(Thủy sản Việt Nam) – Đây là mục mà cá tra Việt Nam được Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) châu Âu đưa vào trong Cẩm nang Hướng dẫn Tiêu dùng Thủy sản năm 2012. Tuy nhiên, để đạt được sự phát triển bền vững thì đảm bảo trách nhiệm môi trường và xã hội là vấn đề cần được quan tâm đến hiện nay.
Phát triển có trách nhiệm
Tiến sỹ Võ Lâm – Phó khoa Nông nghiệp và Tài nguyên Thiên nhiên trường Đại học An Giang (AGU) chia sẻ: “Sản xuất cá tra ở ĐBSCL phát triển rất ấn tượng trong vòng 20 năm qua. Từ mô hình nuôi quy mô nhỏ, thâm canh bè cho đến nuôi ao và đưa thương hiệu cá tra đến với hơn 134 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Tuy nhiên, càng phát triển thì những vấn đề xung quanh có liên quan ngày càng phải được quan tâm hơn, trong đó có trách nhiệm về môi trường và xã hội”.
ĐBSCL là vùng kinh tế trọng điểm của cả nước. Thủy sản là một trong những ngành mũi nhọn, đặc biệt là cá tra.
Lưu vực sông Mê Kông được xem là một nơi có hệ sinh thái và đa dạng sinh học lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau lưu vực sông Amazone (WWF, 2004). ĐBSCL đã được hưởng lợi rất nhiều từ hệ sinh thái này. Tuy nhiên, với việc phát triển quá nhanh như hiện nay, một trong những vấn đề đang được quan tâm khi hướng đến phát triển bền vững đó chính là “Làm thế nào để phát triển ngành đi đôi với việc quản lý bền vững hệ sinh thái? Đây là một trong những nội dung chính của Hội thảo “Quản lý bền vững các dịch vụ hệ sinh thái vì mục tiêu sản xuất cá tra bền vững ở ĐBSCL” tại An Giang ngày 26/12/2011.
Theo WWF, ngành cá tra Việt Nam đang thay đổi nhanh chóng và sâu rộng Ảnh: Lê Hoàng Vũ
Nỗ lực đáng ghi nhận
Theo đánh giá của WWF quốc tế, ngành cá tra Việt Nam đang thay đổi nhanh chóng và sâu rộng được thể hiện ở việc Việt Nam đang áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất thân thiện với môi trường nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực của nghề nuôi cá tra vùng Mê Kông.
Hiện nay, lãnh đạo các bộ, ngành có liên quan trong lĩnh vực thủy sản, các hiệp hội, các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế thủy sản, doanh nghiệp và nông dân… đang hết sức nỗ lực để hướng đến việc phát triển bền vững cho cá tra Việt Nam.
Hội thảo “Quản lý bền vững các dịch vụ hệ sinh thái vì mục tiêu sản xuất cá tra bền vững ở ĐBSCL” vừa diễn ra tại An Giang đã công bố các nghiên cứu liên quan đến dịch vụ hệ sinh thái hướng tới việc phát triển cá tra có trách nhiệm về môi trường, xã hội, như “Đánh giá hiệu quả thức ăn tiềm năng sẵn có ở vùng Mê Kông có khả năng thay thế bột cá làm thức ăn cho cá tra” của Thạc sỹ Châu Thi Đa – AGU; “Tình hình khai thác và sử dụng cá tạp biển làm thức ăn cho cá tra và một số loài thủy sản khác ở ĐBSCL” của Thạc sỹ Đặng Thị Thanh Quỳnh – AGU; “Tầm quan trọng của Hệ sinh thái đối với hoạt động nuôi trồng thủy sản tại vùng Mê Kông” của Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản An Giang Trần Anh Dũng; “Xử lý nước thải tái sử dụng cho trang trại cá thông qua công nghệ phát triển lò phản ứng sinh học thuộc màng” của Tiến sỹ Bùi Xuân Thành – Đại học Bách khoa TP. HCM; và mô hình thiết thực “Sử dụng nước thải ao nuôi cá tra cho hệ thống canh tác kết hợp Lúa – cá – rau màu, An Giang” của Thạc sỹ Lê Hữu Phước và Huỳnh Ngọc Đức – AGU.
Hội thảo cũng đã đề cập đến việc áp dụng tiêu chuẩn ASC cho cá tra, đây được xem là một trong những lựa chọn để phát triển bền vững cá tra nói riêng, nuôi trồng thủy sản nói chung và dịch vụ hệ sinh thái.
Vẫn còn nhiều khó khăn phía trước trên con đường “hướng đến chứng nhận bền vững” nhưng chúng ta có thể hoàn toàn tin tưởng vào sức mạnh của ngành cá tra Việt Nam.
>> Ngày 26/12/2011, tại An Giang, Qũy Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF Việt Nam) đã phối hợp với trường Đại học An Giang tổ chức Hội thảo “Quản lý bền vững các dịch vụ hệ sinh thái vì mục tiêu sản xuất cá tra bền vững ở ĐBSCL”. Hội thảo đã thu thập được các thông tin và ý kiến thiết thực từ các nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp, người nuôi… về các giá trị mà hệ sinh thái mang lại đối với sản xuất cá tra và các giải pháp quản lý hiệu quả cho định hướng phát triển bền vững trong thời gian tới.
Hồng Thắm