10 thị trường nhập khẩu thủy sản Việt Nam năm 2013

Chưa có đánh giá về bài viết

Năm 2013, giá trị xuất khẩu thủy sản Việt Nam ước đạt 6,7 tỷ USD, tăng 10,6% so với năm 2012. Top 10 thị trường lớn nhất vẫn là: Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN, Australia, Brazil, Mexico, Nga. Tuy nhiên, đã có sự thay đổi đáng kể về thứ tự và tỷ trọng.

1. Mỹ

Với giá trị nhập khẩu thủy sản 11 tháng năm 2013 đạt 1.382,865 triệu USD, tăng 23,8% so với cùng kỳ 2012, Mỹ chiếm 22,2% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Là thị trường đứng đầu về tôm (đạt 748,571 triệu USD, tăng 75,7%), cá tra (đạt 351,313 triệu USD, tăng 4,6%), cá ngừ (đạt 177,623 triệu USD, giảm 23,5%)… của Việt Nam. Tuy nhiên, năm 2013, Mỹ cũng là thị trường có nhiều “rắc rối” nhất với cả tôm và cá tra Việt Nam. 

 

2. EU

Năm 2013, giá trị nhập khẩu thủy sản Việt Nam vào thị trường này đã tăng 2,88% so cùng kỳ, với 1.074,458 triệu USD. Hiện, EU chiếm 17,2% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Các sản phẩm chính như: tôm (369,566 triệu USD, tăng 28,9%), cá tra (353,657 triệu USD, giảm 9,7%), cá ngừ (126,252 triệu USD, tăng 24,8%)… Đặc biệt, EU là thị trường nhập khẩu nhuyễn thể hai mảnh vỏ lớn nhất của Việt Nam, chiếm 69,4% tổng giá trị xuất khẩu, với 11 tháng đầu năm đạt 46,185 triệu USD, giảm 2,1% so với cùng kỳ.

 

3. Nhật Bản

Với giá trị nhập khẩu đạt 1.048,563 triệu USD, tăng 3,4% so với cùng kỳ, thị trường Nhật Bản chiếm 16,8% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Là thị trường tiêu thụ tôm (645,938 triệu USD, tăng 12,9%), mực, bạch tuộc (110,498 triệu USD, giảm 17,5%) lớn thứ hai và cá ngừ (40,219 triệu USD, giảm 20,1%), mực, bạch tuộc (110,498 triệu USD, giảm 17,5%), nhuyễn thể hai mảnh vỏ (7,323 triệu USD, tăng 4,7%) lớn thứ ba của Việt Nam… Tuy nhiên, rào cản Ethoxyquin đối với mặt hàng tôm khiến cho xuất khẩu tôm sang thị trường này không mấy khởi sắc.

 

4. Trung Quốc và Hồng Kông

Giá trị nhập khẩu đạt 518,851 triệu USD, tăng 39,1% so với cùng kỳ, chiếm 8,3% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Trung Quốc là một trong những thị trường tiềm năng của thủy sản Việt Nam với số lượng lớn và đa dạng: tôm (349,290 triệu USD, tăng 53,6%), cá tra (82,764 triệu USD, tăng 25,6%)… Đây là thị trường có tốc độ tăng nhập khẩu mạnh nhất từ Việt Nam, liên tục với tỷ lệ 2 con số. Năm 2013, trung bình mỗi tháng xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc đạt gần 45 triệu USD, riêng mặt hàng tôm đã đạt tới gần 28 triệu USD/tháng, chiếm tới 68% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản Việt Nam.

