125 triệu USD cho cuộc “chinh phục” vĩ đại

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Nếu không có gì thay đổi thì khoảng 14 tháng nữa, ngành thủy sản Việt Nam sẽ có trong tay 125 triệu USD. Với số tiền này, nhiều chuyên gia trong ngành hy vọng sẽ giải quyết vấn đề “đầu tiên – tiền đâu” giúp ngăn chặn dịch bệnh, nâng cao đời sống ngư dân, sản xuất con giống vốn đang “cầm đèn chạy trước ô tô” như hiện nay.

 

Những vấn đề báo động

Theo đánh giá của nhóm công tác của dự án, do yếu kém từ việc quy hoạch vùng ven biển nên đây là một trong những vấn đề chính ảnh hưởng đến tính bền vững của khu vực ven biển. Mặc dù vấn đề này đã được đem ra bàn luận nhiều lần nhưng vẫn chưa nhận được sự quan tâm đầy đủ của chính quyền địa phương, vì các tỉnh, thành này thường quy hoạch theo cách tiếp cận truyền thống nên dẫn đến sự thiếu đồng bộ, thậm chí có khi gây xung đột giữa các ngành do thiếu phối, kết hợp và chia sẻ thông tin. Ngoài ra, hiện chưa có quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản đến năm 2020 trong khi kế hoạch tổng thể phát triển thủy sản 2010 đã hết hiệu lực 6 tháng, cũng như hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu nghề cá không hoạt động. Đây là 3 vấn đề chính cần giải quyết nếu muốn quản lý và phát triển bền vững nguồn lợi ven biển.

Một trong những vấn đề đang nằm trong báo động đỏ của ngành thủy sản nước ta là quy hoạch phát triển nuôi tôm. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, ngành nuôi tôm Việt Nam đã nở rộ trong những thập kỷ qua, nhưng đến nay, việc quy hoạch của ngành còn yếu kém và thiếu quy chế đã làm suy thoái môi trường ven biển ở quy mô lớn và phá hủy các khu rừng ngập mặn, đặc biệt là tại ĐBSCL.

 

Một phần trong 125 triệu USD dành cho nghiên cứu giống tôm sạch bệnh              Ảnh: Thanh Nhã

Do phát triển ngoài quy hoạch nên tại hầu hết các khu vực nuôi tôm hiện nay, cơ sở hạ tầng hỗ trợ ngành nuôi tôm còn yếu kém, không đảm bảo nguồn cung cấp nước, xử lý và xả nước thải. Nguyên nhân một phần xuất phát từ yếu kém trong quy hoạch phát triển ngành thủy sản của các tỉnh vì xảy ra xung đột với việc nâng cao đời sống người dân và chọn việc sử dụng nguồn lợi ven biển hài hòa và bền vững.

Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II và III thì chất lượng tôm giống đang là rào cản lớn cho ngành thủy sản Việt Nam. Đây là nguyên nhân chính gây ra dịch bệnh thủy sản trên quy mô lớn không chỉ tại nước ta trong suốt mấy thập kỷ qua.

Đánh giá tổng thể của các chuyên gia trong dự án là do sự yếu kém của các cơ quan thú y trong việc kiểm soát, khống chế dịch bệnh. Mà sâu xa hơn là do người dân ồ ạt đào ao nuôi tôm, thả cá vì thấy giá nguyên liệu tăng nên phá vỡ mọi quy hoạch nuôi trồng phát triển thủy sản của các tỉnh.

Còn đánh bắt hải sản thì mạnh ai nấy làm, vì những lỗ hổng lớn trong các quy định, nghị định và ngay cả Luật Thủy sản 2003 đã có hiệu lực mấy năm nay nhưng việc thi hành phần lớn là không hiệu quả. Và từ đầu năm 2011, khi Chính phủ ngừng trợ giá nhiên liệu cho các hoạt động đánh bắt hải sản gần bờ khiến ngư dân đánh bắt hải sản với tàu cỡ nhỏ (< 90CV) gặp khó khăn và tạm thời ngừng hoạt động, một số đã chuyển sang ngành nghề khác.

