2015 được coi là một năm thất thu của ngành thủy sản; sản xuất khó khăn, giá sản phẩm liên tục giảm, thị trường bất ổn khiến người nuôi lỗ nhiều hơn lãi, ao đầm “treo” nhiều. Điều này tác động xấu tới xuất khẩu và có thể làm chậm nhịp tăng trưởng trong năm 2016.
Sản xuất nhiều rủi ro
Hiện nay, giống thủy sản ở Việt Nam nhìn chung vẫn chưa đảm bảo chất lượng, nhất là tôm giống. Nguyên nhân là do nhiều cơ sở sản xuất chưa thực hiện đầy đủ quy trình sản xuất sạch bệnh. Công tác kiểm dịch còn nhiều bất cập, chưa chặt chẽ… Điều này lý giải vì sao tỷ lệ nuôi trồng ở Việt Nam luôn thấp. Với con tôm, trong khi tỷ lệ thành công ở nhiều nước trên 70% thì Việt Nam 30 – 40%.
Trong năm 2015, cả nước có khoảng 56.253 ha nuôi trồng và 31.500 lồng, bè, vèo nuôi các loại thủy sản bị thiệt hại, đều tăng so với năm 2014. Trong đó, nặng nhất là tôm nuôi nước lợ, khoảng 52.020 ha. Và mặc dù diện tích tôm bị dịch bệnh giảm gần 50% so với năm ngoái (chỉ còn khoảng 15.800 ha), tuy nhiên, thời tiết và môi trường gây nhiều tác động lớn cho nuôi tôm, khiến nhiều diện tích nuôi trở thành vùng “trắng”.
Một vấn đề nữa là giá thức ăn thủy sản. Lĩnh vực này gần như vẫn bị buông lỏng, cả về giá và chất lượng. Nuôi trồng không mấy suôn sẻ nhưng giá thức ăn thủy sản vẫn có xu hướng tăng. Để giải quyết vấn đề này, đã có nhiều giải pháp đưa ra, tuy nhiên tất cả đều chung nhận định, Nhà nước phải tăng cường vai trò quản lý và dẹp bỏ bớt khâu trung gian.
Giá cả bất ổn
Tại ĐBSCL, những tháng giữa năm giá tôm nguyên liệu liên tục giảm mạnh. Thời điểm đó tại Bạc Liêu, tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg được thương lái thu mua tại ao với giá 75.000 đồng/kg, giảm khoảng 25.000 đồng/kg so với tháng 4/2015. Còn tôm sú loại 20 – 40 con/kg giá từ 155.000 đến 230.000 đồng/kg, giảm bình quân 30.000 đồng/kg so với 3 tháng trước đó và giảm gần 50.000 đồng so với đầu năm 2015. Với giá này, nhiều người nuôi không có lãi, thậm chí lỗ nặng.
Tại Quảng Nam, cỡ tôm thông thường 100 con/kg cũng chỉ còn 70.000 đồng/kg khiến người nuôi hết hy vọng. Ông Nguyễn Giúp, Chủ tịch UBND xã Tam Tiến (Núi Thành) khẳng định: Giá thành nuôi tôm theo hướng công nghiệp thường chiếm hơn 2/3 giá trị thu được. Nay giá tôm thương phẩm giảm hơn 50% thì người nuôi rất khó có lãi. Nếu nông hộ nào không biết tiết kiệm các khoản chi phí thì chỉ hòa vốn nếu nuôi tôm đạt.
Nhiều người nuôi cố “neo” tôm chờ giá, nhưng mọi chuyện không như mong muốn. Bởi cùng với giá nguyên liệu giảm, nắng nóng kéo dài khiến dịch bệnh trên tôm nuôi diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, giá đầu vào đồng loạt tăng làm người nuôi tôm đã khó càng khó. Trung bình giá thức ăn tôm tăng 800 đồng/kg; giá phân bón, thuốc thú y thủy sản tăng 9 – 10%. Và mặc dù cuối năm, giá thu mua tôm các loại đã tăng nhẹ trở lại, tuy nhiên, lợi nhuận cuối này vẫn không thể bù đắp thiệt hại cho những mùa vụ trước đó.
Với cá tra, diện tích nuôi tại ĐBSCL bị thu hẹp do hàng loạt hộ nuôi bỏ nghề nhưng cá tra vẫn khó tiêu thụ. Giá cá tra nguyên liệu chỉ quanh 20.000 đồng/kg, người nuôi lỗ 2.000 – 3.000 đồng/kg, chưa kể bị doanh nghiệp chiếm dụng vốn kéo dài khiến nhiều nông dân thêm điêu đứng.
Năm qua, giá cá tra nguyên liệu giảm mạnh – Ảnh: Ngọc Trinh
Nhập khẩu nguyên liệu tăng mạnh
Năm 2015, giá trị nhập khẩu thủy sản cả nước khoảng 1,05 tỷ USD, giảm 1,3% so với năm 2014. Mặc dù khối lượng và giá trị nhập khẩu có ít hơn năm trước, tuy nhiên, nếu so với tình hình sản xuất khó khăn của ngành trong năm qua thì rõ ràng con số này vẫn đáng phải suy ngẫm. Trong đó, mặt hàng tôm nhiều nhất.
