40.000 tỷ đồng phát triển thủy sản bền vững

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Ngày 3/3/2011, Chính phủ ban hành Quyết định số 332/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản đến năm 2020. Đây được coi là yếu tố cần và đủ để đảm bảo mục tiêu phát triển thủy sản theo hướng bền vững.

Mục tiêu cơ bản

Đề án được phê duyệt trong thời điểm mà yêu cầu bức thiết đặt ra cho nuôi trồng thủy sản, bởi những lo ngại của sự phá vỡ quy hoạch vùng nuôi, vấn đề cung – cầu, chất lượng giống thủy sản, vấn đề truy xuất nguồn gốc ngày càng gay gắt… Mục tiêu phát triển của Đề án lần này tương đối cụ thể, đi trực tiếp vào các lĩnh vực đang “nóng” của nuôi trồng thủy sản như: định hướng phát triển, giống, thức ăn và thuốc thú y thủy sản…

Về định hướng, đảm bảo phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững; trở thành ngành sản xuất chủ lực cung cấp nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu, tăng thu nhập cho nông, ngư dân, đảm bảo an sinh xã hội… Cụ thể: Đến năm 2015, diện tích nuôi trồng đạt 1,1 triệu ha, sản lượng đạt 3,6 triệu tấn, giá trị xuất khẩu đạt 3,5-4 tỷ USD. Đến năm 2020, diện tích nuôi trồng đạt 1,2 triệu ha, sản lượng đạt 4,5 triệu tấn, giá trị xuất khẩu đạt 5-5,5 tỷ USD. Trong đó, cá tra đạt sản lượng khoảng 1,5-2 triệu tấn, tăng trưởng trung bình là 4,8%/năm; tôm nước lợ đạt 700.000 tấn, tăng trưởng trung bình là 5,76%/năm; nhuyễn thể đạt 400.000 tấn, tăng trưởng trung bình là 16%/năm; cá biển đạt 200.000 tấn, tăng trưởng trung bình là 14,9%/năm; cá rô phi đạt 150.000 tấn, tăng trưởng trung bình là 7,9%/năm; rong tảo biển đạt 150.000 tấn, tăng trưởng trung bình là 7,2%/năm; tôm càng xanh đạt 60.000 tấn, tăng trường trung bình là 11,6%/năm.

Nuôi trồng thủy sản hướng tới phát triển bền vững Ảnh: Dương Hùng

Về giống thủy sản, đến năm 2015, cung cấp 100% giống thủy sản cho nhu cầu nuôi; 70% giống các đối tượng nuôi chủ lực (tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra, tôm càng xanh, rô phi, nhuyễn thể) là giống sạch bệnh. Đến năm 2020, phấn đấu 100% giống các đối tượng nuôi chủ lực là giống chất lượng cao, sạch bệnh.

Về sản xuất thức ăn, chế phẩm sinh học và vật tư thiết bị phục vụ nuôi trồng thủy sản: phát triển nhanh ngành công nghiệp sản xuất thức ăn, chế phẩm sinh học, vật tư thiết bị phục vụ nuôi trồng thủy sản, gắn kết với xây dựng các vùng nuôi thủy sản nguyên liệu, đồng thời đảm bảo các sản phẩm có chất lượng cao và giá thành hợp lý. Đồng thời, việc thực hiện quy hoạch nuôi trồng thủy sản phải đảm bảo tuân thủ các quy định về điều kiện sản xuất, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, tạo mối liên kết chặt chẽ giữa nuôi trồng với chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

 

Giải pháp hiện thực hóa

Các mục tiêu được đề ra trong Đề án cụ thể, chặt chẽ, chi tiết từ vĩ mô đến vi mô và đã có nhiều giải pháp được đưa ra nhằm triển khai Đề án. Bên cạnh việc hoàn thiện quy hoạch và tổ chức thực hiện theo quy hoạch, cần phải rà soát, điều chỉnh và bổ sung quy hoạch phát triển tổng thể, quy hoạch vùng và một số đối tượng nuôi chủ lực nhằm sử dụng có hiệu quả các thế mạnh của địa phương như loại hình đất, mặt nước nuôi trồng thủy sản. Trong đó, chú trọng quy hoạch chuyển đổi từ hình thức nuôi quảng canh sang hình thức nuôi bán thâm canh, thâm canh ở vùng bán đảo Cà Mau; nuôi công nghiệp ở các vùng ven biển, vùng đất cát, vùng Châu thổ sông Hồng và ĐBSCL; quy hoạch các đối tượng nuôi chủ lực: cá tra, tôm sú, tôm thẻ chân trắng, nhuyễn thể, rô phi, các loài cá bản địa có giá trị kinh tế, các loài rong biển, vi tảo và quy hoạch các vùng sản xuất giống tập trung.

Về khoa học công nghệ và công tác khuyến ngư, cần nghiên cứu xây dựng và đưa công nghệ cao vào nuôi trồng các đối tượng chủ lực. Lựa chọn để nhập công nghệ mới, hiện đại, phù hợp với điều kiện ở Việt Nam. Bên cạnh đó, thực hiện công khai các quy hoạch nuôi trồng thủy sản, tăng cường kiểm tra việc thực hiện quy hoạch và có biện pháp xử lý đối với các trường hợp phá vỡ quy hoạch… Đồng thời, hỗ trợ nghiên cứu và nhân rộng các hình thức tổ chức sản xuất nuôi trồng thủy sản mới nhằm giảm thiểu rủi ro và phù hợp với khả năng đầu tư của nông dân.

Đặc biệt, tăng cường công tác quản lý Nhà nước như, tăng cường năng lực cho hệ thống quản lý, kiểm tra, giám sát điều kiện vùng nuôi trồng, môi trường dịch bệnh, chất lượng thức ăn… Tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm, từ ao nuôi đến thị trường tiêu thụ, trong đó doanh nghiệp thu mua, chế biến, tiêu thụ đóng vai trò hạt nhân liên kết và tổ chức chuỗi. Đồng thời, tiếp tục thực hiện đa dạng hóa nguồn vốn huy động, gắn với nguồn vốn của chương trình, dự án đã và đang triển khai. Tiếp tục thực hiện các cơ chế chính sách đã ban hành về đầu tư, tín dụng hỗ trợ các tổ chức, cá nhân sản xuất giống, sản xuất thức ăn, nuôi trồng, chế biến thủy sản.

Với những giải pháp cụ thể được đưa ra này, Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản đến năm 2020 sẽ được triển khai đồng bộ và hiệu quả, nhằm đảm bảo nuôi trồng thủy sản phát triển bền vững.

 

Ông Phạm Anh Tuấn – Phó Tổng cục trưởng thường trực Tổng cục Thủy sản: Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản đến năm 2020 là bước triển khai cụ thể Chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2020. Đề án nhằm khắc phục những hạn chế còn tồn tại của chương trình phát triển thủy sản 10 năm trước (1999-2009), đồng thời, góp phần giúp các cơ quan quản lý, nhà sản xuất biết định hướng, biết mục tiêu, giải pháp và hướng phát triển thủy sản trong 10 năm tới. Vì mặc dù là ngành có rất nhiều tiềm năng, nhưng đầu tư của Nhà nước cũng như nguồn lực xã hội cho ngành thủy sản chưa thật tương xứng. Do vậy, Đề án lần này với nguồn vốn đầu tư lớn cũng thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ hướng về phát triển ngành thủy sản.

 

Thu Hồng

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!