 

 

Một tham vọng lớn?

Theo ông Cao Thăng Bình, cán bộ cao cấp của Ngân hàng Thế giới, mỗi năm ngành thủy sản Việt Nam mất khoảng 1 tỷ USD (bằng 50% nguồn vốn vay hàng năm của Việt Nam từ Ngân hàng Thế giới) vì những tổn thất sau thu hoạch, dịch bệnh. Nhưng với việc triển khai CRSD thì 5 năm sau khi dự án kết thúc, Việt Nam sẽ giải quyết được những tổn thất nói trên.

Tính đến ngày 30/6, một bản ghi nhớ với những nội dung cần làm dài 30 trang đã được nhóm dự án đưa ra, trong đó, những chuyên gia trong ngành thủy sản đã phân tích những nguyên nhân, vấn đề cùng những giải pháp phải làm trong 5 năm tới để giúp ngành thủy sản ven biển Việt Nam phát triển bền vững.

Theo ông Nguyễn Văn Hảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II (RIA 2), 125 triệu USD chủ yếu là từ nguồn vốn vay, nên việc đầu tiên của những người làm dự án là phải tính toán kỹ lưỡng những vấn đề nào cần ưu tiên làm trước, để có thể thu hồi lại vốn vay của Ngân hàng Thế giới là điều quan trọng.

Cụ thể, những vấn đề mà nhóm dự án dự kiến sẽ thực hiện trong 5 năm của dự án là quy hoạch không gian tổng hợp tài nguyên biển và ven bờ, nhằm giải quyết sự cạnh tranh và thỏa hiệp giữa các ngành, liên quan đến việc bảo vệ và sử dụng bền vững các nguồn lợi thủy sản. Dùng một phần vốn để cho các viện, trường thủy sản nghiên cứu con giống tôm sú, tôm thẻ chân trắng sạch bệnh cung cấp đủ cho 600.000 ha nuôi tôm của nước ta hiện nay. Song song đó là thúc đẩy thực hành nuôi trồng thủy sản tốt (GAP) bằng cách xác định các mô hình GAP, BMP hiệu quả để nhân rộng. Bỏ ra một phần kinh phí để tập huấn cho nông dân về GAP, BMP. Lập ban quản lý giống hải sản để điều phối việc lựa chọn, thuần hóa và quản lý con giống bố, mẹ cung cấp cho các trại giống.

Đối với ngư dân khai thác thủy sản quy mô nhỏ, dự án sẽ hỗ trợ cho các tỉnh, thành đào tạo chuyên môn để giúp ngư dân có thể tìm được việc tại các đội tàu đánh bắt xa bờ hoặc tại các tàu cá nước ngoài. Hỗ trợ nguồn vốn để ngư dân chuyển từ khai thác sang nuôi trồng thủy sản, hay phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá như làm nước mắm, phơi cá, buôn cá…

 

>> 125 triệu USD là tổng nguồn vốn dự kiến được đầu tư để thực hiện dự án Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững (CRSD) tại 8 tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Sóc Trăng và Cà Mau, trong đó, 100 triệu USD vay ODA từ Ngân hàng Thế giới.

 

Khi được hỏi về mức độ thành công của dự án CRSD, nhiều chuyên gia trong ngành thủy sản cho rằng, nếu dự án thành công trên 50% thì số tiền 125 triệu USD ban đầu rất đáng đầu tư. Theo các chuyên gia, dự án CRSD không phải một “canh bạc”, đơn giản vì trình độ chuyên môn, kỹ thuật cũng như cơ chế chính sách của nước ta đủ khả năng để giải quyết những vấn đề cốt lõi của ngành thủy sản nếu đã đi được bước “đầu tiên”.

Nguyễn Khởi

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!