T6, 20/01/2023 01:24

5 thị trường nhập khẩu tôm hàng đầu

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Tính tới tháng 11/2022, xuất khẩu tôm của Việt Nam đã vượt kim ngạch xuất khẩu của cả năm 2021, đạt hơn 4 tỷ USD, tăng 13% so cùng kỳ năm 2021. Cả năm 2022, ước tính xuất khẩu tôm sẽ đạt khoảng 4,1 – 4,2 tỷ USD, tăng 13% so năm 2021. Trong đó, các thị trường nhập khẩu chính của tôm Việt Nam là: CPTPP, Mỹ, EU, Trung Quốc và Hàn Quốc…

  1. CPTPP

CPTPP là thị trường xuất khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam, chiếm 28,8% tổng giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam đi các thị trường. Tính tới tháng 11 năm nay, xuất khẩu tôm Việt Nam sang khối thị trường CPTPP đạt gần 1,2 tỷ USD, tăng 26,6% so cùng kỳ.

Xuất khẩu tôm Việt Nam sang các thị trường chính trong khối CPTPP có xu hướng tăng trưởng tốt, đặc biệt khi Hiệp định CPTPP được thực thi. Top 3 thị trường nhập khẩu đơn lẻ lớn nhất trong khối lần lượt là Nhật Bản, Australia và Canada.

Cụ thể, Nhật Bản là thị trường nhập khẩu tôm Việt Nam lớn nhất trong khối CPTPP. Tính tới tháng 11 năm nay, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Nhật Bản ước đạt 628,7 triệu USD, tăng 17,7% cùng kỳ năm ngoái.

Xuất khẩu tôm Việt Nam sang Australia ước đạt trên 246,5 triệu USD, tính tới tháng 11 năm nay, tăng 49,7% so cùng kỳ năm 2021. Xuất khẩu tôm sang quốc gia này tăng trưởng mạnh, tỷ lệ giá trị gia tăng cao nhất so với các nước trong khối CPTPP. Tôm Việt Nam hiện là một trong những nguồn cung tôm lớn nhất vào Australia. Đây là thị trường tiềm năng của tôm Việt.

Canada là thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ ba của Việt Nam trong khối CPTPP. Tính tới tháng 11 năm nay, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Canada đạt 216,6 triệu USD, tăng 30,1% so cùng kỳ năm 2021. Canada cũng là quốc gia có thu nhập người dân cao, xu hướng nhập khẩu tôm nước ấm từ châu Á của thị trường này tăng nên cơ hội cho xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường này còn nhiều.

Ảnh: Carlos

  1. Mỹ

Tháng 11/2022, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ đạt 41 triệu USD, giảm 55% so cùng kỳ. Lũy kế 11 tháng của năm 2022, xuất khẩu tôm sang Mỹ đạt hơn 773 triệu USD, giảm 21% so cùng kỳ năm 2021.

Theo số liệu của Cục Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA), tháng 10/2022, Mỹ nhập khẩu 69.767 tấn tôm, trị giá 633,99 triệu USD, giảm 18% về khối lượng và 22% về giá trị so cùng kỳ năm 2021. Đây là tháng thứ ba liên tiếp, nhập khẩu tôm vào Mỹ ghi nhận giảm. Tính lũy kế tới tháng 10/2022, nhập khẩu tôm của Mỹ đạt 715.711 tấn, trị giá 6,7 tỷ USD, giảm 2% về lượng và giảm 4% về giá trị so cùng kỳ 2021.

Nguyên nhân khiến nhập khẩu tôm vào Mỹ giảm là do tồn kho còn nhiều. Doanh số bán lẻ và dịch vụ thực phẩm đều chậm, các hãng bán lẻ đôi khi còn yêu cầu hoãn giao hàng. Mặc dù tồn kho cao, nhưng giá tôm tại Mỹ không giảm do các nhà bán buôn chưa muốn bán ra vì chưa được giá. Theo VASEP, nhu cầu nhập khẩu tôm Việt Nam của thị trường Mỹ có thể khá hơn sau quý đầu năm 2023 khi tồn kho giảm bớt và tình hình kinh tế tích cực hơn.

  1. EU

Xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU đạt 37 triệu USD trong tháng 11/2022, giảm 44% so cùng kỳ. Xuất khẩu sang các thị trường đơn lẻ chính trong khối đồng loạt giảm 2 con số. Lũy kế 11 tháng, xuất khẩu sang thị trường EU đạt 655 triệu USD, tăng 19%.

Xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU bắt đầu giảm từ tháng 10 năm nay. Lạm phát tại đây cao kỷ lục, khủng hoảng giá năng lượng, biến động tỷ giá ảnh hưởng tới chi phí lưu kho và tổ chức tiêu thụ.

