9 tháng, xuất khẩu thủy sản giảm 22% so với cùng kỳ

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Đây là thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP). Theo đó, tháng 9/2023, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam ước đạt 862 triệu USD, tương đương cùng kỳ năm 2022. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thủy sản đạt trên 6,6 tỷ USD, giảm 22% so với cùng kỳ.

Trong tháng 9, một số sản phẩm chủ lực đã lấy lại sự cân bằng so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu tôm và cá ngừ trong tháng 9 đều đạt mức tương đương với tháng 9/2022. Đáng chú ý là sự hồi phục của mặt hàng cá tra với mức tăng trưởng dương 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu các sản phẩm khác như mực, bạch tuộc, cua – ghẹ, nhuyễn thể có vỏ vẫn thấp hơn cùng kỳ, nhưng mức giảm chỉ từ 6 – 12%.

Xuất khẩu tôm phục hồi

Tính tới hết tháng 9/2023, xuất khẩu tôm đạt 2,55 tỷ USD, vẫn thấp hơn 25% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, kết quả xuất khẩu trong những tháng gần đây có dấu hiệu hồi phục so với những tháng trước. Hai thị trường chủ lực là Mỹ và Trung Quốc bắt đầu gia tăng nhu cầu và xuất khẩu sang 2 cường quốc này đều ghi nhận tăng trưởng dương trong 2 tháng trở lại đây. Một số thị trường chính trong khối CPTPP như Nhật Bản, Australia, Canada cũng đang tăng nhập khẩu tôm từ Việt Nam.

Xuất khẩu tôm tăng trưởng dương tại một số thị trường chính. Ảnh: ST

Theo VASEP, sự suy giảm xuất khẩu tôm năm nay không chỉ là vấn đề của riêng Việt Nam, mà là tình cảnh chung của ngành tôm trên toàn thế giới. Tại châu Á, các doanh nghiệp phản ánh tình hình hiện tại của ngành nuôi tôm, giá tôm ở mức thấp nhất trong 10 năm do tình trạng dư cung toàn cầu. Ngành tôm châu Á phải giải quyết các vấn đề hiện tại mà các nhà sản xuất phải đối mặt, bao gồm giá thấp và chi phí sản xuất cao trong cuộc khủng hoảng tôm hiện nay; và các thị trường tiềm năng cho tôm châu Á trong nước cũng như tại khu vực. Trong đó, giải pháp quan trọng theo các chuyên gia là phải hạ giá thành sản xuất tôm để ứng phó với tình trạng giá bán giảm sâu. Thức ăn đóng vai trò quan trọng trong sản xuất tôm bền vững, cần tập trung vào các phương pháp dinh dưỡng để đạt hiệu suất sản xuất tối ưu, bao gồm các cơ hội sử dụng enzyme và chất phụ gia chức năng để cải thiện khả năng tiêu hóa chất dinh dưỡng, khả năng kháng bệnh và giảm chi phí thức ăn.

Cá tra khởi sắc

Xuất khẩu cá tra ghi nhận doanh thu gần 1,4 tỷ USD tới cuối tháng 9/2023, giảm 31% so với cùng kỳ năm 2022. Xuất khẩu cá tra đang có xu hướng hồi phục dần ở các thị trường Trung Quốc, Mexico, Brazil, Hà Lan, Anh và Mỹ…Trong tháng 9/2023, xuất khẩu sang một số thị trường đã lấy lại cân bằng hoặc đạt mức cao hơn so với cùng kỳ năm 2022.

Riêng tại thị trường Mỹ, theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, tính đến 15/9/2023, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Mỹ đạt hơn 195 triệu USD, giảm 55% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 16% tổng xuất khẩu cá tra Việt Nam sang các thị trường. Tính riêng tháng 8/2023, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Mỹ đạt hơn 25 triệu USD, giảm 24% so với cùng kỳ năm 2022, tăng 38% so tháng trước đó.

Mức sụt giảm so với cùng kỳ năm ngoái đã thu hẹp dần từ tháng 5/2023, mức sụt giảm các tháng 5,6,7,8 lần lượt là 53%, 51%, 43%, và 24%.

Mỹ là thị trường quan trọng và tiêu thụ nhiều cá tra Việt Nam. Tuy nhiên, nửa đầu năm 2022, nhập khẩu cá tra từ Việt Nam vào Mỹ tăng mạnh khiến lượng tồn kho ở Mỹ tăng cao. Do vậy, những tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Mỹ liên tục chứng kiến tăng trưởng âm. Các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra kỳ vọng tại thị trường này những tháng cuối năm.

Xuất khẩu cá ngừ được cải thiện

Tương tự như tôm, xuất khẩu cá ngừ cũng có chiều hướng cải thiện, với doanh số tháng 9 bằng mức cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, sụt giảm liên tục giai đoạn đầu năm khiến lũy kế 9 tháng xuất khẩu cá ngừ vẫn giảm 23% đạt 623 triệu USD.

Đáng chú ý của xuất khẩu cá ngừ Việt Nam là Nhật Bản. Sau khi tăng trưởng tốt trong quý đầu năm, tưởng chừng sẽ có sự bứt phá tại thị trường này tuy nhiên xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Nhật Bản sụt giảm liên tục. Tính đến hết tháng 8/2023, kim ngạch xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này giảm 20% so với cùng kỳ năm 2022, đạt gần 22 triệu USD. Theo các doanh nghiệp, sự sụt giảm xuất khẩu cá ngừ sang thị trường Nhật Bản là do đồng yên mất giá. Tính đến 25/9/2023, đồng yên đã giảm quá mạnh xuống mức thấp nhất 146 yên/USD, điều này đã ảnh hưởng tới nhập khẩu cá ngừ của thị trường này. Một số doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ lớn nhất sang Nhật Bản là Mariso Việt Nam, Evertrust Foods, AHFISHCO, FoodTech….

Bên cạnh đó, tại một số thị trường chính, cá ngừ Việt Nam cũng phải cạnh tranh gay gắt với cá ngừ từ Trung Quốc, hay Indonesia.

Thị trường xuất khẩu

Tính đến hết tháng 9/2023, xuất khẩu sang top 3 thị trường lớn nhất là Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản đều vượt mốc 1 tỷ USD. Trong đó, Mỹ vẫn giữ vị thế số 1 với gần 1,2 tỷ USD, thấp hơn 33% so với cùng kỳ năm 2022. Thị trường Trung Quốc – Hồng Kông mang về cho thủy sản Việt Nam lượng ngoại tệ 1,15 tỷ USD trong 3 quý đầu năm, giảm 15%, trong khi Nhật Bản nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam với giá trị gần 1,1 tỷ USD, giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái.

Riêng trong tháng 9, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ, Trung Quốc, EU đều hồi phục, tăng từ 4 – 17% so với cùng kỳ năm 2022. Xuất khẩu sang Nhật Bản ít nhiều có xáo trộn trong tháng 9, do vậy vẫn thấp hơn 15% so với tháng 9/2022.

Theo VASEP, thị trường đang có dấu hiệu tốt dần lên, đặc biệt trong quý IV, do vậy, nếu không có biến động bất ngờ nào khác, và nguồn nguyên liệu không bị sụt giảm mạnh, xuất khẩu thủy sản năm 2023 sẽ mang về doanh số khoảng 9,2 - 9,3 tỷ USD.

Ngọc Diệp

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!