Seafoodsources vừa công bố 10 sản phẩm thủy sản được săn tìm nhiều nhất trong năm 2017 dựa theo khảo sát tại Triển lãm Thủy sản châu Á (Seafood Expo Asia) diễn ra ngày 5 – 7/9/2017 tại Hồng Kông. Tôm và cá hồi tiếp tục giữ vững vị trí đầu bảng.
Chỉ trong 10 năm (2006 – 2015) sản lượng bào ngư nuôi đã tăng 500% Ảnh: CTV
1. Tôm
Theo kết quả khảo sát, tỷ lệ khách hàng tìm kiếm mặt hàng tôm là 41%. Năm qua, Trung quốc giữ vững vị trí sản xuất tôm lớn nhất thế giới, tuy sản lượng thấp hơn 2016 do dịch bệnh và định hướng phục vụ tiêu dùng nội địa. Tôm Ấn Độ đứng ở vị trí thứ 2 nhưng được định hướng xuất khẩu. Giá tôm tại Ấn Độ đã tăng suốt tháng 8 – 9 nhưng ổn định vào tháng 10 do bước vào vụ thu hoạch và ít đơn hàng từ các thị trường lớn, đặc biệt là Mỹ. Việt Nam, Indonesia, Thái Lan đứng ở các vị trí tiếp theo. Đứng đầu khai thác tôm là Argentina với sản lượng 139.000 tấn trong 8 tháng đầu năm, tăng 34,7% so cùng kỳ năm 2016.
Ecuador và Ấn Độ tiếp tục dẫn đầu thế giới về xuất khẩu tôm với nguồn cung lần lượt tăng 18% và 35% trong nửa đầu năm 2017. Ngoài ra, Việt Nam và Trung Quốc cũng nằm trong top xuất khẩu tôm suốt 6 tháng đầu năm 2017 trong khi xuất khẩu tôm Thái Lan giảm 12% còn 82.300 tấn. 5 quốc gia dẫn đầu về nhập khẩu tôm trong nửa đầu 2017 gồm Mỹ (tăng 8%); châu Âu (tăng 0,12%), Việt Nam (tăng 30%), Trung Quốc (giảm 11%) và Hàn Quốc (giảm 10%). Nhật Bản dẫn đầu tiêu thụ tôm, đặc biệt là các sản phẩm giá trị gia tăng, nhập khẩu tăng 28% trong năm 2016 lên 30% nửa đầu 2017. Nhập khẩu tôm của Trung Quốc giảm 11 còn 49.200 tấn. Trong khi, nhập khẩu tôm của Việt Nam tăng 30%, chủ yếu để chế biến xuất khẩu sang Trung Quốc hoặc các thị trường khác.
2. Cá hồi
Theo kết quả khảo sát, tỷ lệ khách hàng quan tâm hoặc tìm kiếm cá hồi chiếm 40%. Dự báo, diễn biến giá cá hồi sẽ phụ thuộc phần lớn vào khả năng của các nước sản xuất chính có bắt kịp nhu cầu tiêu thụ đang tăng nhanh trên nhiều thị trường hay không. Trong năm qua, ngành cá hồi không gặp phải sự cố lớn nên 2018 sẽ là một năm ổn định về cả sản lượng và giá. Cùng đó, thị trường châu Á như Thái Lan, Hàn Quốc trở thành điểm đến của nhiều sản phẩm cá hồi châu Âu.
Cá hồi khai thác tự nhiên của Alaska trong năm qua đã thấp hơn mức kỳ vọng, do sản lượng cá hồi pink quá thấp. Tính đến cuối tháng 9, sản lượng toàn vùng này chỉ đạt gần 400.000 tấn. Tại Nga, sản lượng cá hồi tự nhiên đạt 320.000 tấn, giảm 28% so năm 2015 và 15% so năm 2015. Nổi bật nhất trong lĩnh vực nuôi cá hồi là Na Uy và Chilê. Xuất khẩu cá hồi Na Uy nửa đầu 2017 đạt 451000 tấn, giảm 1% so 2016 nhưng trị giá tăng 13%, tương đương 3,7 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu sang châu Á chiếm 15% khối lượng và 27% giá trị. Trị giá xuất khẩu cá hồi của Chilê đạt 2,38 tỷ USD, tăng 29,8% so cùng kỳ năm 2016.
3. Sò điệp
Theo kết quả khảo sát, tỷ lệ khách hàng yêu thích sò điệp chiếm 36%. Trung Quốc là nước sản xuất, xuất khẩu và nhập khẩu sò điệp lớn nhất thế giới trong năm qua.
