu đông đều phát triển tốt. Diện tích rau, đậu cả nước đạt 863,7 nghìn ha, tăng 1,3%. Về chăn nuôi, đàn gia súc tiếp tục được phục hồi và phát triển ổn định. Như, đàn bò tăng 2,3%, đàn lợn tăng 6,1%, đàn gia cầm tăng 4,8%. Về thủy sản, lũy kế 7 tháng đầu năm 2021, tổng sản lượng thủy sản ước đạt 4.900,1 nghìn tấn, tăng 2,2% so cùng kỳ. Riêng sản lượng tôm đạt 516 nghìn tấn, tăng 9%, trong đó, TTCT tăng 13,4%.

Còn vô vàn khó khăn

Việc duy trì sản xuất trong tình hình dịch COVID-19 thời gian qua của các doanh nghiệp nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong lĩnh vực thủy sản. Ông Lê Việt, Giám đốc HTX Sản xuất và Thương mại Xuyên Việt cho biết, giá cá rô phi của HTX hiện thấp hơn giá sản xuất từ 3.000 – 5.000 đồng/kg. Trong bối cảnh, giá thức ăn chăn nuôi tăng, chi phí lưu thông tăng, HTX lại chưa có nhà máy chế biến sâu ở ngoài miền Bắc, sản lượng cá xuất ra giảm. Chẳng hạn, với đầu mối là chợ cá Yên Sở (Hà Nội), hiện HTX chỉ còn cung ứng 3 – 5 tấn/ngày, thay vì 10 – 15 tấn trước đây. Còn đại diện Công ty Thủy sản Lenger Việt Nam cho biết, chi phí để sản xuất “3 tại chỗ” quá cao; chi phí xét nghiệm COVID-19 hàng ngày, trang bị quần áo bảo hộ cho công nhân trong nhà máy, có thể tiêu tốn tới gần 10 triệu đồng/ người/ngày. Đại diện một số doanh nghiệp còn kiến nghị cần đẩy mạnh tuyên truyền có kế hoạch hiện thực hóa chuỗi sản xuất nông sản (giá giảm do chưa thiết lập được chuỗi và nên chăng cần thành lập hiệp hội chế biến thực phẩm.

Về vấn đề tiêm vaccine cho người lao động, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký VASEP nhấn mạnh, yêu cầu tiêm vaccine là cấp thiết nhất cho các doanh nghiệp lúc này. Cùng đó, nên nghiên cứu quy tắc y tế tại chỗ, giống một số nước trên thế giới. Ngoài ưu tiên số một về phòng, chống dịch bệnh, ngành nông nghiệp cũng cần những giải pháp căn cơ phục hồi sản xuất; chẳng hạn, giảm giá điện, các ưu đãi về bảo hiểm xã hội hay kinh phí công đoàn…

Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, trong bối cảnh khó khăn từ dịch bệnh, nhưng đa số doanh nghiệp nông sản vẫn duy trì được sản xuất; tại các tỉnh phía Bắc với chủ trương chỉ đạo là đẩy mạnh tăng trưởng để vừa phục vụ nội tiêu vừa chuẩn bị cho thời gian sau khi hết dịch, tránh đứt gãy sản xuất. Cùng đó, Thứ trưởng Tiến đã đưa ra 10 kiến nghị để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đồng thời duy trì sản xuất ổn định. 

Cụ thể:

– Các tỉnh cần đánh giá tình hình nông sản, xây dựng phương án chế biến, tiêu thụ nhất là trong tình hình dịch; ví dụ như sản phẩm cá rô phi, ngao cần sơ chế để tiêu thụ qua kênh siêu thị. Sẵn sàng điều phối thu hoạch nông sản, kết nối tiêu thụ sản phẩm cho người dân; thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận thông tin phản hồi vê tình hình sản xuất, tiêu thụ và khó khăn về nuôi trồng, vật tư nông nghiệp. 

– Rà soát nhu cầu khả năng cung ứng các nguyên liệu vật tư phục vụ cho sản xuất, kiến nghị những khó khăn vướng mắc, để tổ chức sản xuất cho phù hợp. Nhất là các tỉnh thành phía Nam sẽ thiếu hụt nông sản trong thời gian tới.

– Tạo điều kiên thuận lợi cho các cơ sở chế biến sơ chế nông sản, các cảng cá, bến cá  hoạt động ổn định, thuận lợi kết hợp với sản xuất “3 tại chỗ” vừa đáp ứng chống dịch mà không làm đứt gãy chuỗi sản xuất, đảm bảo sinh kế cho hàng nghìn hộ nông dân. 

– Ban chỉ đạo phòng, chống dịch tại các tỉnh ưu tiên tiêm vaccine cho các đối tượng tham gia sản xuất, chế biến, vận chuyển và tiêu thụ nông sản (cảng cá, cơ sở chế biến…). Do nông nghiệp là ngành hàng góp phần quan trọng đảm bảo an ninh lương thực, nên việc tiêm vaccine sớm là hết sức cần thiết và cấp bách hiện nay.

– Bộ NN&PTNT sẽ chỉ đạo các địa phương triển khai chính sách ngắn hạn về bình ổn giá cho các mặt hàng nông sản.

 – Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước lập danh sách cơ sở doanh nghiệp để mở rộng hạn mức cho vay, khoanh nợ giãn nợ, dư nợ. Cần thiết kiến nghị có gói hỗ trợ riêng cho doanh nghiệp nông nghiệp.

– Các chuỗi cung ứng như siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ đầu mối cần phải sớm phục hồi, bởi hàng nông sản lưu thông qua hệ thống này tới 60 – 70%.

– Mục tiêu trong năm 2021, nông sản xuất khẩu 43 tỷ USD, do đó, cần có giải pháp giữ được vùng nguyên liệu ổn định cho sản xuất.

– Không để ách tắc trong vận chuyển nông sản, Bộ NN&PTNT sẽ có kiến nghị với Bộ Giao thông vận tải có giải pháp tháo gỡ tạo hành lang lưu thông hàng hóa nông sản được thuận lợi. Duy trì “luồng xanh ” nông sản hiệu quả hơn do nông sản có tính mùa vụ, nên nếu cách tắc sẽ ảnh hưởng lớn đến sản xuất.

– Kiến nghị tiêu chí cụ thể về sản xuất “3 tại chỗ”, “4 tại chỗ” để các doanh nghiệp được thuận lợi trong sản xuất. Vì hiện vấn đề này các doanh nghiệp đang gặp vướng mắc rất nhiều.

An Chi

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!