3 địa phương xuất khẩu tôm lớn nhất cả nước

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Việt Nam là nước cung cấp tôm lớn thứ hai thế giới với giá trị xuất khẩu chiếm 13 – 14% tổng giá trị xuất khẩu tôm toàn thế giới. Xuất khẩu tôm Việt Nam đến khoảng 100 quốc gia và khu vực. Đóng góp trong kết quả này phải kể đến những tỉnh có kim ngạch xuất khẩu tôm lớn nhất cả nước: Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu.

Cà Mau 

Trong 3 năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu tôm của tỉnh Cà Mau luôn duy trì ở mức 1 tỷ USD. Ông Huỳnh Quốc Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết: “Sản lượng tôm thu hoạch của Cà Mau hàng năm đạt trên 250.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 1,2 tỷ USD vào năm 2022 và năm 2023. Sản phẩm tôm Cà Mau có mặt trên 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó 4 thị trường chủ lực là Mỹ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc”. Cà Mau đề ra mục tiêu đến năm 2030, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 1,65 tỷ USD. Qua đó, đưa thủy sản Cà Mau trở thành ngành kinh tế thương mại hiện đại, bền vững, giữ vị trí mũi nhọn, chủ lực chính là con tôm. 

Sóc Trăng 

Năm 2023, sản lượng tôm nuôi của tỉnh Sóc Trăng ước đạt trên 206.300 tấn, tăng gần 7,5% so cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu thủy sản, chủ yếu là tôm nước lợ của tỉnh nhiều năm liên tiếp đạt hơn 1 tỷ USD. Năm 2024, kế hoạch nuôi tôm nước lợ của tỉnh đạt 50.320 ha, sản lượng 215.000 tấn, xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Để đạt được kế hoạch trên, tỉnh sẽ phát huy vai trò của các tổ, nhóm sản xuất, tập trung hợp tác thành lập các vùng sản xuất nguyên liệu lớn theo các quy chuẩn sản xuất có trách nhiệm, an toàn VietGAP, GlobalGAP, ASC, BAP… để nâng cao chất lượng sản phẩm. 

Bạc Liêu 

Bạc Liêu được xem là thủ phủ tôm của cả nước. Dù vậy, kim ngạch xuất khẩu đối với tôm của Bạc Liêu vẫn còn thua xa Cà Mau và Sóc Trăng. Năm 2023, lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu của Bạc Liêu cán mốc 1 tỷ USD, đạt 100% kế hoạch, tăng 17,21% so cùng kỳ. Trong đó, tôm đông lạnh ước đạt hơn 973 triệu USD, đạt 100% kế hoạch, tăng 17,26% so cùng kỳ. 

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 48 nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu với dây chuyền thiết bị hiện đại và công suất chế biến thiết kế khoảng 294.000 tấn/ năm. Các sản phẩm tôm đã được chế biến đạt tiêu chuẩn và thâm nhập vào các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc và nhiều thị trường khác trên thế giới. Tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu hết đến năm 2025 xuất khẩu tôm đạt 1,3 tỷ USD và đến năm 2030 đạt 1,7 tỷ USD. 

Ngọc Diệp

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!