Năm 2017, Pháp có một mùa khai thác sò điệp bội thu. Theo ước tính, sản lượng sò điệp năm 2017 gấp 4 lần mức trung bình của hơn một thập kỷ trước. Mỹ đã nhập khẩu tới 14.600 tấn sò điệp trong 9 tháng đầu năm 2017, trị giá 193,5 triệu USD. Nhật Bản là nước sản xuất sò điệp lớn thứ 2 thế giới. Đảo Hokkaido bắc Nhật Bản là một trong 3 địa phương sản xuất sò điệp lớn nhất tại đây; tuy nhiên, do ảnh hưởng thiên tai nên sản lượng khai thác sò điệp tại Nhật đã suy giảm từ năm 2015. Năm ngoái, sản lượng sò điệp tại biển Okhotsk đạt 205.000 tấn. Dự kiến sản lượng sò điệp Thái Bình Dương của Nhật Bản năm nay đạt 260.000 tấn.
4. Bào ngư
34,6% khách hàng đang tìm mua bào ngư cho thấy sản phẩm này cũng được ưa chuộng không kém sò điệp và đứng ở vị trí thứ 4 trong bảng xếp hạng. Bào ngư đặc biệt được yêu thích tại châu Á. Tới nay, 95% bào ngư trên thế giới là sản phẩm nuôi. Chỉ trong 10 năm (2006 – 2015), sản lượng bào ngư nuôi đã tăng 500% từ 24.400 tấn lên 150.000 tấn.
Trung Quốc là nước sản xuất bào ngư hàng đầu thế giới với sản lượng trên 127.000 tấn năm 2015. Hàn Quốc đứng ở vị trí thứ 2 với 10.000 tấn năm 2015 và Australia đứng ở vị trí thứ 3 với 4.500 tấn. Đây cũng là 3 quốc gia xuất khẩu bào ngư lớn nhất thế giới; trong khi, các thị trường tiêu thụ mạnh nhất là Hồng Kông, Nhật Bản, Singapore, Mỹ và Pháp.
5. Tôm hùm
Tôm hùm đứng ở vị trí thứ 5 trong bảng xếp hạng với tỷ lệ khách hàng tìm kiếm là 34,5%. Tiêu thụ tôm hùm tại các nước châu Á, đặc biệt Trung Quốc đã bùng nổ trong năm qua, do Bắc Mỹ có vụ khai thác bội thu; đồng thời các hãng tôm hùm Bắc Mỹ cũng đang hướng tới thị trường mới và tiềm năng như châu Á.
Các hãng nhập khẩu tôm hùm tại Trung Quốc đang tích cực quảng bá và thúc đẩy tiêu thụ tôm hùm tươi sống tại nội địa qua thương mại điện tử. Một trong những công ty thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc là JD hiện đang kinh doanh rất thành công sản phẩn tôm hùm Canada tươi sống. Khối lượng nhập khẩu tôm hùm tại Mỹ lại giảm nhẹ trong 6 tháng đầu năm 2017. Trong giai đoạn này, EU nhập khẩu khoảng 11.000 tấn tôm hùm.
6. Cua
Đứng ở vị trí thứ 6, có gần 34% khách hàng quan tâm tới các sản phẩm cua, chủ yếu là cua tuyết, cua huỳnh đế và cua lông. Tại Nga, sản lượng khai thác cua tại Kamchatka tăng 22% vào cuối tháng 8, đạt 13.700 tấn, chủ yếu là cua tuyết và cua opilio. Khai thác cua huỳnh đế bắt đầu vào 1/9 với hạn ngạch tăng 29,2% (11.500 tấn), nâng tổng hạn ngạch khai thác cua toàn vùng viễn đông của Nga lên 73.500 tấn cả năm 2017. Vụ khai thác cua dungeness tại Alaska Mỹ cuối tháng 7 đóng cửa sớm hơn dự kiến 2 tuần, tổng sản lượng đạt 9.500 tấn, tương đương trị giá 66,7 triệu USD.
3 nước nhập khẩu cua lớn nhất thế giới gồm Mỹ, Trung Quốc và Hàn quốc. Về xuất khẩu, Nga đứng đầu thế giới với khối lượng xuất khẩu tăng 28% trong nửa đầu 2017, tương đương 29.300 tấn nhờ tăng lượng hàng xuất khẩu trực tiếp sang Hàn Quốc. Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc vẫn tiêu thụ mạnh sản phẩm cua bất chấp giá cao; trong khi, người Mỹ có xu hướng giảm mua nên nhiều sản phẩm cua tuyết vắng bóng tại các siêu thị của Mỹ.
7. Hàu
Hàu đứng ở vị trí thứ 7 với 30% khách hàng tìm kiếm. Pháp là nước sản xuất hàu lớn nhất tây bán cầu. Cách đây 5 năm, ngành hàu của Pháp gặp thảm họa dịch bệnh, hầu hết các trại nuôi đều bị phá hủy hoàn toàn. Do đó, giá hàu đã nhảy vọt từ 6 euro/kg trước năm 2011 lên trên 10 euro/kg vào năm 2016. Sau đó, dịch bệnh cũng được khắc phục, nên giá hàu đã giảm dần còn 9,20 euro/kg.
