5 giải pháp cứu cá tra

Chưa có đánh giá về bài viết

Con đường nào để ngành xuất khẩu cá tra vượt qua những rào cản lớn, giữ vững vị trí là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của thủy sản Việt Nam trong năm 2013 cũng như những năm tiếp theo?

5 giải pháp của VASEP đưa ra mới đây đang được xem là “kim chỉ nam” giúp hoạt động sản xuất, xuất khẩu cá tra gỡ khó trong tình huống cấp bách hiện nay.

 

Ngành cá tra Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn nghiêm trọng                                  

Sắp xếp lại doanh nghiệp

 

5 giải pháp cấp bách gỡ khó cho cá tra của VASEP

1. Quy định xuất khẩu cá tra là ngành sản xuất xuất khẩu đặc thù và có điều kiện.

2. Kiến nghị về việc cho vay phục vụ nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra theo Công văn số 1149/TTg-KTN của Thủ tướng Chính phủ.

3. Thực hiện giãn nợ và cơ cấu lại nợ cho các doanh nghiệp cá tra, chuyển đổi vốn vay ngắn hạn đã sử dụng đầu tư vào nuôi cá sang trung hạn; Cơ cấu lại nguồn vay để tăng phân bổ cho vay trung hạn cho mục đích nuôi cá tra; Tăng cường hỗ trợ vốn tín dụng ngắn hạn, tăng hạn mức và tiếp tục cho vay theo nhu cầu doanh nghiệp để duy trì nuôi và chế biến xuất khẩu cá tra.

4. Tăng cường quản lý việc sử dụng các chất phụ gia tăng trọng, tỷ lệ mạ băng sản phẩm cá tra xuất khẩu theo chuẩn mực quốc tế; Xây dựng lộ trình tiến tới không sử dụng phụ gia tăng trọng đối với sản phẩm cá tra xuất khẩu.

5. Ưu tiên dành ngân sách thực hiện các dự án lớn và chuyên nghiệp về xúc tiến thương mại phát triển cá tra trong năm 2013 và những năm tới.

Ngành cá tra đang phải đối mặt nhiều khó khăn nghiêm trọng vì thiếu vốn, nguyên liệu, thị trường thu hẹp, quy hoạch bất hợp lý. Nếu không có các giải pháp kịp thời, trong năm nay sẽ có 20 – 30% doanh nghiệp cá tra bị phá sản, chuỗi sản xuất của ngành hàng cá tra bị thu hẹp, ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống hàng nghìn người dân.

Trước tình hình trên, VASEP đã kiến nghị Chính phủ quy định ngành sản xuất, xuất khẩu cá tra là ngành đặc thù và có điều kiện, nhằm phát huy năng lực sản xuất hàng hóa có trách nhiệm, tạo dựng lại niềm tin của khách hàng và trả lại giá trị thực của cá tra Việt Nam.

Để làm được điều trên thì việc thanh lọc những doanh nghiệp có nhà máy đủ điều kiện đảm bảo VSATTP mới được trực tiếp xuất khẩu cá tra là hết sức cần thiết. Bởi chỉ như vậy mới có thể nâng cao hiệu suất đầu tư nhà máy chế biến hiện nay đối với sản phẩm cá tra. Đồng thời, hạn chế bớt những công ty không có cơ sở sản xuất tổ chức gia công hoặc tổ chức chế biến ở những nơi không đảm bảo VSATTP, nhưng trà trộn vào những sản phẩm đạt chuẩn, làm mất uy tín sản phẩm cá tra Việt Nam.

“Hoạt động phải theo đúng chức năng từng đơn vị. Anh xây ra nhà máy sản xuất thì anh phải chịu trách nhiệm chất lượng của sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Do đó, cần phải có một quy định về vấn đề sản xuất thì sẽ hợp lý hơn” – Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP đề nghị.

 

Nới dòng tín dụng

Một trong những điểm nghẽn khiến ngành công nghiệp cá tra rơi vào tình trạng khó khăn như hiện nay là thiếu vốn. Bởi thế, giải pháp được cho là quan trọng nhất giúp ngành cá tra thoát khỏi tình trạng hiện nay vẫn là giải quyết các vấn đề về vốn.

Trước kia, 70% sản lượng nguyên liệu cá tra do nông dân nuôi; nay tỷ lệ này thuộc về doanh nghiệp, nhưng những doanh nghiệp này đang bị kẹt vốn; trong khi đó, chính sách tín dụng để khuyến khích chuyển đổi sang mô hình này chưa có. Theo Ngân hàng Nhà nước, đến tháng 9/2012 đã có trên 38.200 tỷ đồng được cho vay để phục vụ nuôi trồng, tiêu thụ cá tra. Dư nợ cho vay đạt trên 20.700 tỷ đồng, tăng 14% so với cuối năm 2011. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều người nuôi và doanh nghiệp vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi này nên tình trạng người nuôi “treo ao”, doanh nghiệp phá sản ngày càng phổ biến.

Để giải quyết vấn đề này, theo VASEP, các tổ chức tín dụng cần thực hiện giãn nợ, cơ cấu lại nợ cho các doanh nghiệp cá tra thật sự có năng lực sản xuất và xuất khẩu, chuyển đổi vốn vay ngắn hạn đã sử dụng đầu tư vào nuôi cá sang vốn vay trung hạn. Đồng thời, tăng cường hỗ trợ vốn tín dụng ngắn hạn, tăng hạn mức và tiếp tục cho vay theo nhu cầu doanh nghiệp để duy trì nuôi và chế biến xuất khẩu cá tra; Đồng thời đề nghị thí điểm mở rộng hạn mức tín dụng cho 20 doanh nghiệp hàng đầu, chiếm hơn 60% tổng giá trị xuất khẩu cá tra.

Bên cạnh đó, VASEP cũng đề nghị Bộ NN&PTNT rà soát lại và sửa đổi các quy định hiện hành do Bộ ban hành, nhằm tăng cường các chế tài về hạn chế sử dụng chất phụ gia tăng trọng đối với cá tra xuất khẩu theo chuẩn mực quốc tế; Quy định việc phải công khai tỷ lệ thủy phần (nước trong cá) và tỷ lệ mạ băng (tỷ lệ đá) trên nhãn mác sản phẩm cá tra fillet đông lạnh xuất khẩu, trước hết là sang thị trường EU và Mỹ; Chỉ đạo và ưu tiên dành ngân sách thực hiện các dự án lớn và chuyên nghiệp về xúc tiến thương mại phát triển cá tra trong năm 2013 và những năm tới.

Hy vọng những giải pháp VASEP kiến nghị tới Chính phủ sẽ mau chóng được thực hiện để tháo gỡ khó khăn trước mắt và ổn định lâu dài cho sự phát triển bền vững ngành cá tra đầy tiềm năng của Việt Nam.

>>   “Chính phủ đã có Công văn 1149 tháo gỡ chính sách tín dụng cho ngành cá tra. Tuy nhiên, qua khảo sát, người dân, nhất là những hộ nuôi nhỏ lẻ chưa được hưởng lợi từ chính sách này. Những hộ nuôi nhỏ lẻ cần tổ chức lại thành HTX, tổ hợp tác bắt tay với doanh nghiệp để đẩy mạnh xuất khẩu cá tra” – Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám.

Lan Uyên

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!