T2, 06/07/2020 09:55

2011- Xuất khẩu thủy sản kỷ lục

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Các nguồn dự báo cho thấy tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam năm nay có thể đạt con số kỷ lục: 5,6-5,8 tỷ USD, thậm chí là 6,1 USD, tăng đến 20% so năm 2010, nếu diễn tiến thị trường tiếp tục thuận lợi. Lại thêm một năm nữa, xuất khẩu thủy sản gặt hái thành công.

Những con số ấn tượng

Theo số liệu thống kê, xuất khẩu thủy sản trong tháng 9 vẫn tiếp tục giữ phong độ ổn định, kim ngạch đạt 620 triệu USD, tăng gần 10% so với tháng trước và 24,6% so với cùng kỳ năm 2010, góp phần nâng tổng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đầu năm lên trên 4,4 tỷ USD, tăng khoảng 27% so với cùng kỳ.

Năm nay, xuất khẩu thủy sản Việt Nam ở hầu hết các thị trường đều có sự tăng trưởng. Tổng giá trị xuất khẩu vào Mỹ 8 tháng đầu năm chiếm 19% tổng giá trị xuất khẩu của cả nước, tăng gần 4,53% so với cùng kỳ. Tại Nhật Bản, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này tiếp tục tăng 3 tháng liên tiếp, tháng 8/2011, đạt 104,8 triệu USD, tăng 13,63% so với tháng trước, đưa khối lượng xuất khẩu 8 tháng đầu năm sang thị trường này đạt 573, 95 triệu USD, chiếm thị phần 15,1%, tăng 4,53% so với cùng kỳ. Các thị trường lớn khác của thủy sản Việt Nam cũng đều đạt những kết quả ấn tượng, như Hàn Quốc (301,6 triệu USD), Đức (162,39 triệu USD), Trung Quốc (138,9 triệu USD)…

Về các mặt hàng xuất khẩu chính. Tính đến hết tháng 8, xuất khẩu cá tra đạt 1,16 tỷ USD, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Mỹ vẫn là thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam với 195,79 triệu USD. Và từ đầu năm đến nay, xuất khẩu cá tra sang Mỹ liên tục tăng trưởng cả về khối lượng và giá trị.

Theo nhiều chuyên gia, giá trị xuất khẩu trong thời gian qua đạt mức cao là do giá tôm xuất khẩu trung bình có sự tăng trưởng đáng kể, khoảng 15,6% so với cùng kỳ năm ngoái và ở mức 9,53 USD/kg.

Kim ngạch xuất khẩu thủy sản tháng 9 lên tới 620 triệu USD Ảnh: An An

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính đến ngày 15/8, giá trị xuất khẩu tôm sang các thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam hầu hết đều tăng trưởng mạnh. Trong đó, cao nhất là thị trường Nga với trên 484%, các thị trường khác đều có mức tăng trưởng 2 con số, trừ Australia tăng 9,6%. Thời gian tới, giá tôm được dự báo sẽ vẫn đứng ở mức cao do nguồn cung nguyên liệu bị hạn chế.

 

Dự báo khả quan

Theo dự báo của Bộ Công thương, năm 2011, xuất khẩu thủy sản sẽ có thể vượt chỉ tiêu đề ra khoảng 4%, tương đương từ 5,6-5,8 tỷ USD. Còn Bộ NN&PTNT dự tính, tổng kim ngạch xuất khẩu năm nay có thể đạt 6,1 tỷ USD.

Điều này hoàn toàn có thể là hiện thực khi đến thời điểm hiện nay đã có sự tương đồng khá rõ trong xu hướng xuất khẩu thủy sản năm 2011 so với năm 2010, đó là chưa tính đến mặt bằng giá trị xuất khẩu năm nay đã có sự tăng trưởng mạnh. Bởi thời điểm này mới bắt đầu vào mùa cao điểm đối với xuất khẩu thủy sản (thường từ tháng 7-10), và năm 2010, kim ngạch xuất khẩu giai đoạn này của toàn ngành đạt 1,97 tỷ USD, chiếm 40% cả năm.

Theo nhận định của AgroMonitor, để đạt được con số này, thì trung bình những tháng cuối năm, xuất khẩu phải đạt được từ 580-600 triệu USD, trong khi chỉ riêng tháng 9, con số này là 620 triệu USD.

Hơn nữa, nhu cầu tiêu dùng thủy sản trên thế giới đang có xu hướng tăng. Dự báo, thị trường Mỹ lại triển vọng trở lại khi những lo ngại về khủng hoảng nợ công qua đi, người tiêu dùng đã có những phản ứng tích cực với mặt hàng tôm. Mặt khác, giá cá da trơn tại Mỹ sẽ tiếp tục tăng vào những tháng cuối năm 2011 do nguồn cung khan hiếm.

Còn tại Nhật Bản, lượng dự trữ tôm ở mức thấp sẽ kích thích nhập khẩu và các sản phẩm giá trị gia tăng tiếp tục được ưa chuộng trên thị trường này.

 

Giải quyết vấn đề nguyên liệu

Mặc dù dự báo xuất khẩu thủy sản sáng là vậy, nhưng để hoàn thành được điều này, ngành thủy sản Việt Nam và các doanh nghiệp buộc phải giải được bài toán nguyên liệu đầu vào! Bởi hiện nay, vẫn lại lặp lại tình trạng cung không đủ cho chế biến.

Nhìn một cách tổng thể, nguồn cung nguyên liệu trong năm nay không đủ cho nhu cầu sản xuất. Các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra đã chủ động được từ 40-60% nguyên liệu chế biến, còn hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu tôm chưa xây dựng được vùng nguyên liệu ổn định, nên đã gặp không ít khó khăn.

Theo ông Phạm Ngọc Truyền, Phó giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm xuất khẩu Nam Hải (Cần Thơ): Hiện nay nguồn nguyên liệu tôm để đáp ứng yêu cầu chế biến của Công ty vẫn còn gặp khó, giá tôm nguyên liệu tăng từ 20-30% so với trước. Tôm sú đang khan hiếm và tôm thẻ chân trắng tuy giá rẻ hơn tôm sú từ 30-40%, nhưng tìm mua được cũng không dễ.

Còn đối với cá tra, diện tích nuôi tiếp tục có xu hướng giảm mạnh. Tại Đồng Tháp, tỉnh có diện tích nuôi lớn nhất ở ĐBSCL, tính đến ngày 28/9, toàn tỉnh đã thu hoạch 280.388 tấn cá tra, đạt 93,5% kế hoạch năm, trong khi đó diện tích thả nuôi chỉ đạt 70,5% kế hoạch năm với 1.409 ha, diện tích treo ao là 94,7 ha. Nguyên nhân là do người nuôi cá bị thua lỗ kéo dài, nay lại gặp khó khăn về vốn đầu tư nên nhiều hộ nuôi bỏ nghề.

Trong khi đó, sản lượng nuôi trồng và khai thác cũng không mấy khả quan. Ước tính sản lượng nuôi trồng 9 tháng đầu năm đạt 2.163 nghìn tấn, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Và sản lượng khai thác đạt 1.973 nghìn tấn, tăng 5,1% so với cùng kỳ.

>> Theo báo cáo mới nhất của Bộ NN&PTNT công bố tháng 7/2011, dự báo xuất khẩu thủy sản cả năm được điều chỉnh giảm 80 triệu USD so với tháng trước, ở mức 6,1 tỷ USD do khó khăn về nguồn cung nguyên liệu và thị trường.

Thu Hồng

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!