(TSVN) – Trong 6 tháng qua, tình hình thời tiết tương đối thuận lợi cho nuôi trồng và khai thác thủy sản. Tổng sản lượng thủy sản ước đạt 4,38 triệu tấn, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó khai thác 1,95 triệu tấn, tăng 1%; nuôi trồng 2,43 triệu tấn, tăng 4,1%.
Chiều 28/6, Bộ NN&PTNT tổ chức Họp báo Quý 2 năm 2024. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến chủ trì cuộc họp, tham dự có lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ và đông đảo các đơn vị báo chí, truyền thông.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, ngành nông nghiệp, nông thôn triển khai Kế hoạch công tác 6 tháng đầu năm nay trong điều kiện có những thuận lợi, thách thức đan xen. Trong đó, có yếu tác động của biến động thị trường, thời tiết nắng nóng gay gắt, hạn hán tại các địa phương vùng Tây Nguyên, miền Trung, xâm nhập mặn tại các tỉnh phía Nam…
Toàn cảnh Họp báo Quý II/2024 tại Bộ NN&PTNT chiều 28/6 tại Hà Nội
Trong bối cảnh đó, Bộ NN&PTNT và toàn ngành đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai các giải pháp phát triển sản xuất, ứng phó với biến động thị trường, thời tiết, dịch bệnh; xúc tiến thương mại, mở cửa thị trường nhằm đẩy mạnh tiêu thụ nông sản. Nhờ vậy, nông nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao, khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế. Năng suất, sản lượng nhiều sản phẩm chủ lực tăng, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng GDP của cả nước.
Trong quý II, Bộ đã tập trung triển khai các Đề án thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản sang các thị trường trọng điểm đã được phê duyệt từ cuối năm ngoái (Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản và EU), mở cửa các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng như các nước Hồi giáo Halal, Trung Đông, Châu Phi…Nhờ vậy, thị trường tiêu thụ sản phẩm được duy trì và mở rộng, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 6 tháng đầu năm đạt 29,2 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, riêng với thuỷ sản là 4,36 tỷ USD, tăng 4,9%.
Minh bạch nguồn gốc thủy sản
Báo cáo một số nội dung thuộc lĩnh vực thủy sản, ông Nhữ Văn Cẩn, Phó Cục trưởng Cục Thủy sản cho biết, 6 tháng đầu năm nay, tình hình thời tiết tương đối thuận lợi cho cả nuôi trồng và khai thác thủy sản. Tổng sản lượng thủy sản đạt 4,38 triệu tấn, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó: Khai thác 1,95 triệu tấn, tăng 1% (khai thác biển 1,86 triệu tấn, tăng 0,9%); Nuôi trồng 2,43 triệu tấn, tăng 4,1% (cá tra 831,8 nghìn tấn, tăng 5,4%; tôm sú 122,1 nghìn tấn, tăng 2,3%; tôm thẻ chân trắng 332,7 nghìn tấn, tăng 5,6%).
Ông Nhữ Văn Cẩn, Phó Cục trưởng Cục Thủy sản khẳng định “triển khai phần mềm eCDT sẽ góp phần quan trọng truy xuất nguồn thủy sản”
Về khó khăn trong việc cấp giấy chứng nhận nguồn gốc thủy sản tại một số địa phương khi phải tăng thêm thời gian để tra cứu, truy xuất lại giúp đảm bảo nguồn gốc chính xác của thủy sản khai thác, ông Cẩn cho biết: Để giải quyết vướng mắc này, vừa qua Cục Thủy sản đã triển khai phần mềm truy xuất nguồn gốc điện tử miễn phí eCDT.
Đến thời điểm hiện tại, Cục Thủy sản đã tổ chức một số lớp tập huấn sử dụng phần mềm và đã triển khai đến 28 tỉnh, thành trên cả nước. Đồng thời, Cục Thủy sản cũng tập huấn thêm cho các đối tượng liên quan như: Ban Quản lý cảng cá, Chi Cục Thủy sản các địa phương, Bộ đội Biên phòng tại một số tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Bà Rịa – Vũng Tàu, Nghệ An…
“Việc xây dựng và triển khai phần mềm truy xuất nguồn gốc điện tử sẽ giúp đảm bảo minh bạch hoạt động sản xuất, truy xuất nguồn gốc thủy sản đặc biệt là thủy sản khai thác, góp phần quan trọng trọng việc sớm gỡ cảnh báo thẻ vàng của EC”. Phó Cục trưởng Cục Thủy sản Nhữ Văn Cẩn khẳng định.
