6 chiến lược phòng và kiểm soát dịch bệnh do virus trên cá rô phi

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Các hệ thống nuôi thâm canh dày đặc đã làm gia tăng mức độ căng thẳng cho cá, kéo theo nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên toàn cầu. Do đó, các trại nuôi cần hiểu biết toàn diện về bệnh virus để áp dụng các biện pháp phòng và kiểm soát hiệu quả.

An toàn sinh học và giám sát  

Cá rô phi là đối tượng thủy sản nuôi phổ biến thứ hai toàn cầu, do đó, các tổn thất do dịch bệnh virus có thể tác động tiêu cực đến kinh tế xã hội và an ninh lương thực. Để giảm thiểu những tác động này, cần triển khai các chiến lược ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh hiệu quả tại các trang trại.

Một trong những chiến lược đầu tiên là sử dụng phương pháp phòng ngừa virus. Tuy nhiên, hiện chưa có các phương pháp thương mại phục vụ điều trị bệnh virus trong nuôi cá rô phi. Mặc dù các nghiên cứu trước đây đã phát triển một số phương pháp cho một số virus, nhưng chưa có giải pháp nào được chứng nhận sử dụng thương mại. Hơn nữa, những phương pháp này chỉ được thử nghiệm trong điều kiện thí nghiệm, nên hiệu quả thực tế chưa rõ ràng. Đặc biệt, cá rô phi không phải cá mẫu trong các nghiên cứu này, nên giải pháp đó có thể không hiệu quả với cá rô phi. Vì những hạn chế trên, các chiến lược như thực hành quản lý tốt (GMP), các biện pháp an toàn sinh học và các chương trình giám sát vẫn là phương pháp chính để ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh virus.

Giảm căng thẳng 

Căng thẳng do điều kiện nuôi không phù hợp hoặc suốt quá trình vận chuyển thường làm tăng tính tổn thương của cá trước virus. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của các tiêu chuẩn thực hành tốt (GMP) để giảm căng thẳng và hạn chế các bùng phát virus. Ngoài ra, duy trì chất lượng nước tối ưu, mật độ phù hợp, thực hành vệ sinh hiệu quả và cung cấp chế độ dinh dưỡng đầy đủ sẽ giúp giảm thiểu mức độ căng thẳng cho cá.

Các biện pháp an toàn sinh học, kết hợp chương trình sàng lọc và giám sát, đóng vai trò quan trọng trong kiểm soát lây lan dịch bệnh. Những biện pháp này gồm quy trình cách ly nghiêm ngặt, tiêu hủy cá bệnh kịp thời và thiết lập các khu vực khác nhau trong trang trại. An toàn sinh học cũng gồm các quy trình vệ sinh và khử trùng chặt chẽ ở mọi giai đoạn nuôi để ngăn ngừa virus lây lan.

Nhiều chất khử trùng đã chứng minh hiệu quả làm giảm virus như TiLV, ISKNV, IPNV, NNV và LCDV qua các thử nghiệm, cho thấy tiềm năng ứng dụng của chúng trong nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, cần có thêm các nghiên cứu để đánh giá hiệu quả của các chất này trong điều kiện thực tế và tác động của chúng đối với cá và môi trường.

Sử dụng giống cá sạch bệnh 

Cá rô phi có thể nhiễm dịch bệnh virus qua cơ chế lây truyền ngang và dọc. Do đó, người nuôi cần phải chọn giống sạch bệnh (SPF) để giảm thiểu sự xâm nhập của các tác nhân gây bệnh vào trang trại. Theo các nghiên cứu trước đây, giống cá rô phi khác nhau có khả năng kháng bệnh virus như TiLV ở mức độ khác nhau. Hơn nữa, khả năng kháng nhiễm TiLV có thể di truyền, nên giải pháp nhân giống chọn lọc sẽ giúp tăng cường sức đề kháng đối với TiLV và các bệnh virus khác, từ đó giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh.

Phát triển giống kháng bệnh 

Để thúc đẩy việc phát triển các giống kháng bệnh, có thể áp dụng kỹ thuật chọn giống phân tử để xác định các loại tính trạng số lượng (QTL) liên quan đến khả năng kháng bệnh. Gần đây, một QTL kháng TiLV ở cá rô phi đã được xác định, mở ra triển vọng mới trong việc chọn giống cá rô phi kháng TiLV cho các chương trình nhân giống.

Phát hiện sớm virus trong nuôi trồng thủy sản có thể giúp triển khai các biện pháp kiểm soát kịp thời để ngăn chặn lây lan của dịch bệnh. An toàn sinh học và giám sát trong nuôi trồng thủy sản đều được tăng cường nhờ các công cụ chẩn đoán khác nhau, gồm phân lập virus, mô bệnh học, xét nghiệm miễn dịch và phương pháp phân tử. Chẩn đoán chính xác các bệnh virus ở cá rô phi đặc biệt quan trọng, vì nhiều bệnh có triệu chứng lâm sàng chồng chéo, khiến việc phân biệt triệu chứng nhiễm virus chỉ dựa trên tổn thương trở nên khó khăn. Trong các công cụ chẩn đoán hiện có, các phương pháp dựa trên phân tử như PCR thường được sử dụng nhờ vào tốc độ, độ nhạy và độ đặc hiệu cao.