11 tháng đầu năm, các doanh nghiệp đã nhập khẩu hơn 34.000 tấn tôm nguyên liệu. Năm nay, nguyên nhân chỉ có một, là giá. Theo các doanh nghiệp, giá tôm nguyên liệu Việt Nam đang cao hơn nước khác 1 – 3 USD/kg. Việc doanh nghiệp đẩy mạnh nhập khẩu đã khiến giá tôm nguyên liệu trong nước liên tục giảm, người nuôi tiếp tục thua lỗ.
Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta (Sóc Trăng) cho biết, giá tôm nguyên liệu tại Ấn Độ thấp hơn Việt Nam khoảng 2 USD/kg, tương đương 40.000 – 43.000 VND/kg. Do vậy, dễ hiểu vì sao doanh nghiệp cứ tăng nhập khẩu tôm, cho dù nguồn cung trong nước không thiếu.
Nhiều doanh nghiệp phải nhập tôm nguyên liệu để chế biến – Ảnh: An Đăng
Thị trường trắc trở
Theo VASEP, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước ước đạt 6,7 tỷ USD, giảm 14,5% so cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu tôm chỉ đạt 3 tỷ USD, giảm 25%; cá tra ước đạt 1,6 tỷ USD, giảm 10%. Nguyên nhân là do tiêu thụ kém và biến động tỷ giá làm cho thủy sản Việt Nam rơi vào vòng xoáy giảm giá trên thị trường thế giới từ đầu năm đến nay.
Các nhà nhập khẩu tìm cách ép giá khiến xuất khẩu cá tra năm nay càng ảm đạm, lại thêm áp lực từ thuế chống bán phá giá giai đoạn POR10 và POR11 với mức thuế cao, nên cá tra không còn cơ hội tăng trưởng trở lại.
Mặt khác, hàng thủy sản Việt Nam xuất khẩu chủ yếu giao dịch bằng USD. Làn sóng mất giá và thả nổi giá nội tệ so với USD ở các thị trường và các nước sản xuất chính khiến hàng thủy sản của Việt Nam càng khó cạnh tranh. Tỷ giá giữa VND và USD đã được điều chỉnh nhưng vẫn không đáng kể. Điều này khiến sản phẩm thủy sản Việt Nam đắt, kém sức cạnh tranh so với Thái Lan, Ấn Độ…
Ngoài ra, thời gian qua không ít thị trường xuất khẩu của Việt Nam nâng hàng rào kỹ thuật, gây thêm khó. Đồng thời, một số đối thủ cạnh tranh đã tham gia thị trường mạnh hơn, tăng áp lực cho hàng Việt Nam xuất khẩu.
Báo động chất lượng
10 tháng đầu năm 2015, cả nước có trên 8.000 tấn thủy sản xuất khẩu bị trả về. Nguyên nhân chủ yếu là sản phẩm nhiễm kháng sinh, vi sinh vật gây hại vượt mức cho phép; nhiễm các mầm bệnh trên tôm như đốm trắng, đầu vàng… thuộc danh mục phải công bố dịch theo quy định của Tổ chức Thú y Thế giới.
Tại thị trường Nhật Bản, 9 tháng đầu năm 2015 đã 27 lô hàng thủy sản Việt Nam bị cảnh báo nhiễm kháng sinh, tăng 6 lô so với năm 2014. Số lô hàng bị cảnh báo chỉ tiêu kháng sinh cấm vượt ngưỡng cho phép tăng 2,5 – 2,7 lần so năm ngoái. Điều này khiến Nhật áp dụng chế độ kiểm tra nghiêm ngặt và cảnh báo đình chỉ nhập khẩu nếu tình hình không cải thiện.
EU cũng cảnh báo 27 lô hàng thủy sản Việt Nam nhiễm kháng sinh và chỉ đích danh 24 doanh nghiệp, nếu các doanh nghiệp này không cải thiện sẽ áp dụng biện pháp kiểm tra nghiêm ngặt. Với thị trường Mỹ, số lô hàng cá biển, tôm vi phạm chỉ tiêu kháng sinh là 35, tăng 6 lần so năm 2014. Cùng đó, Australia cảnh báo, có thể sẽ ngừng nhập thủy sản Việt Nam nếu tỷ lệ vi phạm dư lượng kháng sinh tiếp tục tăng.
So với tổng lượng thủy sản xuất khẩu thì số lô hàng bị trả về không phải là nhiều, song việc bị các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản cảnh báo và trả về là điều đáng báo động.
>> Năm 2015, thủy sản Việt Nam xuất khẩu sang 164 thị trường. Ngoại trừ ASEAN tăng 8%, còn lại kim ngạch xuất khẩu đều giảm, ít nhất là 3%, nhiều là 27% so với năm 2014. Trừ mặt hàng cá biển tăng 5%, xuất khẩu các sản phẩm chính giảm dao động 3 – 25%. |