10 sự kiện Thủy sản Việt nam

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Năm 2010, một năm “sôi động” của ngành thủy sản, với những thành công nối tiếp thành công trên nhiều mặt và tầm nhìn cho tương lai dài. Hãy cùng Thủy sản Việt Nam điểm lại những sự kiện nổi bật của ngành trong năm qua…

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trao lẵng hoa cho Chủ tịch Hội Nghề

cá Việt Nam Nguyễn Việt Thắng tại Lễ trao giải  

“Chất lượng Vàng Thủy sản Việt Nam” 

1. Phê duyệt Chiến lược phát triển Thủy sản Việt Nam đến năm 2020: Ngày 16/9/2010, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký ban hành Quyết định số 1690/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược này với tổng kinh phí dự kiến 57.400 tỷ đồng. Chiến lược định hướng phát triển thủy sản đến năm 2020 theo 4 lĩnh vực: khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, nuôi trồng thủy sản, chế biến và tiêu thụ thủy sản, cơ khí đóng sửa tàu thuyền và dịch vụ hậu cần nghề cá. Đến năm 2020, kinh tế thủy sản sẽ đóng góp 30-35% GDP khối nông-lâm-ngư nghiệp, tốc độ tăng trưởng đạt từ 8-10%/năm, kim ngạch xuất khẩu đạt 8-9 tỷ USD.

 

2. Xuất khẩu thủy sản “về đích” sớm với 4,94 tỷ USD: Năm 2010, vượt qua những khó khăn trở ngại, ngành thủy sản đã đạt được những thành tích vượt qua mong đợi. Tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước đạt 4,94 tỷ USD, vượt kế hoạch năm khoảng 6,5% và tăng 16,3% so với năm 2009. Trở thành một trong ba mặt hàng của ngành nông nghiệp có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD.

 

3. Tổng cục Thủy sản Việt Nam được chính thức thành lập: Ngày 16/3/2010, Tổng cục Thủy sản tổ chức lễ ra mắt và chính thức đi vào hoạt động. Tổng cục Thủy sản được thành lập theo Nghị định 75/2009/NĐ-CP về điều chỉnh cơ cấu tổ chức Bộ NN&PTNT của Chính phủ ngày 1/11/2009. Tổng cục Thủy sản thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ NN&PTNT quản lý nhà nước và thực thi nhiệm vụ quản lý nhà nước về thủy sản; quản lý, chỉ đạo các hoạt động dịch vụ công thuộc phạm vi quản lý của Tổng cục. Thứ trưởng Vũ Văn Tám kiêm chức Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản.

 

4. WWF đưa cá tra Việt Nam vào “danh sách đỏ”: Ngày 19/11/2010, tổ chức WWF tại 6 nước châu Âu là Đức, Áo, Bỉ, Thụy Sĩ, Na Uy, Đan Mạch xếp cá tra Việt Nam vào “danh sách đỏ” (khuyến cáo không nên dùng) trong Cẩm nang Hướng dẫn tiêu dùng thủy sản năm 2011. Ngay sau đó, bằng những căn cứ và lập luận chính xác, Việt Nam đã buộc WWF đưa cá tra ra khỏi danh mục đỏ. Đây được coi là thành công của Việt Nam trong việc đấu tranh bảo vệ sản phẩm thủy sản trong nước trước các cáo buộc.

 

5. Xuất khẩu tôm đạt kỷ lục với 2,08 tỷ USD: Đầu năm 2010, ngành thủy sản đề ra mục tiêu xuất khẩu tôm đạt 1,4 tỷ USD, nhưng những tháng cuối năm, sản lượng tôm tăng mạnh, nhờ đó xuất khẩu tôm đã thiết lập được kỷ lục về giá trị. Năm 2010, xuất khẩu tôm ước tính đạt trên 240.000 nghìn tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 2,08 tỷ USD, chiếm 41,7% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản cả nước. Đây là lần đầu tiên, doanh thu từ xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt trên 2 tỷ USD.

 

6. Festival Thủy sản 2010: Đây được coi là sự kiện lớn về kinh tế, văn hóa, xã hội của Việt Nam năm 2010. Festival nhằm tôn vinh những giá trị ngành thủy sản, lao động nghề cá của cả nước nói chung và ĐBSCL nói riêng, những người đã có công đóng góp cho sự phát triển của ngành thủy sản Việt Nam. Đồng thời, là dịp để mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, khẳng định chất lượng thủy sản Việt Nam, nâng cao uy tín trên thị trường thế giới và tiến tới xây dựng Thương hiệu Thủy sản Việt Nam.

 

7. Trao giải Danh hiệu Chất lượng Vàng Thủy sản Việt Nam: Đây là giải thưởng lớn đầu tiên dành riêng cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực thủy sản của Việt Nam. Giải thưởng dựa vào 4 tiêu chí: hiệu quả kinh tế; hiệu quả về mặt xã hội; ứng dụng khoa học; bảo vệ nguồn lợi và môi trường sinh thái. 10 đơn vị xuất sắc nhất nhận Bằng khen của Bộ NN&PTNT và 78 tập thể, cá nhân được trao tặng Cúp vàng và Giấy chứng nhận “Danh hiệu chất lượng vàng thủy sản Việt Nam”. Giải thưởng được tổ chức định kỳ 5 năm 2 lần.

8. Việt Nam kiện Mỹ vụ áp thuế phá giá tôm lên WTO: Tháng 2/2010, Việt Nam gửi đơn kiện Mỹ lên WTO, do Bộ Thương mại Mỹ (DOC) có những phán quyết thiếu công bằng đối với tôm đông lạnh của Việt Nam. DOC đã áp dụng phương pháp “quy về không” (zeroing) để tính biên độ phá giá đối với sản phẩm tôm đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam. Theo đó, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam phải chịu thuế chống bán phá giá từ 4,13-25,76% khi đưa hàng vào thị trường này. Hiện, vụ việc vẫn đang tiếp tục được xem xét và chưa có kết quả cuối cùng.

 

9. “Bão” Trifluralin: Tháng 9/2010, một lô tôm của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản bị phát hiện nhiễm dư lượng Trifluralin vượt mức cho phép. Sự việc này đã dẫn tới việc Nhật Bản nâng mức kiểm tra lô hàng nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam lên thành 100%. Và nếu tiếp tục phát hiện nhiều lô hàng chứa Trifluralin thì Nhật Bản có thể cấm nhập khẩu tôm từ Việt Nam. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn, bởi hiện tại, Nhật Bản đang là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam.

 

10. Xuất khẩu cá nóc: Tháng 11/2010, tỉnh Kiên Giang đã xuất khẩu lô cá nóc đầu tiên (23 tấn) sang thị trường Hàn Quốc. Đây là thành công đầu tiên sau hơn 2 tháng triển khai Đề án thí điểm về khai thác, nuôi trồng, thu gom, chế biến và xuất khẩu cá nóc, đảm đảo VSATTP của Hội Nghề cá Việt Nam. Sự kiện này góp phần quan trọng vào việc đa dạng hóa các sản phẩm thủy sản xuất khẩu của Việt Nam mà còn chấm dứt việc lén lút chế biến và tiêu thụ cá nóc của ngư dân như trước đây.

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!