(TSVN) – Theo dự đoán của Spheric Research, ngành nuôi cá hồi Đại Tây Dương sẽ có một bước ngoặt đáng kể trong năm 2024, với sản lượng dự kiến đạt 25.000 tấn, tăng gần gấp đôi năm 2023.
Tại Hội nghị RASTech (tổ chức ở Orlando, Florida, Mỹ trong ngày 5-6/6/2024), ông Matt Craze, người sáng lập Spheric Research, đã chia sẻ chi tiết một số nội dung trong báo cáo sắp phát hành của ông có tên Land-based Aquaculture Report 2024 (tạm dịch: Báo cáo Nuôi trồng thủy sản trên cạn năm 2024), ngành nuôi cá hồi Đại Tây Dương sẽ có một bước ngoặt đáng kể trong năm 2024, với sản lượng dự kiến đạt 25.000 tấn, tăng gần gấp đôi năm 2023.
Một mô hình nuôi cá hồi bằng công nghệ RAS. Ảnh: Liza Mayer
Con số này được ông Craze đưa ra dựa trên kế hoạch sản xuất trong năm mà các công ty lớn đã công bố và tính toán tỷ lệ sản xuất trung bình cho các công ty nhỏ hơn. “Spheric Research hoàn toàn tự tin về con số phân tích mà mình đưa ra nhờ vào các dữ liệu nghiên cứu rất chi tiết”, ông nói.
Báo cáo của Craze đề cập 50 dự án nuôi cá hồi di cư được phác thảo trên giấy vào năm 2021, tới nay có 25 dự án đã và đang triển khai, trong đó một nửa áp dụng mô hình nuôi RAS (công nghệ xử lý nước tuần hoàn), số còn lại khám phá các hệ thống dòng chảy hoặc tập trung vào các đối tượng nuôi khác như cá hồi không di cư và cá hồi chấm.
Nguồn: Spheric Research
Theo báo cáo, Ireland và Đan Mạch là hai quốc gia EU có sức phát triển nuôi trồng thủy sản trên cạn mạnh mẽ nhất. Ireland thành công với các dự án ứng dụng công nghệ dòng chảy, công ty Laxey là một ví dụ điển hình với năng suất 32.000 tấn cá hồi sản xuất trên cạn.
Craze chỉ ra rằng trong những yếu tố dẫn tới thành công của hoạt động nuôi trồng thủy sản trên cạn, đặc biệt tại EU và Nhật Bản, không thể thiếu sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính phủ, với những phương pháp nuôi cải tiến được ứng dụng bởi các khu vực vốn có truyền thống nghề cá lâu đời. Ngoài ra các công ty thủy sản cần thay đổi tư duy với cái nhìn nuôi trồng thủy sản là lựa chọn thay thế và là phương tiện để bảo vệ ngành khai thác.
An Vy
(Theo UCN)