10 Sự kiện tiêu biểu ngành thủy sản 2011

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – 2011, dù có nhiều thăng trầm nhưng là một năm thành công ngoài mong đợi của ngành thủy sản Việt Nam khi hầu hết các lĩnh vực đều đạt những kỷ lục ấn tượng. Hãy cùng Tạp chí Thủy sản Việt Nam điểm lại 10 sự kiện nổi bật của ngành năm qua.

1. Xuất khẩu thủy sản đạt kim ngạch hơn 6 tỷ USD: Tăng gần 20% so với  năm 2010, đây tiếp tục là một kỷ lục mới của ngành thủy sản. Con số này mang nhiều ý nghĩa, không những khẳng định sức mạnh và bản lĩnh của ngành thủy sản nói riêng và của người Việt Nam nói chung, mà còn góp phần quan trọng vào thành công chung của ngành nông nghiệp (với tổng kim ngạch toàn ngành là 25 tỷ USD), cùng với ngành nông nghiệp đảm bảo phát triển ổn định kinh tế năm 2011 và tạo đà cho những năm tiếp theo.

 

2. Quy hoạch Phát triển Chế biến thủy sản toàn quốc đến năm 2020: Ngày 4/10/2011, Bộ NN&PTNT đã ký ban hành Quyết định số 2310/QĐ-BNN-CB Phê duyệt Quy hoạch Phát triển Chế biến thủy sản toàn quốc đến năm 2020. Theo Quy hoạch, đến năm 20202, sản lượng thủy sản chế biến xuất khẩu đạt khoảng 2 triệu tấn, tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 3,5%/năm; giá trị xuất khẩu đạt 10 tỷ USD. Sản lượng thủy sản chế biến tiêu thụ nội địa đạt 950.000 tấn, với tốc độ tăng trưởng 3,3%/năm. Tổng công suất chế biến thủy sản quy mô công nghiệp đạt hơn 2,1 triệu tấn sản phẩm/năm. Tổng nhu cầu vốn đầu tư cho phát triển chế biến thủy sản toàn quốc giai đoạn 2011-2020 gần 24.550 tỷ đồng.

 

Theo Quy hoạch Phát triển Chế biến thủy sản, toàn quốc đến năm 2020, sản lượng thủy sản chế biến xuất khẩu đạt khoảng 2 triệu tấn

 

3. Bệnh dịch hoành hành trên tôm, nghêu nuôi tại ĐBSCL: 85.000 ha diện tích tôm nuôi và 3.000 ha diện tích nghêu nuôi bị thiệt hại tại các tỉnh ĐBSCL trong năm vừa qua, trong đó, nặng nhất là tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau, Trà Vinh, Long An… Theo các chuyên gia ngành thủy sản, dịch bệnh xảy ra mạnh từ tháng 2 đến đầu tháng 6, tôm nuôi bị chết phổ biến ở giai đoạn từ 15-40 ngày tuổi. Nguyên nhân được đề xuất là hội chứng nhiễm độc, độc tố có thể có trong môi trường nước, thức ăn…

4. Sản lượng nuôi trồng đạt trên 3 triệu tấn: Đây là con số kỷ lục của nuôi trồng thủy sản, đặc biệt trong giai đoạn khó khăn vừa qua, như dịch bệnh, thời tiết thất thường, người nuôi khó tiếp cận vốn vay do lãi suất tín dụng cao… và nhất là trong bối cảnh không tăng về diện tích.

 

5. Sản lượng khai thác đạt 2,4 triệu tấn: Đây là sản lượng khai thác đạt cao nhất từ trước đến nay, con số này đặc biệt có ý nghĩa khi thu được trong hoàn cảnh rất khó khăn. Giá dầu tăng cao (có thời điểm tăng đến trên 40%), thời tiết trên biển diễn biến thất thường với 7 cơn bão và 5 cơn áp thấp nhiệt đới… Nhưng với cách thức quản lý sáng tạo và sự nỗ lực của ngư dân, ngành khai thác lại tiếp tục gặt hái thành công.

 

6. Tôm thẻ chân trắng và hàu Thái Bình Dương vào danh sách sinh vật ngoại lai có nguy cơ xâm hại: Trung tuần tháng 8/2011, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ra Thông tư Quy định tiêu chí xác định loài ngoại lai xâm hại và đưa tôm thẻ chân trắng, hàu Thái Bình Dương vào danh mục loài có nguy cơ xâm hại. Mặc dù sau đó, Bộ TN&MT đã rút hai loài này ra khỏi danh mục, tuy nhiên điều này cho thấy đang có nhiều vấn đề đặt ra trong việc quản lý sinh vật ngoại lai.

 

7. Lập giá sàn xuất khẩu cá tra: Ngày 12/1/2011, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cùng với 20 doanh nghiệp chế biến xuất khẩu đã thống nhất nâng giá xuất khẩu cá tra thông qua quản lý giá sàn. Theo đó, giá sàn xuất khẩu cá tra được quy định ở hai mức là 3 USD/kg đối với cá tra fillet cắt nhỏ và 2,05 USD/kg đối với cá tra fillet không cắt nhỏ.

 Năm 2011, sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt con số kỷ lục trên 3 triệu tấn

 

8. Nhật Bản chính thức nâng mức kiểm tra Enrofloxacin tôm xuất khẩu của Việt Nam lên 100%: Ngày 9/6/2011, Nhật Bản đã chính thức tăng cường tần suất kiểm tra dư lượng Enrofloxacin từ 30% lô tôm lên mức 100% ngay sau khi phát hiện thêm 1 lô tôm của Việt Nam nhiễm dư lượng chất này vượt mức cho phép. Điều này gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam, vì từ cuối năm 2010, Nhật Bản cũng đã quyết định nâng mức kiểm soát hoạt chất Triflurallin lên mức 100%, khiến các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam đau đầu vì chi phí kiểm hàng.

 

9. Hội chợ Quốc tế Thủy sản Việt Nam: Vietfish 2011 là Hội chợ lần thứ 13 do VASEP tổ chức. Sự kiện năm nay mang tính quốc tế rộng rãi hơn với sự tham gia của các doanh nghiệp đến từ nhiều quốc gia trên thế giới. 70% đơn vị tham gia triển lãm đại diện cho những công ty sản xuất và kinh doanh thủy sản, 30% đơn vị còn lại đến từ các ngành công nghiệp sản xuất phụ gia, máy móc, thiết bị phục vụ cho ngành chế biến và xuất khẩu thủy sản.

 

10. Xuất khẩu tôm thẻ chân trắng đạt kỷ lục: Theo ước tính của các chuyên gia trong ngành, xuất khẩu tôm thẻ chân trắng năm nay sẽ chiếm đến 50% tổng kim ngạch xuất khẩu tôm cả nước, đạt khoảng 1 tỷ USD. Đây là con số kỷ lục của tôm thẻ chân trắng, đặc biệt là “cứu cánh” quan trọng khi tôm sú gặp nhiều khó khăn trong năm qua.

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!