Năm 2015, kim ngạch xuất khẩu thủy sản chỉ đạt 6,7 tỷ USD, giảm 14,5% so với năm 2014 là do tất cả các sản phẩm chủ lực của Việt Nam là tôm, cá tra đều giảm, ước từ 10 đến 25%. 2016 dự báo vẫn là năm khó khăn cho thủy sản nước ta, những vấn đề chi phối xuất khẩu năm qua tiếp tục là nỗi lo thường trực trong năm nay.
Không còn lạc quan
Khi chúng tôi phỏng vấn một số lãnh đạo doanh nghiệp thủy sản về tình hình xuất khẩu năm 2015, đa phần đều nhận được câu trả lời – một năm khó khăn của toàn ngành.
Bởi trong suốt cả năm, doanh nghiệp thủy sản phải thường trực đối diện với những nỗi lo hàng bị trả về do kháng sinh, rồi thuế kiện bán phá giá, tỷ giá đồng tiền các nước giảm mạnh so với USD, bạn hàng truyền thống quay sang mua hàng từ đối thủ… Tất cả đã khiến kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam giảm mạnh so với năm 2014, như mặt hàng tôm giảm đến 25%. Năm 2015, giá trị xuất khẩu tôm mang về cho Việt Nam chỉ 3 tỷ USD. Một sự sụt giảm mạnh mà ngay cả những người bi quan nhất cũng không thể nghĩ đến. Tình hình con cá tra cũng không khá hơn, giá trị xuất khẩu cả năm chỉ 1,6 tỷ USD, giảm 10% so với năm trước.
Ông Ngô Văn Ích, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã chỉ ra nguyên nhân của sự sụt giảm này là do các nước là “đối thủ” cùng xuất khẩu thủy sản với Việt Nam lôi kéo được đơn hàng nhờ Chính phủ nước họ thực hiện chính sách phá giá đồng tiền với với đô la Mỹ. Ngược lại, đồng Việt Nam chỉ có mất giá 5% so với đô la Mỹ. Vì thế, giá thủy sản của Việt Nam cao hơn các nước, nên không phải là lựa chọn của bên nhập khẩu.
Giảm giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm giúp thủy sản Việt Nam tăng sức cạnh tranh – Ảnh: Trịnh Thu Nguyệt
Vẫn còn khó khăn
Theo ông Ích, năm 2016, thủy sản thế giới vẫn trong xu hướng giảm giá. Nguyên nhân cơ bản là do kinh tế thế giới suy thoái, đặc biệt tại các thị trường xuất khẩu thủy sản chính của Việt Nam khi nhu cầu tiêu thụ giảm, nhiều đồng tiền tiếp tục mất giá so với đô la Mỹ kết hợp với việc gia tăng nguồn cung thủy sản. Vòng xoáy giảm giá xảy ra với hầu hết các mặt hàng thủy sản, đặc biệt là các loại thủy sản cao cấp.
Bên cạnh đó, một trong những vấn đề cốt lõi ảnh hưởng đến giá thành sản xuất của thủy sản Việt Nam đó là đầu vào phụ thuộc vào nguồn cung nước ngoài (từ con giống, thức ăn đến thuốc thú y). Điều này đã góp phần làm cho chi phí đầu vào của các mặt hàng thủy sản nuôi cao hơn các nước, như tôm của Việt Nam cao hơn các các đối thủ 1 – 3 USD/kg.
Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước, Đà Nẵng chỉ ra, lâu nay, 80% lượng tôm giống bán ra là từ các công ty nước ngoài. Cách kinh doanh của họ là nhập về để bán, do đó, không phù hợp với môi trường nên tỷ lệ nuôi thành công thấp.
Hiện, tỷ lệ tôm nuôi của Việt Nam vào khoảng 35%, tức là 100 con tôm giống thả nuôi thì 65 con sẽ bị chết trong quá trình này. Còn giá thành sản phẩm thức ăn chăn nuôi khoảng 60 – 70% nằm trong công ty nước ngoài, do đó, giá thức ăn chăn nuôi của nước ta là 32.000 đồng/kg, cao gấp 1,5 lần so với các nước khác.
Và nhiều khả năng, năm nay, chênh lệch về giá thành này vẫn sẽ khó được rút ngắn nến không có biến động nào đó. Một vấn đề nữa làm các doanh nghiệp thủy sản phải đau đầu đó là vấn đề kháng sinh, thuế bán phá giá. Đây là những yếu tố mà doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản không thể kiểm soát được.
Tuy nhiên dù muốn hay không, doanh nghiệp thủy sản vẫn phải tiếp tục hành trình của mình nếu muốn ở lại với cuộc chơi và mọi khó khăn chỉ là thử thách chứ không thể níu kéo chân người.
>> Ông Dương Ngọc Minh, Tổng Giám đốc Công ty CP Hùng Vương: Năm 2016, Việt Nam sẽ tham gia sâu hơn vào các hiệp định thương mại (FTA). Vậy câu hỏi đặt ra doanh nghiệp có tận dụng được hay không? Đối với tôi, câu trả lời là không. Theo tôi, doanh nghiệp hãy quên thị trường Mỹ đi mà tìm cách mở rộng cơ hội làm ăn ở những thị trường mới nổi, đặc biệt là thị trường châu Á. |