(TSVN) – Cá chim vây vàng là loài cá đặc sản có giá trị kinh tế cao, thịt thơm ngon, giàu chất dinh dưỡng và là đối tượng nuôi mang lại hiệu quả cho người nuôi.
Việc nuôi thương phẩm cá chim trắng vây vàng trong ao đầm nước lợ chỉ nên kéo dài từ 8 -10 tháng, như vậy sẽ thuận lợi cho công tác quản lý và chăm sóc. Cần chọn nơi có địa hình thuận tiện, biên độ dao động của thủy triều 2 – 3 m. Chất đất: Loại sét thường hay sét pha cát (giữ được nước ao) để giữ nguồn nước. Yêu cầu chỉ số kỹ thuật một số yếu tố môi trường phù hợp nhất để nuôi cá chim vây vàng: Nhiệt độ 26 – 32ºC, độ mặn 10 – 20‰, Ôxy hòa tan 5 – 7 mg/l, NH3 < 0,9 mg/l, pH nước 7,5 – 8,5.
Ao nuôi có diện tích từ 2.000 – 5.000 m² là thích hợp. Độ sâu của ao 1,2 – 1,5 m. Ao có hệ thống cấp và thoát nước riêng biệt. Đáy ao bằng phẳng, hơi nghiêng về phía cống thoát. Trước khi thả nuôi khoảng 2 tuần, cần tháo cạn nước, cày xới lớp đất mặt đáy ao, bón vôi với lượng 1.000 – 1.500 kg/ha, tùy theo độ chua, sau đó phơi ao từ 1 – 2 tuần. Cấp nước vào ao nuôi qua lưới lọc có kích thước mắt lưới 2,5 mm.
Đối với ao nuôi cũ: Cũng giống như các ao nuôi đối tượng khác, ao sử dụng để nuôi cá chim trắng vây vàng sau khi tháo khô tu sửa lại bờ ao, cống và hút hết bùn đáy ra thì tiến hành bón vôi lượng 10 – 15 kg/100 m² ao.
Đối với ao nuôi mới: Ao sau khi mới xây xong cần thau chua 2 – 3 lần sau đó căn cứ vào nồng độ pH của đất để bón vôi cải tạo với lượng 10 – 20 kg/100 m² ao.
Lấy nước: Nước lấy vào được lọc kỹ qua lưới dày, sau khi mực nước trong ao đạt 1 – 1,2 m thì tiến hành gây màu nước bằng phân hữu cơ ủ kỹ, liều dùng 10 – 20 kg/100 m². Sau 5 – 7 ngày màu nước trong ao có màu xanh vỏ đậu thì tiến hành thả giống.
Chọn giống khỏe mạnh, không dị hình, không có dấu hiệu mắc bệnh, bơi lội linh hoạt, ngược chiều dòng chảy và có kích thước đồng đều, cỡ giống khoảng 8 – 10 cm, mật độ thả 1 – 2 con/m² tùy vào điều kiện đầu tư, chăm sóc. Cỡ cá đưa vào nuôi thương phẩm 10 – 20 g/con để có thể thu hoạch sau khi nuôi từ 8 – 10 tháng. Trước khi thả cá cần phải thuần hóa độ mặn để độ mặn nước trong bao vận chuyển cá và ao nuôi chênh lệch nhau không quá 5‰.
Thời gian thả: Nuôi cá chim vây vàng phải biết được thời điểm nào thả cá xuống ao là thích hợp nhất. Theo kinh nghiệm của nhiều chuyên gia nuôi cá cho biết thì thời gian thả giống vào khoảng tháng 3, tháng 4 trong năm là thích hợp nhất. Trước khi thả, tắm cá bằng nước ngọt hoặc fomaline, nồng độ 20 ppm trong 10 – 15 phút. Trong quá trình tắm cần quan sát và cung cấp đủ ôxy, nếu cá có biểu hiện sốc cần giảm nồng độ thuốc hoặc rút ngắn thời gian tắm. Thả cá vào buổi sáng sớm hoặc chiều tối, thả vào đầu chiều gió, trước khi thả đưa túi cá giống xuống ao trong vòng 5 – 10 phút cho cá thích ứng dần với môi trường nước. Tiếp theo đó, mở túi thả cho cá giống ra từ từ.
Nguồn dinh dưỡng chính của cá chim vây vàng chính là thức ăn viên dạng nổi có hàm lượng đạm 40 – 45%, hàm lượng lipid 12 – 15%, không sử dụng thức ăn kém chất lượng, thức ăn bị ẩm mốc. Cho cá ăn tỷ lệ phụ thuộc vào thời gian nuôi và độ lớn nhỏ của cá. Khi cho cá ăn cũng cần quan sát khả năng bắt mồi của cá và lượng thức ăn thừa trong sàng ăn để điều chỉnh lượng thức ăn một cách thích hợp nhất. Cho ăn 2 lần/ngày vào thời điểm 8h và 17h, chỉ nên cho ăn lúc cá bơi gần mặt nước.
Thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường nuôi (độ sâu, độ mặn, nhiệt độ, ôxy hòa tan) và tình trạng sức khỏe cá. Lưu ý thay nước cho ao nuôi theo chế độ thủy triều hoặc lấy nước từ ao chứa. Đảm bảo mực nước ao luôn ở mức >1,2 m. Thay nước ít nhất 2 lần/ tuần từ 20 – 50% khối lượng nước ao, tùy theo chất lượng nước trong ao. Chú ý định kỳ 2 lần/tháng nên sử dụng các loại chế phẩm sinh học để cải tạo môi trường ao nuôi.
Trong kỹ thuật nuôi cá chim vây vàng cần phải chú ý tới một số bệnh do vi khuẩn, ký sinh trùng…. Cá thường có hiện tượng cá bỏ ăn, bụng chướng to, thức ăn trong ống tiêu hóa không tiêu, cá hoạt động kém, bơi chậm chạp, màu sắc của cá từ màu sáng nâu chuyển sang màu xám đen, cá chết rải rác.
Biện pháp phòng trị tốt nhất là cải thiện điều kiện môi trường nuôi luôn phải sạch, không ô nhiễm. Trong quá trình cho cá ăn, nên bổ sung thêm Vitamin C để tăng sức đề kháng cho cá. Khi phát hiện thấy cá bị bệnh, tiến hành thay nước liên tục trong 3 ngày và trộn thuốc kháng sinh vào thức ăn cho cá với liều lượng 3 – 5 g/1 kg thức ăn/ngày. Cho ăn 5 ngày liên tục, mỗi ngày cho ăn một lần vào buổi sáng. Sau khi cho cá ăn thuốc được 5 ngày không còn hiện tượng cá chết rải rác, cá hoạt động bình thường.
Sau 10 – 12 tháng nuôi cá đạt kích cỡ thương phẩm có thể tiến hành thu hoạch. Không thu cá vào những lúc trời nắng to hoặc những ngày thời tiết âm u. Lưu ý trước khi thu hoạch 1 ngày, bà con không được cho cá ăn. Có thể dùng lưới kéo được trên 95% tổng số cá trong ao. Sau đó rút nước để ao cạn và thu hoạch số còn lại trong ao.
Hoàng Yến