Xuất khẩu sang 4 thị trường chính trong khối (Đức, Hà Lan, Bỉ, Pháp) đồng loạt giảm ở mức 2 con số. Bất ổn về kinh tế, chính trị và xu hướng tăng giá hàng hóa, đặc biệt là giá năng lượng đã tác động tiêu cực tới nhu cầu nhập khẩu từ thị trường EU trong những tháng gần đây. Mặc dù đang giai đoạn cuối năm, nhưng xuất khẩu tôm trong 2 tháng tới khó giữ được tăng trưởng như những tháng trước vì nhu cầu trên thị trường ngày càng sụt giảm, nguồn nguyên liệu khó khăn và chi phí sản xuất thì vẫn cao, trong khi doanh nghiệp và người nuôi thì thiếu vốn để quay vòng đầu tư sản xuất – chế biến xuất khẩu.

  1. Trung Quốc và Hồng Kông

Tháng 11/2022, trong khi xuất khẩu sang hầu hết các thị trường chính đều giảm, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc vẫn ghi nhận tăng. Xuất khẩu tôm Việt sang Trung Quốc trong tháng này đạt hơn 68 triệu USD, tăng 88%. Lũy kế 11 tháng, giá trị xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt gần 616 triệu USD, tăng 63% so cùng kỳ năm 2021.

Từ đầu tháng 12, chính quyền Trung Quốc đã có những động thái nới lỏng chính sách “Zero COVID”. Trong đó, Trung Quốc đang hủy bỏ quy trình xét nghiệm đối với thủy sản nhập khẩu, giúp rút ngắn thời gian chờ thông quan và chi phí nhập khẩu cho các nhà nhập khẩu của Trung Quốc. Điều này được kỳ vọng làm tăng nhu cầu nhập khẩu và tiêu thụ hàng hóa của nước này. Đây cũng là tin tích cực đối với các nguồn cung cấp tôm cho Trung Quốc trong đó có Việt Nam. Xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc dự kiến vẫn tăng trong tháng cuối cùng của năm nay. Trong tháng 11, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao nhất trong top 5 thị trường nhập khẩu chính tôm của Việt Nam.

Sản lượng tôm nội địa của Trung Quốc sụt giảm do thời tiết bất lợi, dịch bệnh trên tôm ở một số khu vực sản xuất tôm chính. Nhu cầu nhập khẩu tôm tăng để phục vụ lễ hội Trung thu, ngày Quốc Khánh, và dịp Tết nguyên đán khiến Trung Quốc tăng cường nhập khẩu tôm trong những tháng vừa qua.

Theo Hải quan Trung Quốc, tháng 10/2022, nhập khẩu tôm của Trung Quốc đạt 80.000 tấn, giảm so với mức 87.000 tấn nhập khẩu trong tháng 9. Nguyên nhân là do sụt giảm nhu cầu theo mùa sau khi tăng cường dự trữ cho Tết nguyên đán. Nhu cầu nhập khẩu dự kiến tăng mạnh trở lại sau Tết Nguyên đán.

  1. Hàn Quốc

Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, tính tới 15/11/2022, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Hàn Quốc đạt gần 422 triệu USD, tăng 33% so cùng kỳ năm 2021. Xuất khẩu tôm Việt Nam sang Hàn Quốc tăng trưởng khá tốt từ đầu năm với các mức tăng trưởng dương liên tục từ tháng 1 đến tháng 9, giá trị xuất khẩu trong tháng 10 giảm nhẹ 1% trong bối cảnh doanh nghiệp phải đối mặt với rất nhiều khó khăn như lạm phát toàn cầu tăng cao, đơn hàng giảm, thiếu vốn sản xuất…

Xuất khẩu tôm Việt Nam sang Hàn Quốc trong năm 2022 có phần sôi động hơn so với năm 2021 nhờ lợi thế khoảng cách gần. Cũng giống như thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc là thị trường được doanh nghiệp ưu tiên xuất khẩu trong bối cảnh cước vận tải tăng cao, lạm phát tăng kỷ lục và nhu cầu giảm tại các thị trường Mỹ, EU.

Bên cạnh đó, tôm Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc được hưởng ưu đãi theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA) với hạn ngạch miễn thuế đạt 15.000 tấn mỗi năm.

Theo Trung tâm Thương mại Thế giới (ITC), 10 tháng đầu năm 2022, nhập khẩu tôm của Hàn Quốc đạt hơn 819 triệu USD, tăng 19% so cùng kỳ 2021. Trên thị trường Hàn Quốc, Việt Nam chiếm thị phần cao nhất 45% trong khi các nguồn cung đối thủ như Trung Quốc, Thái Lan, Ecuador lần lượt chiếm thị phần 7,9%; 7,7% và 6,4% trong tổng giá trị nhập khẩu tôm của Hàn Quốc.

Tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc trong thời gian tới dự báo tốt hơn do căng thẳng địa chính trị giảm bớt và việc Trung Quốc nới lỏng chính sách “Zero COVID”. Đây cũng là tín hiệu tốt để Việt Nam tăng xuất khẩu tôm sang thị trường này.

Anh Vũ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!