(TSVN) – Sáng ngày 7/6, tại TP Đà Lạt, Cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) phối hợp với Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng tổ chức Hội nghị Tổng kết 20 năm phát triển cá nước lạnh và giải pháp trong thời gian tới. Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản, ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Thủy sản Việt Nam và ông Nguyễn Văn Châu, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng chủ trì hội nghị.
Cá nước lạnh đã được nhiều địa phương xem như một trong những đối tượng nuôi quan trọng, góp phần vào khai thác tiềm năng các thủy vực nước lạnh. Việc phát triển nuôi cá tầm trong những năm qua đã đưa Việt Nam vào nhóm 10 nước có sản lượng cá tầm lớn nhất thế giới là Trung Quốc, Nga, Italia, Bulgaria, Iran, Mỹ, Pháp, Việt Nam, Ba Lan và Đức. Ngoài tận dụng tốt diện tích mặt nước vốn không thích hợp để nuôi các đối tượng thủy sản nước ngọt truyền thống, việc phát triển nuôi cá nước lạnh ở các vùng cao còn góp phần tạo việc làm, phát triển cơ sở hạ tầng, gia tăng thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân, góp phần bảo vệ an ninh quốc phòng tại các vùng sâu, vùng xa, vùng giáp biên giới.
Hiện nay có 8 loài cá nuôi nước lạnh thuộc Danh mục loài thuỷ sản được phép kinh doanh tại Việt Nam ban hành kèm theo Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08/3/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thuỷ sản. Với những nỗ lực nhằm khai thác tiềm năng các thủy vực nước lạnh, hiện nay, cá nước lạnh (chủ yếu là cá tầm) đã được nuôi tại 21 tỉnh, chủ yếu tại khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên.
Toàn cảnh Hội nghị
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Văn Châu, Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng, cho biết hoạt động phát triển cá nước lạnh tại Lâm Đồng được bắt đầu từ năm 2006. Hiện nay, sản lượng cá nước lạnh (cá tầm) đạt trên 2.300 tấn/năm, giá trị ước đạt trên 450 tỷ đồng/năm. Hoạt động này đã góp phần đáng kể vào giá trị sản xuất ngành thủy sản, tăng thu nhập cho các tổ chức, cá nhân và phát triển kinh tế tại địa phương. Tuy nhiên, sản xuất cá nước lạnh trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn như biến đổi khí hậu, nguồn nước cung cấp cho hoạt động sản xuất bị hạn chế, thiên tai, nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng còn hạn chế, thiếu nguồn nhân lực chuyên gia, cán bộ kỹ thuật được đào tạo chuyên sâu và tỉnh chưa chủ động được nguồn thức ăn.
Ông Nguyễn Văn Châu, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng phát biểu khai mạc Hội nghị
Báo cáo tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Hữu, Phó Trưởng phòng Nuôi trồng thủy sản, Cục Thủy sản cho biết, năm 2006, cá tầm được đưa vào Tây Nguyên nuôi thử nghiệm tại tỉnh Lâm Đồng. Công nghệ sản xuất giống nhân tạo cá tầm đã được các Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III, Viện Nghiên cứu nuôi trồng Thủy sản I nghiên cứu thông qua nhiều đề tài/dự án.
Đến nay, trong 5 loài cá tầm được nuôi tại Việt nam (trừ cá tầm Beluga do tuổi thành thục dài, chưa cho trứng và cá tầm Trung Hoa chậm lớn ít người nuôi) thì 3 loài cá tầm gồm cá tầm Nga, cá tầm Siberi và cá tầm Sterlet đã hoàn thiện được quy trình công nghệ sản xuất giống tại Việt Nam và đã được ứng dụng vào thực tế sản xuất. Sản lượng cá nước lạnh tăng nhanh trong thời gian qua. Năm 2007, sau thời gian hai năm đưa về nuôi tại Việt Nam, sản lượng đạt 95 tấn; năm 2010 là 450 tấn; năm 2015 là 1.585 tấn, năm 2020 đạt 3.720 tấn và đến năm 2023 đạt hơn 4.668 tấn. Tăng trưởng sản xuất trong giai đoạn 2007 – 2023 trung bình 49,13%/năm.
