Theo Sở NN&PTNT Hòa Bình, địa phương có 543 hồ thủy lợi lớn, vừa và nhỏ. Đặc biệt, có hồ thủy điện Hòa Bình với diện tích trên 8.800 ha, thuộc địa bàn các huyện: Cao Phong, Đà Bắc, Tân Lạc, Mai Châu và TP Hòa Bình. Đây là tiềm năng để tỉnh phát triển […]
Theo Sở NN&PTNT Hòa Bình, địa phương có 543 hồ thủy lợi lớn, vừa và nhỏ. Đặc biệt, có hồ thủy điện Hòa Bình với diện tích trên 8.800 ha, thuộc địa bàn các huyện: Cao Phong, Đà Bắc, Tân Lạc, Mai Châu và TP Hòa Bình. Đây là tiềm năng để tỉnh phát triển nuôi trồng thủy sản. Tính riêng 9 tháng đầu năm 2024, sản lượng thủy sản toàn tỉnh ước đạt 10.800 tấn, trong đó sản lượng nuôi trồng 8.550 tấn.
Để nuôi trồng thủy sản mang lại hiệu quả cao, ngoài kinh nghiệm kỹ thuật của người nuôi thì việc nắm bắt thông tin về môi trường, dịch bệnh trong nguồn nước là rất quan trọng. Do đó, hằng năm, Chi cục Thủy sản Hòa Bình luôn thực hiện công tác quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường nuôi trồng thủy sản nhằm phục vụ hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo sản xuất, kịp thời cảnh báo, hướng dẫn các biện pháp xử lý, phòng ngừa khi môi trường thủy sản mất an toàn, giảm thiểu thiệt hại do môi trường gây ra, hướng đến phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững, hiệu quả.
Theo đó, 9 tháng đầu năm 2024, Chi cục Thủy sản Hòa Bình đã tổ chức 3 đợt giám sát dịch bệnh thủy sản, 3 đợt quan trắc môi trường tại các vùng nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Hòa Bình và cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản. Qua đó thu 48 mẫu cá, 48 mẫu nước giám sát dịch bệnh, 84 mẫu nước quan trắc môi trường gửi đi phân tích. Kết quả, phát hiện sự có mặt của nấm trên mẫu cá. Từ kết quả phân tích, Chi cục đã thông báo đến Phòng NN&PTNT các huyện, Phòng Kinh tế thành phố Hòa Bình, các tổ chức, cá nhân tại các vùng nuôi tập trung và hướng dẫn kỹ thuật phòng chống dịch bệnh. Nhờ triển khai kịp thời các giải pháp đã góp phần bảo vệ an toàn cho đàn thủy sản.
Thông tin từ Chi cục Thủy sản Hòa Bình, hiện, tiến độ cung cấp kết quả quan trắc môi trường đã được đẩy nhanh. Trong 3 ngày làm việc, kể từ khi kết thúc đợt thu mẫu, đơn vị quan trắc môi trường sẽ phải gửi kết quả sơ bộ. Trong 5 ngày, gửi báo cáo kết quả quan trắc môi trường đến Chi cục Thủy sản để kịp thời thông báo cho các địa phương. Đồng thời khuyến cáo các biện pháp xử lý đối với các khu vực nuôi có các chỉ số quan trắc vượt ngưỡng cho phép.
Hiện, đang vào thời điểm mưa bão, Chi cục Thủy sản Hòa Bình khuyến cáo, người nuôi hạn chế thả giống mới, vận chuyển, san thưa trong thời điểm mưa bão. Các ao nuôi sử dụng nguồn nước cấp thuộc các điểm quan trắc có hiện diện của vi khuẩn cơ hội có khả năng gây bệnh trên vật nuôi thủy sản cần diệt khuẩn kỹ trước khi cấp nước vào ao nuôi. Các ao nuôi có hiện tượng ô nhiễm hữu cơ cần xử lý vi sinh/chế phẩm sinh học để giảm thiểu các chất hữu cơ dư thừa trong ao nuôi, cải thiện chất lượng nước. Cùng đó, người nuôi nên thường xuyên kiểm tra các yếu tố thủy, lý, hóa nước ao, hồ và biểu hiện hoạt động của thủy sản, định kỳ bổ sung men tiêu hóa, vi lượng, khoáng chất, vitamin để tăng sức đề kháng. Ao/lồng, bè nuôi cần đảm bảo đủ hàm lượng ôxy hòa tan cho thủy sản, đặc biệt, bổ sung sục khí trước, trong và sau những cơn mưa lớn.
Thanh Hiếu