(TSVN) – Tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) vào sản xuất thủy sản là giải pháp cải tiến để thay thế cho những phương pháp truyền thống đang phải đối mặt nhiều thách thức như khai thác quá mức, dịch bệnh bùng phát, và suy thoái môi trường.
Thực trạng nghề cá và nuôi trồng thủy sản thế giới (SOFIA 2024) ghi nhận sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản toàn cầu đạt 223,2 triệu tấn vào năm 2022, tăng 4,4% so với năm 2020. Con số này gồm 185,4 triệu tấn thủy sản nuôi và 37,8 triệu tấn rong biển.
Hiện, ngành nuôi trồng thủy sản chỉ tập trung ở một số quốc gia gồm Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ, Việt Nam, Bangladesh, Philippines, Hàn Quốc, Na Uy, Ai Cập và Chile với tỷ trọng 89,8% tổng sản lượng toàn cầu. Tuy nhiên, nhiều quốc gia thu nhập thấp, đặc biệt là ở châu Phi và châu Á đã nỗ lực khai thác hết tiềm năng của ngành nuôi trồng thủy sản. Để mở rộng ngành nuôi trồng thủy sản bền vững, những khu vực này cần phải có chính sách trọng điểm, chuyển giao công nghệ, năng lực hạ tầng, và đầu tư có trách nhiệm, đặc biệt để thúc đẩy tăng trưởng ở những khu vực đang “khát” nguồn vốn như châu Phi.
Tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) vào sản xuất thủy sản chính là giải pháp cải tiến để thay thế cho những phương pháp truyền thống đang phải đối mặt nhiều thách thức như nạn khai thác quá mức, dịch bệnh bùng phát, và suy thoái môi trường. Với công cụ mạnh AI, ngành thủy sản có thể tăng hiệu quả, tính bền vững cùng năng suất, và trực tiếp giải quyết được những thách thức trên.
AI bao gồm công nghệ máy học, thị giác máy tính, và phân tích dự đoán, đang giúp ngành nuôi trồng thủy sản toàn cầu thay đổi hoàn toàn diện mạo. Từ tối ưu hóa sử dụng thức ăn đến giám sát sức khỏe vật nuôi và vận hành trang trại tự động, AI trở thành công cụ đắc lực giúp người nuôi thủy sản trên thế giới nâng cao sự chính xác trong sản xuất, giảm thiểu lãng phí, và hỗ trợ thực hành nuôi trồng bền vững hơn.
Thức ăn chiếm 70% chi phí nuôi trồng thủy sản. Những hệ thống AI tối ưu cho ăn, đảm bảo tôm, cá nhận được lượng thức ăn chính xác vào những khoảng thời gian tối ưu. Nhờ cảm biến và camera phân tích dữ liệu, AI điều chỉnh lịch trình cho ăn dựa theo hành vi của tôm, cá; tốc độ tăng trưởng và điều kiện môi trường; từ đó giảm thiểu lãng phí, hạ thấp chi phí sản xuất và hạn chế ô nhiễm nguồn nước.
Hãng eFishery của Indonesia đã phát triển máy cho ăn công nghệ AI để phân chia thức ăn dựa theo hoạt động của cá, từ đó giảm chi phí thức ăn tới 20% đồng thời nâng cao tỷ lệ sống cho vật nuôi.
Các đợt bùng phát dịch bệnh gây tình trạng cá tôm chết hàng loạt và gây tổn thất kinh tế nghiêm trọng. Hệ thống AI có khả năng giám sát sức khỏe của vật nuôi trong thời gian thực, phát hiện sớm các dấu hiệu dịch bệnh và stress. Thị giác máy tính phân tích hành vi của vật nuôi, màu sắc, và chuyển động bất thường, trong khi các mô hình máy học dự đoán đợt bùng phát dịch bệnh thông qua dữ liệu phân tích chất lượng nước và lịch sử sức khỏe của vật nuôi.
Nổi bật về chức năng này phải kể đến AquaCloud của một hãng công nghệ Na Uy. AquaCloud chạy trên nền tảng AI, giúp giám sát sức khỏe của cá thông qua các máy camera dưới nước và cảm biến môi trường, hỗ trợ phát hiện dịch bệnh sớm và giảm sử dụng kháng sinh.
Chất lượng nước tối ưu là điều kiện thiết yếu để đảm bảo sức khỏe và tăng trưởng của tôm, cá. Hệ thống AI giám sát các thông số chất lượng nước liên tục, gồm nhiệt độ, pH, ôxy hòa tan, và hàm lượng ammonia. Máy học dùng thuật toán phân tích những dữ liệu này để nhận biết các mẫu, dự báo tình huống có thể xảy ra, sau đó tự động điều chỉnh và tạo môi trường ổn định cho cá.
Thiết bị đứng đầu về nâng cao chất lượng nước thuộc về CageEye của một doanh nghiệp trẻ Na Uy. CageEye dử dụng nền tảng AI và cảm biến thủy âm để giám sát hành vi của cá cùng với điều kiện môi trường, từ đó cải thiện quản lý chất lượng nước và phúc lợi cá.
Robot AI và máy bay drone có khả năng thực thi những nhiệm vụ đa dạng và nguy hiểm, giúp tiết kiệm sức lao động và tăng hiệu quả sản xuất. Máy bay dưới nước là công cụ đắc lực hỗ trợ nông dân giám sát lồng nuôi cá, lưới và hạ tầng, trong khi robot thu hoạch và phân loại cá, đảm bảo một quy trình vận hành chính xác và hiệu quả.
Nền tảng quản AI quản lý nuôi trồng thủy sản tự động nổi tiếng là Umitron do Nhật Bản phát triển. Nền tảng này tích hợp dữ liệu từ drone, cảm biến, camera và tự động thực hiện các nhiệm vụ gồm cho ăn đến giám sát toàn bộ hoạt động của trang trại.
Vũ Đức
Theo Fisnews