10 thị trường xuất khẩu thủy sản hàng đầu

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) –

1. Mỹ

Theo Thương vụ Việt Nam tại Mỹ, kể từ khi Hiệp định thương mại Việt Nam – Mỹ được ký kết vào năm 2000, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã thay đổi đáng kể. Nếu trước đây, Việt Nam xuất khẩu chủ yếu vào Mỹ là các nhóm hàng như: Dệt may, da giày… thì nay đã có thêm nhóm hàng nông, thủy, hải sản tham gia vào danh mục các nhóm hàng xuất khẩu quan trọng. Đơn cử như mặt hàng cá tra, Việt Nam có thể cạnh tranh ngang bằng với nhóm sản phẩm hàng đầu về đáp ứng quy trình sản xuất, quy định khắt khe của Mỹ. Hay xuất khẩu mặt hàng tôm, nếu Việt Nam tận dụng tốt cơ hội, con tôm của Việt Nam có thể vươn lên trên các đối thủ khác và giành được ưu thế gia tăng thị phần tại đây. Năm 2020, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ từ tháng 6 tăng mạnh với mức tăng cao hơn qua các tháng, lũy kế 11 tháng năm 2020, xuất khẩu thủy sản sang thị trường này đạt trên 1,5 tỷ USD, tăng 11% so cùng kỳ năm 2019; ước cả năm, giá trị này đạt 1,66 tỷ USD, tăng 13% so năm 2019.

2. EU

Trước đây, hàng năm EU tiêu thụ 12,85 triệu tấn thủy sản, trong đó 62 – 63% là nhập khẩu. Giai đoạn 2010 – 2019, thủy sản Việt Nam xuất khẩu vào thị trường EU về cá ngừ đứng thứ 2 sau Mỹ, tôm đứng thứ 4 sau Mỹ, Nhật, Trung Quốc; tốc độ tăng bình quân hàng năm kim ngạch cá ngừ và tôm đều đạt 8,7%. Còn tổng kim ngạch thủy sản Việt Nam xuất khẩu vào EU năm 2019 đứng thứ 3 sau Mỹ, Nhật. Năm 2020, khi dịch COVID-19 xảy ra và kéo dài, tiêu thụ thủy sản ở EU giảm mạnh, ảnh hưởng ngay tới các mặt hàng nhập khẩu. VASEP ước tính, kim ngạch xuất khẩu thủy sản vào thị trường EU năm 2020 đạt 991 triệu USD, giảm 2,5% so năm 2019. Có 5 mặt hàng thủy sản tiêu thụ nhiều nhất ở thị trường EU là cá ngừ, cá tuyết, cá hồi, cá minh thái và tôm, chiếm 44% tổng sản lượng tiêu thụ.

3. Trung Quốc

Với dân số đông, chiếm 18,7% tổng dân số toàn thế giới, nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm nông, thủy sản của thị trường Trung Quốc phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa cũng như sản xuất chế biến hàng xuất khẩu rất lớn và đa dạng, phong phú. Theo thống kê của Vụ Thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công thương), với nhóm hàng nông, thủy sản, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm bình quân 27% tổng kim ngạch xuất khẩu nông, thủy sản của cả nước và chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa các loại sang thị trường này. Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc đạt 1,48 tỷ USD, tăng 5% so năm 2019.

4. Nhật Bản

Trong 5 năm trở lại đây, nhóm hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản tăng đều đặn, như tôm chiếm trên 25% tổng giá trị nhập khẩu mặt hàng này vào Nhật Bản và là thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ 2 của Việt Nam. Năm 2019, xuất khẩu nông, thủy sản sang Nhật Bản đạt 1,81 tỷ USD, tăng 3,2% so năm 2018, trong đó mặt hàng xuất khẩu lớn nhất là thủy sản đạt 1,46 tỷ USD, tăng 5,8%. 11 tháng năm 2020, Việt Nam là thị trường cung cấp thủy sản lớn thứ 3 về giá trị cho Nhật Bản sau Trung Quốc và Chile đạt 120.800 tấn với trị giá 1,032 tỷ USD, giảm 12,9% về lượng và 12% về giá trị so cùng kỳ năm 2019. Ước năm 2020 xuất khẩu thủy sản sang thị trường này đạt 1,4 tỷ USD, giảm 3% so năm 2019.

5. Hàn Quốc

Theo đánh giá của Bộ Công thương, bên cạnh Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc là một trong 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam. Được biết, 4 thị trường nhập khẩu này chiếm khoảng 60% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của nước ta. Năm 2020, do ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Hàn Quốc giảm nhẹ. Tính đến hết tháng 11, kim ngạch xuất khẩu thủy sản tại Hàn Quốc ước 700 triệu USD, giảm gần 2%. Cả năm 2020, xuất khẩu thủy sản sang thị trường này ước 770 triệu USD, giảm 1,6%. Việt Nam là nguồn cung tôm lớn nhất cho Hàn Quốc chiếm thị phần lớn gần 52% trong khi các đối thủ khác (Thái Lan 11%, Ecuador 10%, Trung Quốc 5,3%). Tuy nhiên, để nâng cao tỷ lệ tận dụng ưu đãi mà Hiệp định VKFTA mang lại, các doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao ý thức chủ động tiếp cận thông tin về hiệp định để lựa chọn các ưu đãi phù hợp với điều kiện của doanh nghiệp.

