(TSVN) – Theo số liệu thống kê của ITC, nhu cầu nhập khẩu mặt hàng thủy sản của một số thị trường lớn như Mỹ và Hàn Quốc bắt đầu có tín hiệu phục hồi, trong khi nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc, Nhật Bản vẫn giảm mạnh.
Nhập khẩu mặt hàng thủy sản của một số thị trường lớn có tín hiệu phục hồi. Ảnh: ST
Năm 2023, EU là thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất thế giới. Theo thống kê của ITC, trong 8 tháng đầu năm 2023, nhập khẩu thủy sản của EU từ thị trường ngoài khối đạt 23,04 tỷ USD, giảm 2,1% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, với mức giảm mạnh, Việt Nam xuống vị trí là thị trường cung cấp thủy sản lớn thứ 8 cho EU trong 8 tháng đầu năm 2023, sau Na Uy, Ecuador, Moroc, Anh, Trung Quốc, Ailen và Ấn Độ, đạt 652 triệu USD, giảm 31,1% so với cùng kỳ năm 2022, mức giảm mạnh nhất trong 10 thị trường cung cấp thủy sản lớn nhất cho EU. Thị phần thủy sản Việt Nam trong tổng nhập khẩu từ các thị trường ngoài khối của EU giảm từ 4% trong 8 tháng đầu năm 2022 xuống 2,8% trong 8 tháng đầu năm 2023.
Mỹ là thị trường nhập khẩu thủy sản lớn thứ 2 thế giới, đạt 21,75 tỷ USD trong 10 tháng năm 2023, giảm 16,3% so với cùng kỳ năm 2022. Trong các tháng gần đây, tốc độ giảm trị giá nhập khẩu thủy sản của Hoa Kỳ chậm lại đáng kể, chỉ ở mức 5,5 – 5,6% trong tháng 9 và 10/2023. Việt Nam là thị trường cung cấp thủy sản lớn thứ 6 cho Mỹ, sau Canada, Chile, Ấn Độ, Indonesia, Ecuador. Đáng chú ý, tháng 10/2023, Mỹ tăng mạnh nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam, tăng 138% về lượng và tăng 24,76% về trị giá so với tháng 10/2022, đạt 46,9 nghìn tấn, trị giá 188,13 triệu USD. Tính chung 10 tháng năm 2023, nhập khẩu thủy sản của Mỹ từ Việt Nam đạt 162,4 nghìn tấn, trị giá 1,36 tỷ USD, giảm 0,64% về lượng và giảm 29,48% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022, chiếm 9,96% về lượng và 6,26% về trị giá trong tổng nhập khẩu của Mỹ.
Thị trường Trung Quốc ngày càng nhập khẩu nhiều thủy sản từ các nước. Thị trường này giữ vị trí quan trọng đối với các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam. Những năm gần đây, Trung Quốc nằm trong top 3 thị trường nhập khẩu thủy sản Việt Nam, chỉ đứng sau Mỹ và Nhật Bản. Năm 2023, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc sụt giảm vì giá xuất khẩu giảm nhưng triển vọng và dư địa ở thị trường này vẫn rộng mở đối với các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản. Theo VASEP, Trung Quốc đang là thị trường xuất khẩu trụ cột của nhiều sản phẩm thủy sản Việt Nam. Trong đó, cá tra xuất khẩu sang Trung Quốc luôn chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trung Quốc cũng trong Top 5 thị trường nhập khẩu nhiều tôm của Việt Nam.
Tại thị trường Nhật Bản, bên cạnh là thị trường nhập khẩu lớn thứ tư của thế giới thì Nhật Bản cũng đang ra sức đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản của nước này. Theo Bộ Thủy sản Nhật Bản, xuất khẩu thủy sản của nước này trong tháng 10/2023 đạt 25 tỷ yên, tương đương 170 triệu USD, giảm 28% so với năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu thủy sản của Nhật Bản đến Trung Quốc giảm hơn 80%. Trong khi đó, xuất khẩu thủy sản của Nhật Bản sang Mỹ tăng 18% so với cùng kỳ năm 2022, với sản phẩm dẫn đầu là sò điệp. Bộ Thủy sản Nhật Bản có kế hoạch mời các doanh nghiệp nhập khẩu từ các nước như Canada và Singapore đến thăm các nhà máy ở Nhật Bản trong tháng 12/2023 để mở rộng thị trường xuất khẩu thủy sản.
Trong tháng 10/2023, nhập khẩu thủy sản của Hàn Quốc đạt 102,51 nghìn tấn, trị giá 451,4 triệu USD, giảm 18,8% về lượng và giảm 8,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung 10 tháng năm 2023, nhập khẩu thủy sản của Hàn Quốc đạt 1,09 triệu tấn, trị giá 4,873 tỷ USD, giảm 17,6% về lượng và giảm 8,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Kinh tế tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn khiến nhu cầu nhập khẩu thủy sản của nước này chưa có dấu hiệu phục hồi.
Trung Quốc, Nga và Việt Nam là 3 thị trường cung cấp thủy sản lớn nhất cho Hàn Quốc trong tháng 10 và 10 tháng đầu năm 2023. Trong khi nhập khẩu từ Việt Nam tăng, Hàn Quốc giảm mua từ Nga và Trung Quốc. Dự báo, nhu cầu nhập khẩu thủy sản của Hàn Quốc cuối năm 2023 và tháng 1/2024 sẽ dần phục hồi khi nhu cầu tiêu dùng cho các kỳ nghỉ lễ đón năm mới tăng lên.
Anh Vũ
(Theo Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương)