7 tháng đầu năm 2023: Giá trị xuất khẩu của Nga giảm 12%

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Theo Liên minh Thủy sản Nga, giá trị xuất khẩu thủy sản trong 7 tháng đầu năm 2023 giảm 12% so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt 2,9 tỷ USD.

Tính đến tháng 7/2023, khối lượng xuất khẩu các nhóm thủy sản của Nga ổn định so với cùng kỳ năm ngoái ở mức 1,4 triệu tấn. Tuy nhiên, doanh thu chỉ đạt 2,9 tỷ USD, giảm 12%. Nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp đến tình trạng sụt giảm này được cho là mức thuế cao từ thị trường Anh và lệnh cấm nhập khẩu thủy sản trực tiếp của Mỹ. Tuy nhiên, Hiệp hội Ngư dân Nga (VARPE) vẫn dự đoán tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Nga trong cả năm 2023 sẽ tăng 2%.

Trung Quốc chiếm 53% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Nga về khối lượng và 43% về giá trị. Hàn Quốc chiếm 34% tổng khối lượng và 35% về giá trị, Hà Lan lần lượt là 8% và 14% và Nhật Bản là 1% và 3%.

Hiệp hội Ngư dân Nga (VARPE) dự đoán tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Nga trong cả năm 2023 sẽ tăng 2%. Ảnh: Undercurrent 

Theo số liệu thống kê từ VARPE, năm 2022, tổng giá trị thủy sản xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 2,75 tỷ USD, tương đương 937.300 tấn. Đây là một trong những thị trường rộng mở và chủ lực của ngành xuất khẩu thủy sản Nga. Năm 2022, Nga xuất khẩu 1,03 triệu tấn cá minh thái, 224.000 tấn cá tuyết, 144.300 tấn cá hồi và 57.400 tấn cua. Trong 7 tháng đầu năm 2023, cá minh thái đông lạnh chiếm tỷ trọng cao nhất (44%) trong tổng số mặt hàng thủy sản xuất khẩu của Nga. Về giá trị, mặt hàng này chiếm 21%, tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Trung Quốc, Hàn Quốc, một số bang thuộc Tajikistan và Uzbekista hiện đang là thị trường cá minh thái đông lạnh chủ lực của Nga. 

Riêng mặt hàng cá minh thái phi lê chiếm 5% về khối lượng (giảm 42%) và 7% về giá trị (giảm 48%). Các thị trường chính của mặt hàng này là Hàn Quốc, Hà Lan và Đức.

Cá trích đông lạnh chiếm 19% tổng sản lượng và 5% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Nga, tăng lần lượt 40% và 9% so với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu chủ yếu sang Trung Quốc, Hàn Quốc, Nigeria và Anh. 

Cá tuyết Đại Tây Dương đông lạnh chiếm 5% về khối lượng (giảm 3% so với cùng kỳ) và 7% về giá trị (tăng 5% so với cùng kỳ). Hà Lan, Trung Quốc và Na Uy là ba thị trường xuất khẩu hàng đầu của mặt hàng này. 

Cá tuyết Thái Bình Dương đông lạnh chiếm 3% về khối lượng (giảm 17% so với cùng kỳ) và 5% về giá trị (giảm 25% so với cùng kỳ). Các thị trường xuất khẩu hàng đầu là Trung Quốc, Hàn Quốc, Indonesia và Đan Mạch.

Cua ghẹ chiếm 2% về khối lượng (tăng 19% so với cùng kỳ) và 22% về giá trị (tăng 21% so với cùng kỳ). Khối lượng xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 43%, trong khi xuất khẩu sang Hàn Quốc giảm 16% so với cùng kỳ và sang Nhật Bản giảm 37%.

Oanh Thảo 

(Theo Undercurrent News)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!