5 thách thức năm 2021

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Ngành tôm đang đối mặt vô số thách thức, nghiêm trọng nhất là dịch bệnh, thức ăn, ô nhiễm môi trường, thị trường và các vấn đề đầu tư. Rất may, nhận thức của người nuôi tôm trước các vấn đề này ngày càng được nâng cao.

Cải tiến gen di truyền, dinh dưỡng, quản lý sức khỏe vật nuôi, hệ thống sản xuất và đầu tư tiếp tục là những vấn đề được quan tâm nhiều nhất của ngành tôm. Trong đó, công nghệ nuôi tôm, chủ yếu là các hệ thống quảng canh đến bán thâm canh vẫn còn rất nhiều tiềm năng để cải tiến hơn nữa nhằm nâng cao hiệu quả nuôi tôm. Cạnh đó, các kiến thức về nhu cầu dinh dưỡng của tôm nuôi nhìn chung tương đối đầy đủ, song còn nhiều lĩnh vực vẫn có thể được phát triển thêm. Dưới đây là 5 thách thức chính của ngành tôm theo nhận định của Liên minh NTTS toàn cầu (GAA).

1. Dịch bệnh

Dịch bệnh chính là một trong những thách thức quan trọng nhất mà ngành tôm đang phải đối mặt hiện nay. Từ thập kỷ trước, ngành tôm toàn cầu đã chứng kiến sự xuất hiện của 2 dịch bệnh mới và rất nghiêm trọng gồm EMS/AHPND do vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus gây ra và bệnh vi bào tử trùng do một loại ký sinh trùng nội bào tử gây ra Enterocytozoon hepatopenaei, hay EHP. Sau nhiều năm bị tàn phá, Thái Lan và nhiều quốc gia khác cũng đã tìm ra cách quản lý thành công các dịch bệnh mới này.

Dịch bệnh được ví như một phần của ngành tôm và nó còn đeo bám dai dẳng. Nhưng nếu nắm bắt được những công nghệ hỗ trợ quản lý dịch bệnh như phát triển cải tiến di truyền, lựa chọn vật nuôi, chế độ dinh dưỡng thì mối lo dịch bệnh cũng có thể được đẩy lùi.

2. Dinh dưỡng

Nguồn cung thành phần thức ăn thủy sản là một trong những thách thức lớn nhất của ngành tôm. Nhu cầu thức ăn thủy sản tăng cao đáng kể suốt 3 thập kỷ gần đây. Theo FAO, hoạt động nuôi và sản xuất các loài tôm, cá tăng mạnh trong khi sản lượng thức ăn thủy sản chỉ chiếm 4% trong số hơn 1 triệu tấn tổng sản lượng thức ăn chăn nuôi toàn cầu. Ngành dinh dưỡng đã phải tính đến nhiều giải pháp kết hợp để khắc phục tình trạng thiếu nguồn cung như sử dụng cây nông nghiệp làm thức ăn (đậu tương, khô cải…); phụ phẩm chăn nuôi và thành phần mới như vi khuẩn, côn trùng…

Khối kiến thức về các nhu cầu dinh dưỡng của tôm vẫn đang tiếp tục được mở rộng, với sự hiểu biết tốt hơn về sức khỏe đường ruột. Các thành phần thức ăn mới và quy trình chế biến thức ăn cải tiến, thức ăn chức năng quản lý mùa, stress, miễn dịch… với cải tiến quản lý thức ăn gồm cho ăn chính xác và hệ thống cho ăn tự động đang ngày càng được quan tâm.

3. Cải tiến di truyền

Cải tiến các dòng tôm là mối quan tâm hàng đầu của những hãng nuôi tôm có tầm nhìn xa; nhưng đây cũng là một thách thức không nhỏ của ngành tôm trong tương lai. Các loài tôm nuôi vẫn còn nhiều tiềm năng để nâng cao tỷ lệ cải tiến di truyền gen thông qua những công nghệ cũ và mới như công nghệ gen di truyền truyền thống gồm chọn lọc nhân tạo, chọn lọc gen di truyền dựa vào hệ gen và công cụ chỉnh sửa hệ gen cải tiến hơn như CRISPR/Cas9 và TALEN. Tất cả công nghệ này có thể giúp tạo ra những dòng tôm đạt tính trạng tốt về tốc độ tăng trưởng, sức đề kháng và nhiều tính trạng mong muốn khác.