 

5. Hàn Quốc

11 tháng, giá trị nhập khẩu thủy sản Việt Nam đạt 454,871 triệu USD, giảm 1,8% so với cùng kỳ. Hàn Quốc là thị trường tiêu thụ mặt hàng mực, bạch tuộc, chả cá và surimi lớn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên năm  nay, các mặt hàng này có xu hướng chững lại và sụt giảm. 11 tháng năm 2013, giá trị xuất khẩu mực, bạch tuộc đạt 123,339 triệu USD, giảm 8,1%; chả cả và surimi đạt 81,557 triệu tấn, giảm 20,2% so với cùng kỳ. Tháng 12/2012, Hàn Quốc thông báo kiểm tra Ethoxyquin trong tôm nhập khẩu từ Việt Nam giới hạn là 0,01 ppm. Tuy nhiên, xuất khẩu tôm của Việt Nam sang thị trường này vẫn đạt 189,158 triệu USD, tăng 22,6%.

Hiện, tôm Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường Mỹ – Ảnh: Vũ Mưa

6. ASEAN

11 tháng năm 2013, giá trị nhập khẩu thủy sản Việt Nam của các nước ASEAN đạt 355,792 triệu USD, tăng 12,4% so với cùng kỳ, chiếm 5,7% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Với các sản phẩm chính như: tôm (369,566 triệu USD, tăng 38,0%), cá tra (114,206 triệu USD, tăng 12,9%), cá ngừ  (33,194 triệu USD, giảm 4,6%)… Thái Lan, Singapore hiện là những thị trường lớn nhất trong khối về nhập khẩu thủy sản (đặc biệt là sản phẩm surimi).

 

7. Australia

Hàng năm, Australia nhập khẩu 200.000 tấn thủy sản, trị giá khoảng 1 tỷ USD, trong đó Việt Nam là nhà cung cấp lớn thứ ba sau New Zealand và Trung Quốc. Theo Hiệp hội Nhập khẩu Thủy sản Australia (SIAA), tôm là mặt hàng thủy sản Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất vào Australia. 11 tháng năm 2013, giá trị nhập khẩu thủy sản Việt Nam đạt 188,212 triệu USD, tăng 7,9% so với cùng kỳ; trong đó, tôm là chủ yếu, đạt 117,533 triệu USD, tăng 20,5%.

 

8. Brazil

11 tháng năm 2013, giá trị nhập khẩu thủy sản Việt Nam của Brazil đạt 107,185 triệu USD, tăng 57,2% so với cùng kỳ. Trong đó, cá tra là mặt hàng chính với 106,042 triệu USD, tăng 56,0%. Brazil là thị trường nhập khẩu cá tra lớn thứ tư của Việt Nam, sau Mỹ, EU và ASEAN. Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, giá xuất khẩu cá tra sang thị trường này năm 2013 khoảng 1,9 – 2,2 USD/kg, thấp hơn 0,3 USD/kg so với năm 2012.

 

9. Mexico

Giá trị nhập khẩu thủy sản Việt Nam đạt 95,651 triệu USD, giảm 3,0% so với cùng kỳ. Cá tra vẫn là sản phẩm chính của thủy sản Việt Nam ở thị trường này, 11 tháng năm 2013 đạt 87,056 triệu USD, giảm 3,6%. Nhập khẩu cá tra của Mexico thời gian gần đây sụt giảm là do sản lượng cá rô phi sản xuất của nước này hiện đang dồi dào, giá khá ổn định nên người dân chuyển sang tiêu thụ sản phẩm này nhiều hơn. Trong khi có, nhập khẩu cá ngừ của nước này lại tăng 3,3%, đạt 6,641 triệu USD.

 

10. Nga

11 tháng đầu năm 2013, giá trị nhập khẩu thủy sản Việt Nam của Nga đạt 86,246 triệu USD, giảm 2,9% so với cùng kỳ. Con số này chưa thật sự gây ấn tượng nhưng lại mở ra một cơ hội mới trong nỗ lực chinh phục thị trường Nga, một thị trường tiềm năng của châu Âu. Về sản phẩm xuất khẩu vào Nga, cá tra và basa vẫn là mặt hàng chủ yếu, trong đó, các sản phẩm chế biến từ cá tra và basa là fillet tươi ướp lạnh và fillet khác cũng chiếm tỷ trọng cao.

Anh Vũ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!