11 nhiệm vụ của ngành tôm những tháng cuối năm

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Theo Bộ NN&PTNT, những tháng cuối năm 2022, ngành tôm Việt Nam có 11 nhiệm vụ như sau:

Thứ nhất, tiếp tục quan tâm chỉ đạo triển khai cấp mã số cơ sở nuôi tôm phục vụ truy xuất nguồn gốc.

Thứ hai, tổ chức liên kết giữa các địa phương nuôi tôm; thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển sản xuất để vừa phát triển sản xuất nuôi tôm, vừa ứng phó hiệu quả với dịch COVID-19. Xây dựng kịch bản sản xuất tôm nước lợ trong điều kiện COVID-19, đảm bảo không bị động trước biến động của dịch bệnh.

Thứ ba, triển khai hiệu quả một số đề án, chương trình đã phê duyệt như: Kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025, Đề án tổng thể phát triển ngành công nghiệp tôm Việt Nam đến năm 2030 và Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững ĐBSCL.

Thứ tư, tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ mới để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế.

Thứ năm, phát triển nuôi tôm và các khâu trong chuỗi sản xuất tôm theo hướng công nghệ cao để giảm lao động trực tiếp, hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.

Thứ sáu, tăng cường công tác quan trắc, cảnh báo môi trường các vùng nuôi tôm tập trung để kịp thời đưa ra khuyến cáo và cảnh báo, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người nuôi; thích ứng với biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn, đồng thời phục vụ công tác chỉ đạo sản xuất NTTS bền vững.

Thứ bảy, thực hiện tốt quy chế quản lý giống tôm nước lợ năm 2022. Tổng cục Thủy sản phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương để quản lý chất lượng tôm giống, thông tin về nguồn gốc, chất lượng và các vấn đề liên quan giữa các địa phương sản xuất tôm giống và địa phương nuôi tôm thương phẩm.

Thứ tám, tiếp tục quản lý chặt chẽ chất lượng tôm giống, vật tư phục vụ NTTS. Tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra cơ sở sản xuất giống, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường dùng trong NTTS và xử lý nghiêm các vi phạm.

Thứ chín, tổ chức sản xuất theo hướng liên kết, cụ thể là liên kết dọc và liên kết ngang giữa các cơ sở sản xuất để sản xuất an toàn, hạ giá thành và đảm bảo đầu ra cho sản phẩm.

Thứ mười, tích cực phối hợp xử lý, tháo gỡ các rào cản kỹ thuật, phát triển thị trường tiêu thụ cho sản phẩm tôm Việt Nam.

Cuối cùng là tổ chức thông tin, tuyên truyền, chuyển giao khoa học kỹ thuật để nhân rộng các mô hình nuôi tôm 2, 3 giai đoạn, sử dụng chế phẩm sinh học, nuôi tuần hoàn khép kín, nuôi an toàn sinh học, nuôi công nghệ cao, mô hình tự động hóa trong nuôi tôm, các mô hình liên kết sản xuất, giúp người nuôi, doanh nghiệp chủ động sản xuất hiệu quả.

Hải Lý

(Theo Bộ NN&PTNT)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!