69.900 tỷ đồng phát triển nông nghiệp bền vững

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Đây là nguồn kinh phí để thực hiện Đề án Phát triển giống cây nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thủy sản đến năm 2020 được Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 2194/QĐ-TTg ngày 25/12/2009, nhằm tăng nhanh năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh, hiệu quả của sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản một cách bền vững.

Thực trạng ngành nông nghiệp

 

Những năm qua, nông nghiệp Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc. Phát triển chất toàn diện ở tất cả các ngành: trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản. Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu gạo thứ hai trên thế giới, năm 2010, xuất khẩu gạo cả nước ước đạt 6,88 triệu tấn, kim ngạch 3,23 tỷ USD; xuất khẩu thủy sản đạt 1,353 triệu tấn, trị giá gần 5,034 tỷ USD với các mặt hàng xuất khẩu chính tôm, cá tra, nhuyễn thể, cá ngừ…

 

Thủy sản đã có những đóng góp quan trọng trong ngành nông nghiệp, tuy nhiên, sự phát triển này lại thiếu bền vững, bởi những đầu tư cơ sở hạ tầng của ngành thủy sản vẫn chưa được chú trọng, đặc biệt là vấn đề giống thủy sản. Mặc dù trong 10 năm qua, sản xuất giống thủy sản của nước ta có những bước tiến đáng khích lệ, năm 2010, cả nước có 2480 trại sản xuất tôm giống được 45 tỷ con giống đáp ứng đủ cho nuôi tôm nước lợ trong cả nước. Tuy nhiên, chất lượng con giống chưa đảm bảo, vẫn còn tình trạng giống trôi nổi trên thị trường… Vì vậy, những bài học trong 10 năm qua là kinh nghiệm cho sự phát triển giai đoạn tiếp theo, đặc biệt là vấn đề phát triển giống cây nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thủy sản.

 

Mục tiêu cụ thể

 

Nằm trong Chiến lược Phát triển Thủy sản đến năm 2020, mục tiêu của Đề án Phát triển giống cây nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thủy sản đến năm 2020 được đề ra là tăng nhanh tỷ lệ sử dụng giống tiến bộ kỹ thuật cho sản xuất đại trà phù hợp với điều kiện của từng vùng, nhằm tạo ra đột phá mới về năng suất, chất lượng sản phẩm, góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng của ngành.

Năm 2010, nông nghiệp có các mục tiêu về số học, chẳng hạn như đạt kim ngạch xuất khẩu mấy chục tỷ USD, mở rộng thêm bao nhiêu nghìn ha… Bên cạnh đó là tiếp tục duy trì mục tiêu chiến lược, là phát triển ổn định, bền vững. Tuy nhiên, những hạn chế cũ của nông nghiệp VN vẫn còn đó. Và vì thế, dù muốn dù không trước khi phát triển, ngành nông nghiệp VN cũng cần phá bỏ những rào cản ấy.

 
Ngành nông nghiệp: Tư duy mới, hạn chế cũ

 

Đối với trồng trọt, tỷ lệ dùng giống xác nhận hoặc tương đương trong sản xuất đối với cây lúa đạt 70 – 80% và chấm dứt tình trạng các hộ gia đình tự sử dụng thóc thịt làm giống; đối với các cây khác đạt trên 70%. Năng suất cây trồng các loại tăng trên 15%. Đối với chăn nuôi, tỷ lệ sử dụng giống tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất thịt bò và dê đạt 70%; đối với lợn, gia cầm đạt 90%; bò sữa đạt 100%, tỷ lệ bò lai 50%. Đối với lâm nghiệp, bảo đảm cung cấp 80% giống được công nhận, trong đó 50% từ nhân giống sinh dưỡng cho trồng rừng. Sinh khối tăng trưởng đạt 20-25m3/ha/năm. Đối với thủy sản, đảm bảo 75% giống sạch bệnh, chất lượng cao được sản xuất trong nước, năng suất nuôi trồng các loại thủy sản tăng trên 50%.

 

Để thực hiện được điều này, cần áp dụng công nghệ trong sản xuất giống, ứng dụng có hiệu quả công nghệ sinh học để tạo ra nhiều giống mới có năng suất và chất lượng. Khuyến khích các thành phần kinh tế trong và ngoài nước đầu tư nghiên cứu và sản xuất giống, hình thành ngành công nghiệp sản xuất giống…

 

Giải pháp thực hiện

 

Nhằm thực hiện thành công những mục tiêu của Đề án, đã có nhiều giải pháp được đưa ra, trong đó, cần quy hoạch hoàn thiện hệ thống nghiên cứu, sản xuất và cung ứng giống từ Trung ương đến cơ sở gắn với vùng sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản. Bộ NN&PTNT phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và các địa phương hoàn thiện quy hoạch hệ thống nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất và cung ứng giống, đảm bảo đủ giống tốt, chất lượng cho sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản.

 

Đối với nông nghiệp, cần quy hoạch và đầu tư, tăng cường năng lực các Trung tâm Giống, các doanh nghiệp, hợp tác xã và các hộ gia đình gắn kết với các Viện khoa học công nghệ vùng để thực hiện đồng bộ từ khâu nghiên cứu, chọn tạo, nhân và sản xuất giống. Đối với lâm nghiệp, cần kiện toàn lại tổ chức quản lý hệ thống rừng giống quốc gia. Quy hoạch và đầu tư tăng cường năng lực các Trung tâm khoa học lâm nghiệp quốc gia ở các vùng, xây dựng 3 vườn ươm giống hiện đại tại 3 vùng, địa phương có diện tích trồng rừng từ 10.000 ha/năm trở lên, xây dựng một vườn ươm giống quy mô phù hợp, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế xây dựng vườn ươm. Đối với thủy sản, cần quy hoạch và tăng cường đầu tư năng lực các Trung tâm Giống quốc gia, giống cấp I và Trung tâm Giống thủy sản cấp tỉnh, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân nâng cấp, xây dựng mới các trại giống thủy sản, gắn kết từ nghiên cứu, chọn tạo, nhân, gây, chuyên giao và nhân nhanh giống cho sản xuất đại trà…

 

Với những mục tiêu và giải pháp được đưa ra đồng bộ và quy mô, Đề án này sẽ tạo ra bước đột phá mới cho ngành nông nghiệp Việt Nam trong 1 thập kỷ tới.

Tổng nguồn vốn cho Đề án Phát triển giống cây nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thủy sản đến năm 2020 khoảng 69.900 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Nhà nước chiếm 22%, vốn vay tín dụng đầu tư chiếm 25%, vốn vay thương mại chiếm 25%, vốn tự có và vốn huy động của các tổ chức, cá nhân chiếm 28%.

 

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám: “Những năm qua, đầu tư về kỹ thuật cho cơ sở giống thủy sản còn thiếu. Nhiều cơ sở đã đạt tiêu chuẩn về con giống tuy nhiên vẫn chưa đủ cho nhu cầu của người nuôi. Việc kiểm soát chất lượng các yếu tố đầu vào trong NNTS còn yếu: giống, thức ăn, chế phẩm sinh học… Đặc biệt là về giống. Để nâng cao chất lượng giống thủy sản, ngoài việc đầu tư đúng mức cần có sự kiểm soát chất lượng và sự phối phợp của các bộ, ban, ngành và các địa phương, trung tâm cơ sở sản xuất giống”.

 

Vũ Mưa

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!