Nỗ lực bảo vệ nguồn lợi thủy sản
Tại Họp báo, Cục trưởng Cục Kiểm ngư Nguyễn Quang Hùng đã làm rõ hơn kiến nghị mới đây của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) về đề nghị sửa đổi Quy định chỉ đánh bắt cá ngừ vằn từ 5 kg và cá trích dài 110 mm. VASEP cho rằng, quy định này đã khiến các doanh nghiệp thiếu trầm trọng nguyên liệu để thu mua sản xuất, xuất khẩu.
Cục trưởng Cục Kiểm ngư Nguyễn Quang Hùng làm rõ kiến nghị của VASEP về quy định đánh bắt cá ngừ vằn và cá trích
Về điều này, Cục trưởng Cục Kiểm ngư Nguyễn Quang Hùng lý giải, mục đích của quy định là để bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Hiện nay, Châu Âu, Nhật Bản và một số nước trên thế giới đã có quy định kích cỡ khai thác cho phép để khai thác đúng mức, góp phần duy trì trữ lượng thủy sản cho những năm tiếp theo. Trên cơ sở số liệu nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Hải sản trong 10 năm (2010 – 2020) đã có phân tích đặc điểm sinh học các đối tượng thủy sản. Cụ thể, khi cá trích đạt kích thước đến 110 mm thì có tới 50% cá thể sẽ thành thục sinh sản lần đầu. Đây là mốc chốt với kích thước khai thác cho phép và không được khai thác dưới mức này. Do đó, quy định đưa ra đã được dựa trên cơ sở nghiên cứu khoa học, các nước đã làm rất nhiều.
Được biết, quy định về kích thước tối thiểu được phép khai thác của các loài thủy sản sống trong vùng nước tự nhiên tại Nghị định 37/2024 của Chính phủ, có hiệu lực từ ngày 19/5. Trong mấy năm vừa qua, trữ lượng nguồn lợi thủy sản của Việt Nam giảm rất mạnh. Do vậy, ông Hùng cho rằng nếu không quy định rõ kích cỡ khai thác cho phép thì số lượng những con còn non và dưới tuổi trưởng thành sẽ bị suy giảm nghiêm trọng.
Một số nhiệm vụ trọng tâm
Trên cơ sở dự báo những khó khăn, thách thức và thuận lợi, cơ hội đối với ngành nông nghiệp, nông thôn trong 6 tháng cuối năm, để hoàn thành cao nhất các mục tiêu đã đề ra, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục phát triển mạnh thị trường, tháo gỡ các rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ nông lâm thủy sản. Theo đó, Bộ sẽ tăng cường phối hợp với các Đại sứ quán, Tham tán thương mại, Tham tán nông nghiệp thu thập và cung cấp thông tin, thị hiếu, nhu cầu, cập nhật các chính sách, quy định cho cộng đồng doanh nghiệp, các địa phương.
Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ, kết nối doanh nghiệp tham gia xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm đã được mở cửa, xuất khẩu chính ngạch gắn liền với các hoạt động ngoại giao vào các thị trường lớn và khai thác hiệu quả các thị trường tiềm năng.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến biểu dương những kết quả ấn tượng của toàn ngành nông nghiệp trong 6 tháng vừa qua
Kết luận tại cuộc họp, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, tính đến hết quý II, xuất khẩu của toàn ngành đạt hơn 50% chỉ tiêu của Thủ tướng đặt ra (29,2 tỷ USD). Dự báo từ tháng 7 trở đi, nhu cầu tiêu thụ nông sản thường cao hơn nên mục tiêu xuất khẩu đến cuối năm vào khoảng 54 tỷ USD như kỳ vọng của Thủ tướng Chính phủ là hoàn toàn khả thi.
Trong đó đáng chú ý, Bộ NN&PTNT sẽ tập trung chỉ đạo, đôn đốc thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư và Chương trình hành động, Kế hoạch của Chính phủ số 52/NQ-CP ngày 22/4/2024 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác IUU và phát triển bền vững ngành thuỷ sản; chuẩn bị làm việc với đoàn thanh tra của EC dự kiến vào tháng 10 tới đây.
Thùy Khánh