Đồng Nai: Chủ động phòng tránh lũ lụt

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Thông tin từ Đài Khí tượng thủy văn Đồng Nai, mực nước các sông suối trên hệ thống sông Đồng Nai ở mức cao, có nguy cơ gây ngập lụt các khu vực trũng thấp ven sông suối, ảnh hưởng bất lợi đến hoạt động nuôi trồng thủy sản.

Theo đó, những khu vực thấp ven sông Đồng Nai ở các xã: Đắc Lua, Nam Cát Tiên, Núi Tượng, Tà Lài, Phú Thịnh (huyện Tân Phú) và các xã: Thanh Sơn, Phú Vinh, Phú Tân, Ngọc Định (huyện Định Quán); các vùng trũng thấp ven sông La Ngà ở các xã thuộc các huyện: Tân Phú, Định Quán; huyện Tánh Linh và Đức Linh (tỉnh Bình Thuận) có nguy cơ bị ngập lụt do lũ.

Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ trên sông Đồng Nai tại thượng lưu là cấp 2; tại hạ lưu là cấp 1; trên sông La Ngà là cấp 1.Mực nước trên các sông, suối trên hệ thống sông Đồng Nai ở mức cao, có nguy cơ gây ngập lụt các khu vực trũng thấp ven sông suối, ảnh hưởng bất lợi đến các hoạt động nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp tại các sông suối.

Ông Trần Đình Minh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Nai cho biết, lũ có thể xảy ra trên sông Đồng Nai, sông La Ngà. Khả năng xảy ra các thiên tai khác đi kèm cần đề phòng khả năng mưa lớn kết hợp với lũ gây ngập lụt, sạt lở bờ sông, suối, các khu vực trũng thấp và các địa bàn lân cận khác. 

Do đó, Sở NN&PTNT đề nghị UBND các huyện, thành phố Biên Hòa và Long Khánh chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai, phổ biến đến người nuôi trồng thủy sản trên địa bàn cần theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo và diễn biến thời tiết ảnh hưởng đến sông, hồ tại địa phương; kịp thời thông báo đến hộ nuôi thủy sản biết để chủ động ứng phó, phòng tránh và có kế hoạch sản xuất phù hợp, đảm bảo an toàn về người và tài sản; duy trì thông tin liên lạc nhằm xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.

Người nuôi cá bè trên địa bàn tỉnh cần nhanh chóng kiểm tra, gia cố lại hệ thống dây neo, phao lồng, di chuyển lồng bè vào khu vực kín gió, an toàn, có dòng chảy nhẹ.

Chủ động thu tỉa để giảm mật độ nuôi, khẩn trương thu hoạch thủy sản nuôi đã đạt kích cỡ thương phẩm. Chuẩn bị sẵn sàng máy bơm, máy sục khí, trang thiết bị cần thiết và nhiên vật liệu ứng phó với các biến động môi trường; thường xuyên kiểm tra môi trường và hoạt động của thủy sản nuôi, nhất là những thời điểm nửa đêm và sáng sớm nhằm sớm phát hiện những biểu hiện bất thường và kịp thời xử lý; thu gom, xử lý dọn vớt rác, bao bì đựng thức ăn, túi nilon, vệ sinh lồng, bè thông thoáng.

Thường xuyên kiểm tra pH nguồn nước trước và sau khi mưa để điều chỉnh kịp thời. Định kỳ sử dụng vôi bột, thuốc tím, muối,… giúp ổn định pH nước và diệt các tác nhân gây bệnh cho cá nuôi.

Sau những trận mưa lớn, các hộ nuôi cần xả bớt nước trên tầng mặt; tiến hành chạy máy quạt nước, sục khí nhằm hạn chế sự phân tầng nước đối với những ao nuôi thâm canh có mật độ cao. Người nuôi cũng cần quan tâm bổ sung Vitamin C, chế phẩm sinh học, men tiêu hóa để tăng sức đề kháng cho thủy sản nuôi; Sử dụng thuốc, hóa chất để tiêu độc, khử trùng và xử lý môi trường nước sau khi mưa, bão, lũ tan (nếu bị ô nhiễm) theo hướng dẫn của cơ quan quản lý địa phương.

Thái Thuận

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!