Trong nửa đầu năm 2017, Mỹ, Pháp và Malaysia là 3 nước nhập khẩu hàu lớn nhất thế giới. Trong đó, Mỹ dẫn đầu với khối lượng nhập khẩu đạt 5.000 tấn; tiếp đến là Pháp 3.400 tấn và Malaysia là 2.800 tấn.
8. Cá ngừ
Với tỷ lệ tìm kiếm là 25,5%, cá ngừ đứng ở vị trí thứ 8 trong bảng xếp hạng. Tại Trung và Tây Thái Bình Dương, lệnh cấm khai thác bằng ngư cụ hủy diệt (FADs) cộng với sản lượng khai thác thấp đã khiến giá cá ngừ sọc dưa đông lạnh tăng tăng vọt 35% lên 2.100 USD/tấn CFR vào tháng 10/2017. Tại Đông Thái Bình Dương, sản lượng khai thác cá ngừ Ecuador rất thấp. Sản lượng cá ngừ Ấn Độ Dương được cải thiện vào đầu tháng 10 nên các nước đẩy mạnh xuất khẩu. Sản lượng cá ngừ Đại Tây Dương ổn định, tuy nhiên giá cá ngừ sọc dưa vẫn cao.
Tiêu thụ cá ngừ tươi và đông lạnh tại Mỹ vẫn ổn định ở mức cao. Nửa đầu 2017, nhập khẩu cá ngừ của Mỹ tăng 1,4%, chủ yếu từ Indonesia (tăng 8%) và Việt Nam (tăng 15%). Nhập khẩu cá ngừ mắt to, vây xanh và vây vàng đạt tiêu chuẩn chế biến sashimi tại Nhật Bản giảm nhưng nhập khẩu thăn cá ngừ đông lạnh từ Malta, Thổ Nhĩ Kỳ, Croatia, Tây Ban Nha, Hàn Quốc và Trung Quốc lại tăng. Trong khi, cá ngừ hộp được tiêu thụ mạnh tại châu Âu với các nguồn cung Ecuador (tăng 26%); Philippines (tăng 90%); Thái Lan (giảm 16%) và Trung Quốc (giảm 19%).
9. Cá tuyết cod
Cá tuyết cod có tỷ lệ khách hàng quan tâm là 25,3%. Theo Hiệp ước nghề cá Na Uy – Nga, hạn ngạch khai thác cá tuyết cod biển Barent 2018 là 775.000 tấn, giảm 13% so năm ngoái. Dự báo, năm nay giá cá tuyết còn tăng cao. Sản lượng khai thác cá tuyết cod tại North Sea hàng năm đạt 150.000 tấn và sản phẩm này vừa được chứng nhận bền vững MSC nên đắt hàng tại phương Tây và sức cạnh tranh cao hơn cá thịt trắng khác. Nhiều siêu thị lớn tại Anh như Waitrose và Marks&Spencers cũng đang lên kế hoạch nhập cá tuyết cod North Sea với số lượng lớn. Theo thống kê của A.C Nielsen, các siêu thị tại Anh đã bán 48.600 tấn cá tuyết cod từ tháng 7/2016 đến 6/2017, tăng 4% so cùng kỳ năm trước.
6 tháng đầu năm 2017, Na Uy xuất khẩu 249.000 tấn cá tuyết cod, saithe, haddock, trị giá 8,1 tỷ NOK (1 tỷ USD), tăng 9% khối lượng và 10% giá trị. Trong đó, xuất khẩu cá tuyết cod đông lạnh sang Trung Quốc tăng 12% khối lượng và 23% giá trị, lần lượt đạt 12.800 tấn và 364,8 triệu NOK.
10. Mực
Với tỷ lệ khách hàng tìm kiếm là 24%, mực đứng ở vị trí 10 trong bảng xếp hạng. Mực ống là một trong những sản phẩm thủy sản phổ biến nhất Trung Quốc, với nguồn cung chính từ Hàn Quốc. Hoạt động khai thác mực ống của Trung Quốc tại Peru và Argentina cũng tăng 270% giai đoạn 2009 – 2015 khiến trữ lượng tại các khu vực này chịu sức ép lớn, đặc biệt là mực ống.
Argentina phải ngừng vụ khai thác mực ống vào cuối tháng 6 do cảnh báo cạn kiệt nguồn lợi. Do đó, sản lượng mực Argentina trong năm qua sụt giảm từ 24.028 tấn trong tháng 2 xuống 15.865 tấn tháng 4 và 6.515 tấn trong tháng 5. Giá mực ống Illex Argentina tăng vọt 40% do nguồn cung khan hiếm.