(TSVN) – Với khoảng 130 km đường bờ biển cùng nhiều cửa sông, luồng lạch, Quảng Ngãi sở hữu điều kiện thuận lợi cho phát triển nuôi trồng thủy sản ven biển, ven đảo. Tỉnh phấn đấu đến 2045, nuôi trồng thủy sản trên biển trở thành lĩnh vực sản xuất hàng hóa, là một bộ phận quan trọng trong ngành nông nghiệp, góp phần nâng cao giá trị sản xuất và sản lượng.
Hiện nay, nuôi trồng thủy sản Quảng Ngãi tập trung ở ven biển, ven đảo các địa phương thuộc TP Quảng Ngãi, thị xã Đức Phổ và các huyện: Bình Sơn, Mộ Đức và Lý Sơn. Đối tượng nuôi chủ yếu ở tỉnh là các loại cá biển như cá bớp, cá mú, cá chim, cá bè, hàu, tôm,… Các mô hình này đã góp phần cải thiện kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống của người dân.
Nuôi thủy sản lồng, bè ven đảo Lý Sơn. Ảnh: ST
Anh Đặng Văn Thành, người nuôi cá lồng tại Lý Sơn cho hay, gia đình anh bắt đầu nuôi cá bớp lồng, bè từ năm 2017, loại cá này thời gian nuôi ngắn, vốn đầu tư không quá cao mà giá cá thương phẩm lại ổn định ở mức cao. Nhờ đó kinh tế gia đình ngày càng khấm khá.
Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Ngãi Hồ Trọng Phương, nghề nuôi biển trên địa bàn tỉnh hiện còn gặp một số khó khăn, trở ngại. Khu vực nuôi tập trung chủ yếu tập trung ở gần bờ, nuôi nước lợ và quy mô còn manh mún. Cùng đó, cơ sở hạ tầng phục vụ vùng nuôi vừa thiếu vừa yếu, dịch bệnh liên tục kéo dài, giá cả bấp bênh, môi trường nước không đảm bảo, doanh nghiệp không chú trọng đầu tư vào lĩnh vực nuôi biển,… Đó là những nguyên nhân khiến ngành nuôi biển của tỉnh chưa phát huy tiềm năng và hiệu quả.
Nhằm khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương và tạo sinh kế bền vững cho người dân, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành phê duyệt kế hoạch thực hiện Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, Đề án đặt mục tiêu đến 2030 diện tích nuôi biển hơn 2.500 lồng nuôi (180.000 m3 lồng), sản lượng 800 tấn, tạo được ít nhất 2 chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm sau thu hoạch. Cùng đó, có ít nhất 1 dự án nuôi trên vùng biển hở, vùng biển xa bờ quy mô công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao.
Tỉnh phấn đấu đến 2045, nuôi trồng thủy sản trên biển thành lĩnh vực sản xuất hàng hóa, là một bộ phận quan trọng trong ngành nông nghiệp, góp phần nâng cao giá trị sản xuất và sản lượng nuôi của tỉnh.
Để hoàn thành các chỉ tiêu đề ra, tỉnh Quảng Ngãi đang tập trung thực hiện việc lựa chọn, khảo sát đặc điểm, điều kiện tại các khu vực có tiềm năng nuôi biển, làm cơ sở để thu hút các tổ chức, cá nhân đầu tư. “Sở NN&PTNT đang tập trung hoàn thiện các quy hoạch liên quan, làm cơ sở để giao mặt nước cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu nuôi biển theo Luật Thủy sản. Trước mắt, ưu tiên cho những trường hợp đang nuôi thủy sản lồng bè gần bờ, ngư dân chuyển đổi từ nghề khai thác ven bờ sang nuôi trồng thủy sản. Đồng thời, tỉnh khuyến khích người nuôi chuyển đổi vật liệu từ lồng, bè gỗ truyền thống sang composite, gắn với cơ cấu và bố trí lại vùng nuôi”, ông Hồ Trọng Phương chia sẻ.
Nguyễn Hằng