6. ASEAN

Thủy sản được nhận định là một trong những mặt hàng có nhiều tiềm năng tại thị trường các nước ASEAN. Như Thái Lan là nước nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN còn mặt hàng tôm đang chiếm ưu thế tại Singapore…

Theo các chuyên gia, doanh nghiệp nên đẩy mạnh phát triển thị trường ASEAN và đây cũng là phương án tốt cho việc mở rộng thị trường xuất khẩu, tránh lệ thuộc vào một vài thị trường cố định. Để khai thác hiệu quả thị trường ASEAN, các doanh  nghiệp cần cấu trúc lại chủng loại hàng hóa cho phù hợp với tình hình mới, nâng cao chất lượng sản phẩm bằng công nghệ tiên tiến; cần áp dụng công nghệ số vào quản lý, tiếp cận thị trường cũng như giao dịch với khách hàng. Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang thị trường ASEAN ước đạt 569 triệu USD, giảm 18% so năm 2019.

7. Anh

Nhu cầu nhập khẩu thủy sản bình quân của Anh khoảng 4,1 – 4,5 tỷ USD trong giai đoạn 2016 – 2020, một phần để tiêu thụ nội địa, một phần để tái xuất khẩu sang các nước trong khu vực EU27. Thị trường Anh hiện chiếm trên 4% trong tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Năm 2020 dù Anh đã ra khỏi EU, nhưng xuất khẩu các sản phẩm thủy sản sang thị trường này vẫn được hưởng thuế theo cơ chế của Hiệp định EVFTA đến hết 31/12/2020. Đặc biệt với Hiệp định UKVFTA đã được ký kết, sẽ tạo nhiều thuận lợi và được coi là cú hích cho xuất khẩu sản phẩm thủy sản Việt sang thị trường này. Năm 2020, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Anh đạt khoảng 355 triệu USD, trong đó, tôm, cá tra, cua, ghẹ và các loại cá biển là những sản phẩm đạt mức tăng trưởng tích cực. Đặc biệt, sản phẩm cá tra chế biến tăng trưởng tốt, gấp hơn 15 lần so năm 2019.

8. Canada

Hiện nay, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Canada trong ASEAN và Canada là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam tại khu vực châu Mỹ. Các mặt hàng xuất khẩu thủy sản Việt Nam đang có thế mạnh tại thị trường này, nhiều chủng loại đã chiếm thị phần rất cao như tôm, cá basa, cá ngừ. Theo ông Paul Lansbergen, Chủ tịch Hội đồng Thủy sản Canada, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu thủy sản và cá lớn thứ tư vào Canada. Kim ngạch nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam tăng trung bình 21% từ năm 2015 – 2019. Tôm thương phẩm tăng 10%, cá chế biến hoặc bảo quản, cá tươi hoặc cá ướp lạnh đều tăng hơn 3 lần, cá  tươi, cá  khô, muối, hun khói cũng tăng gấp đôi. Năm 2020, theo VASEP, kim ngạch xuất khẩu thủy, hải sản vào hầu hết các thị truờng đều giảm, nhưng riêng Canada là thị trường hiếm hoi tăng trưởng 12% trong 9 tháng đầu năm, dự kiến sẽ đạt mức 20%, với kim ngạch ước đạt 264,3 triệu USD trong năm 2020.

9. Australia

Với dân số trên 24 triệu người (dự kiến tăng lên 40 triệu người vào năm 2050), Australia là một trong những quốc gia có tiêu chuẩn sống cao nhất trên thế giới. Ý thức về sức khỏe đã hỗ trợ tích cực cho việc tiêu thụ thủy sản tại Australia, nhu cầu tiêu thụ thủy sản bình quân đầu người của Australia liên tục tăng trưởng. Điều này tạo nhiều thuận lợi cho sản phẩm thủy sản Việt Nam thâm nhập vào thị trường này. Được biết, Việt Nam là một trong 4 nước cung cấp thủy sản cho Australia nhiều nhất thế giới, thị phần chỉ chiếm 11,2%, như vậy, ngành thủy sản Việt Nam vẫn còn rất nhiều cơ hội cạnh tranh với các quốc gia khác để mở rộng thị phần của mình. Đặc biệt, Hiệp định RCEP đã được ký kết, Việt Nam là một trong những quốc gia nhận nhiều lợi ích. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt sang thị trường này năm 2020 ước đạt 218,7 triệu USD.

10. Nga

Với dân số gần 150 triệu người, mặc dù trong vòng vài năm gần đây tăng trưởng kinh tế không cao nhưng Nga vẫn là một thị trường tiêu dùng lớn; trong đó có nhu cầu nhập khẩu cao các mặt hàng nông, lâm, thủy sản mà Việt Nam có lợi thế. Trong những năm qua, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam đã duy trì chất lượng tốt, cải tiến mẫu mã, xây dựng và đăng ký thương hiệu với những mặt hàng đã có uy tín tại thị trường Nga. Theo Bộ NN&PTNT, Việt Nam và Nga là đối tác chiến lược, thị trường Nga rộng lớn, tiềm năng. Do đó, bên cạnh các thị trường xuất khẩu trọng điểm như EU, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản…, doanh nghiệp Việt cần chú trọng tiếp tục mở rộng thêm thị trường Nga. Tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Nga năm 2020 ước đạt 143,9 triệu USD.

Ngọc Ngọc

(Tổng hợp)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!