Bạc Liêu: Đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

Sơ kết 3 năm thực hiện Đề án xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước cho thấy, chế biến thủy sản xuất khẩu tiếp tục đóng vai trò chủ lực của nền kinh tế với trên 95% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.

Chế biến tôm xuất khẩu tại TX. Giá Rai. Ảnh: K.T

KIM NGẠCH XUẤT KHẨU TĂNG TRƯỞNG

Tính đến thời điểm hiện tại, Bạc Liêu có 48 nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu, với tổng công suất thiết kế khoảng 294.000 tấn/năm. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu thủy sản không ngừng tăng trưởng (năm 2021, kim ngạch xuất khẩu đạt 776,15 triệu USD, năm 2022 đạt 853,16 triệu USD, năm 2023 đạt 1 tỷ USD).

Để có được những kết quả quan trọng trên, cùng với sự năng động của các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu, ngành Công thương đã tăng cường công tác hỗ trợ đầu tư nâng cấp các nhà máy chế biến thủy sản, xúc tiến thương mại (XTTM) và mở rộng thị trường tiêu thụ. Cụ thể, Sở đã tích cực tham mưu cho UBND tỉnh hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị, công nghệ tiên tiến vào các khâu sản xuất cho các DN từ nguồn kinh phí khuyến công. Đồng thời, đẩy mạnh triển khai và đa dạng hóa hình thức các chương trình XTTM quốc gia, khuyến công quốc gia, phát triển thị trường trong nước, xây dựng thương hiệu quốc gia. Tổ chức hội chợ triển lãm, hội nghị kết nối giao thương giữa nhà cung cấp các tỉnh, thành phía Nam với các DN xuất khẩu và tổ chức XTTM từ nguồn kinh phí XTTM quốc gia. Từ năm 2021 – 2023, công tác khuyến công và XTTM đã hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong chế biến thủy sản cho 10 đơn vị, với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 2,8 tỷ triệu đồng. Tổ chức 4 lớp tập huấn khởi sự doanh nghiệp và hội thảo sử dụng năng lượng tiết kiệm; phối hợp tổ chức 6 hội chợ triển lãm và hội nghị trong tỉnh; tham gia 34 hội chợ triển lãm, hội nghị kết nối cung cầu – giao thương ngoài tỉnh…

Ngoài ra, Sở còn hỗ trợ các DN đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử tỉnh và các sàn thương mại điện tử lớn khác như: Shopee, Lazada, Tiki… Qua đó, giúp DN quảng bá, bán sản phẩm thông qua mạng xã hội, cũng như thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm OCOP trên các phương tiện thông tin đại chúng, website Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Bạc Liêu… Hiện nay đã có hơn 200 sản phẩm của 85 thành viên giới thiệu, quảng bá, giao thương và tìm kiếm đối tác tiêu thụ sản phẩm trên sàn…

TẬP TRUNG HỖ TRỢ DN

Thời gian tới, Sở Công thương sẽ tập trung hỗ trợ DN chế biến xuất khẩu trong tỉnh tăng cường đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị và mở rộng quy mô sản xuất, chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu theo hướng tập trung, liên kết phát triển các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, có giá trị gia tăng cao.

Bên cạnh đó, khuyến khích các DN đầu tư chế biến xuất khẩu các mặt hàng mới, các dòng sản phẩm chế biến sâu vào các thị trường mới, đa dạng hóa thị trường nhập khẩu, tránh phụ thuộc nguồn nguyên liệu vào một thị trường. Tuân thủ các quy định tại các thị trường xuất khẩu và chú trọng nghiên cứu thị trường cùng các thủ tục xuất nhập khẩu. Tăng cường tham dự các chương trình hội thảo, diễn đàn, hội chợ triển lãm trong nước và quốc tế do các địa phương, cơ quan Trung ương tổ chức, nhằm tăng cường kết nối trực tiếp. Đây là cơ hội tốt để các DN mở rộng thị trường xuất khẩu; tiếp tục duy trì tốt các thị trường truyền thống như Nhật, Mỹ, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc và đặc biệt là duy trì tốt thị phần tại những thị trường cạnh tranh cao như Mỹ và các nước châu Âu.

Đẩy mạnh hoạt động XTTM, nhằm hỗ trợ các DN tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa của địa phương, đặc biệt là các sản phẩm chủ lực của tỉnh như: thủy sản, gạo, muối và các sản phẩm OCOP. Tranh thủ các chương trình XTTM quốc gia của Bộ Công thương để hỗ trợ các DN tham gia, mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa; phối hợp với các ngành liên quan, các địa phương trong tỉnh hỗ trợ phát triển sản xuất để tạo ra nguồn hàng ổn định, đảm bảo chất lượng, đáp ứng đủ nguồn nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu. Thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan trong công tác đấu tranh, ngăn chặn các hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu, góp phần đảm bảo thị trường phát triển lành mạnh, cung – cầu hàng hóa ổn định, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người sản xuất và người tiêu dùng. Quan tâm công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực để nâng cao chất lượng nguồn lao động trong ngành, nhằm phục vụ tốt cho các hoạt động sản xuất công nghiệp, kinh doanh thương mại và xuất nhập khẩu.

Kim Trung

Nguồn: Báo Bạc Liêu

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!