Tuy nhiên, sử dụng công cụ chẩn đoán phân tử đòi hỏi trang bị phòng thí nghiệm và nhân lực, những yếu tố này không phải lúc nào cũng sẵn có ở mọi quốc gia. Ví dụ, một số quốc gia ở châu Phi thiếu cơ sở hạ tầng phòng thí nghiệm cần thiết và nhân lực, dẫn đến việc chẩn đoán TiLV và triển khai các biện pháp kiểm soát chậm trễ. Để giải quyết thách thức này, việc phát triển các bộ xét nghiệm nhanh tại chỗ mà không cần thiết bị phức tạp hay chuyên môn rất cần thiết để phát hiện kịp thời các bệnh virus.

Vaccine

Tiêm vaccine cho cá kích thích phản ứng miễn dịch chống lại các tác nhân gây bệnh cụ thể. Một số loại vaccine phòng TiLV và ISKNV trên rô phi đã được phát triển, trong đó vaccine phòng ISKNV (AQUAVAC® IridoV) đang được thương mại hóa. Ngoài ra, vaccine phòng IPNV, NNV và LCDV đã được phát triển cho các loài cá khác, trong đó vaccine phòng IPNV và NNV đã được thương mại hóa. Tuy nhiên, cần có thêm nghiên cứu để phát triển vaccine phòng IPNV, NNV và LCDV cho cá rô phi, vì các vaccine hiện có chưa hoạt động tối ưu do sự khác biệt về phụ gia, liều lượng, phương thức tiêm và tần suất tiêm cần thiết.

Mặc dù vaccine có tiềm năng giảm thiểu thiệt hại do các bệnh virus, vẫn có nhiều yếu tố cần xem xét, đặc biệt là yếu tố hiệu quả chi phí. Tuy nhiên, vaccine không thể áp dụng cho cá rô phi giống hoặc cá con vì hệ thống miễn dịch của chúng chưa phát triển đầy đủ. Hạn chế này rất quan trọng vì nhiều bệnh virus như TiLV, TLEV, NNV và ISKNV thường lây nhiễm vào các giai đoạn phát triển sớm của cá.

Kích thích miễn dịch

Các chất kích thích miễn dịch có thể được sử dụng để tăng cường đáp ứng miễn dịch bẩm sinh của cá rô phi con đối với các bệnh nhiễm virus. Ví dụ, Elkatatny và cộng sự đã chứng minh sự gia tăng biểu hiện của nhiều gen miễn dịch khi cá rô phi sông Nile con được dùng chất kích thích miễn dịch từ hỗn hợp axit amin. Sử dụng các chất kích thích miễn dịch – bao gồm men, chiết xuất lá na, tỏi và hoa cúc tím (echinacea) – đã được chứng minh cải thiện đáp ứng miễn dịch của cá rô phi bố mẹ hoặc rô phi non trong điều kiện thí nghiệm.

Bổ sung lợi khuẩn cũng cải thiện các đáp ứng miễn dịch. Chẳng hạn, chế độ ăn bổ sung Bacillus spp. giúp giảm tỷ lệ chết và tăng cường biểu hiện gen liên quan đến miễn dịch trong quá trình nhiễm TiLV ở cá điêu hồng. Các nghiên cứu khác cũng ghi nhận tỷ lệ chết giảm do NNV, LCDV và iridovirus ở các loài cá khác khi được nuôi bằng lợi khuẩn trong điều kiện thí nghiệm. Do đó, các chất kích thích miễn dịch và lợi khuẩn có tiềm năng hạn chế các bệnh do virus. Tuy nhiên, cần tiến hành các nghiên cứu ứng dụng thực tế và phân tích chi phí-lợi ích để xác định tính khả thi của chiến lược này.

Quản lý bệnh virus trong nuôi cá rô phi cần áp dụng nhiều chiến lược, nhưng phải đảm bảo bền vững, thực tiễn và tiết kiệm chi phí.

Vũ Đức

Theo GlobalSeafood

Box: Đến nay, đã có 10 bệnh virus gồm 7 virus DNA và 3 virus RNA được báo cáo trên cá rô phi. Từ thập niên 1970 đến 2010, số lượng bệnh virus trên cá rô phi ngày càng tăng do sự phát triển quá nóng của các trại nuôi. Các virus DNA gây nhiễm trùng gồm Tilapia Parvovirus (TiPV), Tilapia Larvae Encephalitis Virus (TLEV), Virus hoại tử lách và thận (ISKNV), nhiễm khuẩn Iridovirus, bênh đen thân do virus Megalocytivirus mới, Bohle iridovirus (BIV) và Lymphocystis (LCDV). Các virus RNA gồm Virus hoại tử thần kinh (NNV), Virus hoại tử tuyến tụy (IPNV) và Virus Lake Tilapia (TiLV). 

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!