Thanh Hóa: Nhiều diện tích thủy sản bị thiệt hại do mưa lũ

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4 và vùng áp thấp nhiệt đới, trong những ngày qua trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có mưa to, có nơi mưa rất to, mực nước ở nhiều sông dâng cao đã khiến hơn 394 ha nuôi thủy sản truyền thống và 525 m3 lồng, bè bị thiệt hại.

Mặc dù những ngày qua, khi có thông tin về cơn bão số 4, người dân đã chủ động các biện pháp bảo đảm an toàn cho hệ thống ao nuôi trồng thuỷ sản. Tuy nhiên, từ ngày 21/9 đến 24/9 trên địa bàn Thanh Hóa xảy ra một đợt mưa lớn diện rộng, nước lũ từ thượng nguồn đổ về, nước sông dâng cao đã khiến nhiều diện tích nuôi thủy sản bị ngập lụt. 

Theo thống kê của ngành nông nghiệp, toàn tỉnh có hơn 394 ha ao cá truyền thống bị ngập, thiệt hại tại các huyện Thường Xuân 1,31 ha, Quan Hóa 0,7 ha, Bá Thước 9,03 ha, Thạch Thành 66,05 ha, Thiệu Hóa 43,5 ha, Yên Định 23,8 ha, Hoằng Hóa 250 ha và 525 m3 lồng, bè nuôi thả của các huyện Thường Xuân, Bá Thước bị cuốn trôi.

Toàn tỉnh đã có 394 ha nuôi thủy sản truyền thống và 525 m3 lồng, bè bị thiệt hại trong đợt mưa lũ vừa qua. Ảnh: BTH

Ông Mai Văn Thạc, người nuôi thủy sản ở xã Nga Tân, huyện Nga Sơn, cho biết: “Nuôi thủy sản sợ nhất vào mùa bão. Nếu ở những ao nuôi ngoài tự nhiên, mưa lớn cuốn theo lượng lớn chất bẩn, làm gia tăng độ đục trong nước, gây thiếu hụt ôxy có thể làm cá, tôm bị sốc và chết. Đối với diện tích nuôi trong nhà màng, nhà lưới ít bị ảnh hưởng do nguồn nước ô nhiễm thì có thể bị hư hỏng hạ tầng nuôi, cũng gây thiệt hại kinh tế lớn. Do đó, khi có thông tin về mưa bão, chúng tôi đang tập trung giằng néo nhà lưới, tránh bị tốc mái, cuốn bay và gia cố hệ thống bờ, cống thoát nước cho hệ thống nuôi ngoài trời. Những ngày qua, các cấp chính quyền địa phương cũng hỗ trợ, hướng dẫn người nuôi trồng các biện pháp ứng phó, nhằm giảm thiểu thiệt hại khi có mưa bão, lũ lụt xảy ra”.

Hiện, các địa phương đang chủ động hướng dẫn người nuôi các biện pháp phòng chống, khắc phục hậu quả sau mưa lũ xảy ra cho thủy sản nuôi. Chỉ đạo hộ nuôi và huy động các tổ chức đoàn thể ra quân tổng vệ sinh môi trường các vùng nuôi, nạo vét, khơi thông cống, rãnh, kênh mương đảm bảo thoát nước tốt khi xảy ra mưa lũ. Đặt lưới chắn xung quanh bờ nhằm giảm thất thoát gây thiệt hại sản xuất khi mưa lũ kéo dài. Thường xuyên kiểm tra và gia cố bờ ao chắc chắn có khả năng chống chịu khi mưa lũ lớn. Đồng thời, tiến hành vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường ao nuôi, hướng tới thả bổ sung cá giống vào ao nuôi, lồng bè bảo đảm đủ mật độ và cơ cấu cá thả.

Đối với những ao nuôi vẫn còn cá sau ngập lụt, thu gom rác, kiểm tra tu sửa bờ và cống ao nuôi. Tiến hành thay 30 – 50% lượng nước trong ao. Khử trùng nước ao nuôi bằng vôi bột (lượng 1 – 2 kg/100 m3) hoặc dùng Vicato, TCCA, Iodine khử trùng ,diệt khuẩn nước ao nuôi. Dùng các chế phẩm sinh học như EM, A-Qua…sử lý bùn bã hữu cơ, khí độc H2S, NH3 dưới đáy ao. Thường xuyên bật quạt nước, sục khí tăng cường ôxy cho ao nuôi. Bổ sung Vitamin C, men tiêu hóa vào thức ăn tăng cường sức đề kháng cho cá nuôi. 

Theo thống kê của Sở NN&PTNT Thanh Hóa, hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 19.500 ha nuôi trồng thủy sản (gồm 14.000 ha nuôi nước ngọt, 4.500 ha nước lợ và 1.000 ha nước mặn) và 5.740 lồng bè nuôi trồng thủy sản tại khu vực ven biển, ven sông, hồ. Tính đến ngày 6/9, trên địa bàn tỉnh đã thu hoạch được hơn 52.639 tấn thuỷ sản. Trong đó, có 15.789 tấn thuỷ sản nước mặn, 9.660 tấn sản phẩm nước lợ và 26.920 tấn thuỷ sản nước ngọt.

Lê Loan

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!