(TSVN) – Theo số liệu của Trung tâm Chuyển đối số và Thống kê nông nghiệp (Bộ NN&PTNT), 7 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu mặt hàng nông lâm thủy sản chính đạt 34,274 tỷ USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm 2023; thặng dư thương mại giai đoạn này tăng 60% so với cùng kỳ năm trước.
Tháng 7/2024, giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt trên 5,1 tỷ USD, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm 2023. Ở chiều ngược lại, giá trị nhập khẩu các mặt hàng này trong tháng 7/2024 ước đạt gần 3,921 tỷ USD, tăng khoảng 10,5% so với cùng kỳ năm trước; thặng dư thương mại đạt 1,185 tỷ USD, tăng 53,9%. Tính chung 7 tháng đầu năm, giá trị nhập khẩu của ngành nông nghiệp đạt khoảng 24,85 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ; thặng dư thương mại 7 tháng đạt 9,424 tỷ USD, tăng 60% so với cùng kỳ năm 2023.
Xuất khẩu tôm có nhiều cơ hội trong những tháng cuối năm. Ảnh: Ngọc Trinh
Đáng chú ý, trong 7 tháng đầu năm 2024, các mặt hàng nông lâm thủy sản xuất khẩu của nước ta đều tăng. Trong đó, hạt tiêu, cà phê, gỗ và sản phẩm gỗ, gạo, hạt điều, rau quả là các mặt hàng xuất khẩu có giá trị tăng mạnh nhất, còn các mặt hàng thủy sản, cao su, chăn nuôi tăng ít nhất, dưới 10%.
Theo Bộ NN&PTNT, xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản chính tăng mạnh trong 7 tháng năm 2024 do nhu cầu tiêu thụ tăng tại các thị trường lớn như Trung Quốc, Mỹ, EU, ASEAN… Trong đó, Mỹ và Trung Quốc là 2 thị trường xuất khẩu chủ lực. Về cơ cấu thị trường, 7 tháng đầu năm thị trường Mỹ giữ nguyên, tuy nhiên, Trung Quốc giảm 1 điểm phần trăm so với 7/2023.
Riêng mặt hàng thủy sản, 7 tháng đầu năm 2024, giá trị xuất khẩu thủy sản đạt 5,293 tỷ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó giá trị xuất khẩu trong tháng 7 tăng mạnh nhất, gần 900 triệu USD.
Trong cơ cấu xuất khẩu, 6 tháng đầu năm 2024, tôm và cá tra chiếm tỷ trọng cao nhất, lần lượt là 37% và 20%, cá ngừ chiếm 10%, mực và bạch tuộc 6%, cá hồi 2%, cua ghẹ 3%, thủy sản khác 22%.
Theo VASEP, dự báo từ quý III sẽ là giai đoạn các nhà nhập khẩu tăng cường mua vào để chuẩn bị nguồn hàng cung ứng cho các dịp lễ, Tết cuối năm. Do đó, giá thủy sản nhiều khả năng sẽ được cải thiện tốt hơn so với hiện tại, nhưng cũng khó có khả năng tăng mạnh.
Cùng đó, các đối thủ cạnh tranh của Việt Nam như tôm Ecuador đang phải đối mặt với những thách thức đáng kể, bao gồm việc hải quan Trung Quốc tăng cường kiểm tra và từ chối dán nhãn sulfite, thuế chống trợ cấp mới ở Mỹ… Trong khi đó, tôm Ấn Độ đang đối mặt nguy cơ bị cấm nhập khẩu vào Mỹ sau khi một nhà máy sản xuất và xuất khẩu tôm lớn của nước này trở thành tâm điểm của một loạt cáo buộc liên quan đến các tài liệu giả mạo, cố tình vận chuyển tôm dương tính với kháng sinh sang Mỹ và ngược đãi công nhân… Các yếu tố này có thể tạo thêm cơ hội cho tôm Việt Nam.
Phan Thảo