(Thủy sản Việt Nam) – Trong 2 ngày 7 và 8/2/2012, Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND các tỉnh Cần Thơ, Cà Mau tổ chức 2 hội nghị tổng kết tình hình sản xuất năm 2011 và triển khai kế hoạch năm 2012 cho hai sản phẩm thủy sản chủ lực là tôm và cá tra.
Năm 2011, tôm vượt khó
Theo đánh giá của Tổng cục Thủy sản, vụ tôm năm 2011 diễn ra hết sức khó khăn ở nhiều địa phương, đặc biệt là thời tiết, môi trường diễn biến hết sức phức tạp, dịch bệnh xảy ra trên diện rộng, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả sản xuất. Song với sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ NN&PTNT cùng lãnh đạo các địa phương, ngành tôm đã có những đóng góp quan trọng đưa sản lượng nuôi trồng thủy sản cả năm đạt trên 3 triệu tấn và kim ngạch xuất khẩu đạt trên 6,1 tỷ USD.
Vượt qua khó khăn, năm 2011 tôm thắng lớn
Ảnh: Phan Thanh Cường
Tính đến nay, cả nước có 30 tỉnh, thành nuôi tôm nước lợ đã thả nuôi được 656.425 ha, đạt sản lượng 495.657 tấn. Trong đó, diện tích nuôi tôm sú là 623.377 ha, đạt sản lượng 319.206 tấn; tôm thẻ chân trắng là 33.049 ha đạt sản lượng 176.451 tấn. Riêng ĐBSCL, diện tích nuôi tôm là 602.416 ha (bằng 91,8% diện tích nuôi cả nước). Trong đó, diện tích nuôi tôm sú là 588.419 ha, diện tích tôm thẻ chân trắng là 18.998 ha. Trong đó, Cà Mau và Bạc Liêu là 2 tỉnh có diện tích tôm nước lợ nuôi lớn nhất cả nước. Tính đến cuối năm 2011, cả nước có 1.848 trại sản xuất tôm sú giống và 2.566 trại sản xuất giống tôm thẻ chân trắng, sản lượng đạt trên 50,5 tỷ tôm giống…
Cá tra “đạt chuẩn”
Năm 2011, xuất khẩu cá tra đạt trên 600.000 tấn, kim ngạch 1,805 tỷ USD, tăng lần lượt là 3% và 26,5% so với năm 2010 và xuất đi 135 thị trường. Đặc biệt, diện tích nuôi cá tra là 5.430 ha (tăng 30 ha so với năm 2010), sản lượng 1.195.244 tấn (tăng 50.000 tấn so với năm 2010). Năng suất trung bình trên 220 tấn/ha, cá biệt có nơi 500 tấn/ha.
Giá cá tra xuất khẩu tăng liên tục các tháng trong năm và so với cùng kỳ năm 2010. Mức chênh lệch tăng giá xuất khẩu cá tra xuất khẩu so với các tháng cùng kỳ thể hiện rõ các tháng 5, 6, 7, 8 và 10 tăng khoảng 26% so với các tháng đầu năm và các tháng cuối cuối năm 2011 tăng khoảng 15%. 192 cơ sở được công nhận đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm và được phép xuất khẩu vào các thị trường có yêu cầu lập danh sách (EU, Hàn Quốc, Trung Quốc), tăng 42 cơ sở so với năm 2010.
Ngành cá tra Việt Nam vẫn cần sự hỗ trợ lớn, đặc biệt là vốn
Ảnh: Lê Hoàng Vũ
Mặt khác, trong năm 2011, ghi nhận sự chuyển biến mạnh mẽ của các doanh nghiệp chế biến hầu hết đã xây dựng được vùng nguyên liệu riêng, có doanh nghiệp tự chủ nguyên liệu đến 60-70% công suất. Đến nay, có khoảng 2.000 ha đạt chứng nhận Global GAP (chiếm gần 40% tổng diện tích nuôi).
Tuy nhiên, năm 2011, xuất khẩu vẫn chủ yếu là fillet đông lạnh, chiếm tới 99% tổng kim ngạch xuất khẩu; sản phẩm giá trị gia tăng chỉ chiếm khoảng 1%. Các cơ sở phần lớn vẫn chế biến ra sản phẩm thô, sơ chế. Do vậy, hiệu quả kinh tế chung chưa cao.
Những điểm cần khắc phục
Theo ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch VASEP, năm 2012, thị trường cá tra vẫn có khả năng mở rộng vì giá phù hợp với người tiêu dùng, vấn đề còn lại là hiệu quả. Tuy nhiên, cần phải tạo điều kiện thuận lợi cho người nuôi và doanh nghiệp, đặc biệt là vấn đề tiếp cận vốn vay, vì thực tế hiện nay, nhu cầu vay vốn nuôi mỗi hécta là 6-10 tỷ đồng, nhưng ngân hàng chỉ cho vay theo tài sản thế chấp, khoảng 300 triệu đồng. Còn theo ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Hùng Vương thì để có 1,3 triệu tấn cá tra, cần 26.000 tỷ đồng.
Đối với con tôm, vấn đề được quan tâm nhiều nhất hiện nay vẫn là tình hình sản xuất và cung ứng con giống, dịch bệnh, công tác quản lý thuốc thú y thủy sản, thức ăn thủy sản… Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh, các mục tiêu trọng điểm năm 2012 là phải quản lý chặt chẽ nạn thuốc thú y, thủy sản, thức ăn giả, kém chất lượng; công tác kiểm dịch con giống kể cả giống bố mẹ nhập vào Việt Nam; vấn nạn bơm chích tạp chất vào nguyên liệu tôm sú… Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp chặt hơn nữa với Bộ Công an, không để tràn lan trên thị trường tôm tạp chất làm ảnh hưởng đến uy tín của con tôm Việt Nam, những doanh nghiệp làm ăn bất chính sẽ xử lý nghiêm theo pháp luật; không cho phép nhập tôm nguyên liệu để tái xuất, nếu nhập rồi tái xuất sẽ ảnh hưởng đến người nuôi tôm ở Việt Nam, (chưa nói đến khi nhập vào Việt Nam nguyên liệu có mang theo mầm bệnh)…
>> Bộ NN&PTNT dự kiến, năm 2012, cả nước phấn đấu đạt tổng sản lượng thủy sản trên 5,35 triệu tấn, trong đó, khai thác hải sản đạt 2,2 triệu tấn, nuôi trồng đạt 3,15 triệu tấn, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 6,5 tỷ USD. Theo dự báo, năm 2012, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội do nhu cầu thủy sản thế giới vẫn tiếp tục tăng mạnh, cùng với sự sụt giảm nguồn cung cấp thủy sản khai thác và nuôi trồng ở nhiều nước.
Sáu Nghệ – Thanh Ngân