Thời gian của mỗi thế hệ tôm tương đối ngắn nên đã giúp ích rất nhiều cho các nỗ lực chọn lọc nhân tạo. Sự phát triển các dòng tôm cải tiến sạch bệnh (SPF), kháng bệnh (SPR) và chọn lọc để cải thiện hiệu suất trong các môi trường nuôi đặc biệt sẽ tiếp tục được chú trọng, cũng như tăng ứng dụng của các môn khoa học nghiên cứu về các chức năng và sự tương tác của các gen, di truyền học dinh dưỡng và protein học.

4. Sức khỏe vật nuôi

Tôm khỏe mạnh hơn là điều hoàn toàn có thể thực hiện được thông qua công cụ an toàn sinh học từ quản lý ao nuôi đến vùng nuôi. Những lĩnh vực khác cần cải tiến để nâng cao sức khỏe vật nuôi gồm phát hiện mầm bệnh tốt hơn; sử dụng hiệu quả chế phẩm sinh học; chất kích thích miễn dịch và phát triển vaccine. Còn nhiều tiềm năng cải tiến các công nghệ nuôi bằng cách tăng cường tái sử dụng nước cùng với chiến lược nuôi đa pha kết hợp hệ thống ương tôm. Các trại giống tôm cần phải xử lý tốt hơn các vấn đề sản xuất thức ăn sống, như tăng cường tỷ lệ thay thế thức ăn sống và nâng cao an toàn sinh học. Còn các trại nuôi tôm thương phẩm có nhiệm vụ giảm thời gian nuôi qua chọn lọc nhân tạo, cải tiến quản lý sản xuất, hiệu quả, an toàn sinh học, quản lý sức khỏe và tỷ lệ sống của tôm.

5. Thị trường

Thị trường tôm toàn cầu được kỳ vọng mở rộng, nhưng đó cùng là một thách thức bởi điều kiện cần phải có là nguồn cung ổn định và chất lượng, cùng như nhiều sản phẩm tiện lợi, giá trị gia tăng. COVID-19 và những thay đổi trên thị trường tôm năm qua đã chứng minh điều này. Dù kênh dịch vụ ẩm thực chưa phục hồi hoàn toàn do dịch bệnh gây ra, nhưng giành lấy thị phần trong kênh tiêu thụ này, đặc biệt là lĩnh vực thức ăn nhanh được coi là chìa khóa để mở rộng tiêu thụ và nâng cao nhu cầu đối với mặt hàng tôm trong dài hạn. Cùng đó, cũng không quên bỏ qua thị trường nội địa.

Châu Á, châu Phi, Trung Đông… là những thị trường tiềm năng mới của mặt hàng tôm. Tiếp cận các thế hệ người tiêu dùng mới và biến họ trở thành lực lượng tiêu thụ chính trên thị trường là nhiệm vụ quan trọng; cũng như đáp ứng kỳ vọng của người tiêu dùng về bền vững, trách nhiệm và an toàn, dinh dưỡng của sản phẩm. Vượt qua một năm biến động do COVID-19, sản xuất tôm toàn cầu sẽ tiếp tục mở rộng một cách hiệu quả hơn về sản xuất và tiếp thị. Các dòng tôm lớn nhanh, kháng bệnh hiệu quả được phát triển phục vụ các điều kiện nuôi đặc biệt, cũng như cải tiến các đặc tính của sản phẩm (như hàm lượng chất béo omega-3 cao hơn) sẽ là một điểm cộng cho sản phẩm tôm khi tiếp thị đến tay khách hàng.

Vũ Đức

Theo GAA

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!