Mặc dù sản lượng, kỹ thuật nuôi cá nước lạnh đã phát triển mạnh trong 2 thập kỷ qua nhưng đến hết tháng 5 năm 2024 mới có 9/31 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống cá tầm được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện theo quy định. Có 32/845 cơ sở (đạt 0,37%) cơ sở nuôi cá tầm thương phẩm được cấp mã số nuôi. Điều này dẫn đến khó khăn trong công tác kiểm soát chất lượng con giống là một trong những yếu tố đầu vào quan trọng ảnh hưởng đến các khâu của chuỗi sản xuất, như chất lượng, năng suất, sản lượng.
Ngoài ra, việc khai thác và sử dụng nguồn nước lạnh chưa phát huy hết tiềm năng, hiệu quả, vẫn còn tình trạng sử dụng nguồn nước lãng phí nhất là các cơ sở nuôi ở vị trí đầu nguồn nên còn tình trạng xảy ra tranh chấp về nguồn nước trong mùa khô. Với hệ thống nuôi như hiện nay phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nước tự nhiên đặc biệt các tỉnh Tây Bắc, Tây Nguyên từ tháng 1 đến tháng 4 hàng năm, không đảm bảo nguồn nước cung cấp cho các cơ sở nuôi nên không nâng cao được năng suất.
Ông Nguyễn Văn Hữu, Phó Trưởng phòng Nuôi trồng thủy sản, Cục Thủy sản trình bày báo cáo tại Hội nghị
Ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Thủy sản Việt Nam, cho biết từ ngày đưa con cá tầm về Việt Nam cho đến nay, chặng đường 20 năm phát triển đã trải qua rất nhiều thăng trầm. Trong thời gian tới, chúng ta cần đầu tư nhiều hơn về công nghệ và có nguồn vốn dài hạn. Cần có các chính sách đồng bộ để thu hút doanh nghiệp đầu tư, từ đó tạo ra nền kinh tế tuần hoàn xanh cho cá tầm. Ông nhấn mạnh cần tìm hiểu và đầu tư hơn nữa vào chất lượng con giống và nguồn nước. Hội Thủy sản cần nỗ lực hơn nữa để hiện thực hóa các mong muốn của nhà quản lý, thông qua việc thường xuyên trao đổi, gặp gỡ để đưa ra các giải pháp và tạo ra chuỗi liên kết trong quá trình sản xuất. Ngoài ra, cần chủ động nguồn con giống để đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành nuôi cá tầm.
Ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Thủy sản Việt Nam đưa ra định hướng hoạt động cho thời gian tới của Hội Thủy sản trong hoạt động nuôi cá tầm tại Việt Nam
Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản, đánh giá rằng trong thời gian qua, năng suất và sản lượng ngành cá nước lạnh đã đạt được kết quả khá tốt. Đồng thời nhấn mạnh vai trò vô cùng quan trọng của các hiệp hội trong việc kết nối các địa phương và doanh nghiệp. Tuy nhiên, cần siết chặt quản lý và rà soát địa điểm, hồ sơ nguồn gốc trang trại và nguồn cá giống để nâng cao chất lượng cho ngành. Từ cơ sở, từ trang trại, từ con giống bố mẹ đều phải có hồ sơ chứng minh. Về phía quản lý nhà nước, ông Luân cho biết sẽ có trách nhiệm liên kết tìm nguồn bổ sung cá bố mẹ. Ngoài ra, ông cũng đề xuất tìm kiếm các giải pháp dài hạn cho ngành nuôi cá nước lạnh, cần có địa chỉ tiêu thụ rõ ràng và đẩy mạnh quảng bá sản phẩm để tạo ra thương hiệu cho cá tầm Việt Nam. “Các doanh nghiệp phải tạo được sự liên kết giữa phía quản lý và cơ sở sản xuất. Muốn đi xa phải đi cùng nhau”, Cục trưởng Cục Thủy sản nhấn mạnh.
Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản tổng kết chương trình Hội nghị
Hội nghị là dịp để tỉnh và các địa phương cùng các tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp được gặp gỡ, giao lưu, trao đổi và học tập kinh nghiệm lẫn nhau, để góp phần thực hiện có hiệu quả việc phát triển chăn nuôi cá nước lạnh bền vững trong thời gian tới.
Oanh Thảo