Nghệ An: Tôm chết hàng loạt do ô nhiễm, dự án cấp nước biển nuôi tôm vẫn chưa vận hành

Chưa có đánh giá về bài viết

Trước thực trạng tôm nuôi thường xuyên chết do nhiễm bệnh, người nuôi tôm ở xã Quỳnh Bảng, huyện Quỳnh Lưu mong sớm đưa vào vận hành dự án cấp nước biển.

Tôm nuôi thường xuyên nhiễm bệnh

Xã Quỳnh Bảng là địa phương có diện tích nuôi tôm lớn nhất trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu với khoảng 100ha, trong đó có 86 hộ nuôi tôm thường xuyên. Đây là địa phương đã xuất hiện tình trạng tôm nuôi chết hàng loạt đợt cuối tháng 4/2024, gây thiệt hại đáng kể. Do đó, trong năm 2024, tỷ lệ hộ dân thả lứa tôm mới sụt giảm so với các năm trước, bởi lo ngại điều kiện nuôi tại địa phương hiện không đáp ứng được sự sinh trưởng của tôm.

Trong vụ tôm chính vừa qua, nhiều ao đầm nuôi tôm của xã Quỳnh Bảng bị chết do ô nhiễm môi trường. Ảnh: Xuân Hoàng

Ông Hồ Đình Ánh, chủ đầm tôm ở xã Quỳnh Bảng, huyện Quỳnh Lưu cho biết: Từ nhiều năm trước, tôm nuôi đã thường bị nhiễm bệnh nhưng chưa năm nào việc nuôi tôm gặp khó như năm nay. Tôm vừa thả chưa được vài ngày đã chết nổi mặt nước, thiệt hại hàng trăm triệu đồng.

Thực trạng tôm nuôi chết hàng loạt do nhiễm bệnh không chỉ tại xã Quỳnh Bảng nói riêng, mà trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu nói chung trong thời gian đầu thả con giống vụ chính.

Ông Hồ Đăng Tâm – Giám đốc HTX Nông nghiệp tổng hợp Quỳnh Bảng trao đổi với PV về thực trạng tôm nuôi thường xuyên nhiễm bệnh. Ảnh: Quang An

Ông Vũ Văn Dương – Chủ tịch UBND xã Quỳnh Bảng băn khoăn, nuôi tôm là nghề chính của người dân địa phương từ hàng chục năm trước. Tuy nhiên, càng về sau nuôi tôm càng khó khăn, do tôm nhiễm bệnh, tỷ lệ chết cao. Năm 2023, tỷ lệ tôm chết do nhiễm bệnh sau khi thả chiếm 50% diện tích, trong khi đó, năm 2024, tỷ lệ tôm chết do nhiễm bệnh sau khi thả tăng lên 90% diện tích. Nguyên nhân tôm nhiễm bệnh một phần do nguồn nước bị ô nhiễm.

Cán bộ Chi cục Thú y vùng 3 và Chi cục Chăn nuôi & Thú y Nghệ An kiểm tra thực trạng tôm chết trên địa bàn xã Quỳnh Bảng trong tháng 5 vừa qua. Ảnh: Quang An

Trước thực trạng đó, trong tháng 5/2024, đoàn công tác của Chi cục Thú y vùng 3 và Chi cục Chăn nuôi & Thú y Nghệ An cũng đã kiể tra và đưa ra những kết luận về nguyên nhân tôm chết, trong đó nhấn mạnh về việc giống tôm trôi nổi, đặc biệt hạ tầng, nguồn nước nuôi tôm bị ô nhiễm khiến tôm giảm sức đề kháng. Do đó, cần thiết phải có nguồn nước đảm bảo để người dân yên tâm thả lứa tôm mới, tiếp tục sống với nghề.

Thực tế, nguồn nước đóng vai trò quan trọng trong quá trình nuôi tôm. Theo tìm hiểu, tại xã Quỳnh Bảng, nước nuôi tôm của các hộ dân được lấy từ kênh chứa tập trung với diện tích 3ha, dung tích khoảng 30.000m3. Từ kênh chứa này có 2 tuyến kênh nhỏ, có kết nối đường ống để dẫn nước vào đến đầm tôm của các hộ. Thực tế hiện nay, nguồn nước này bị ô nhiễm, độ mặn thấp (chỉ 5 -7 phần nghìn), không đáp ứng được việc nuôi tôm, khiến tôm sinh trưởng kém. Do đó, việc lấy nước mặn trực tiếp từ biển vừa đảm bảo độ mặn phù hợp, cũng như giảm thiểu được rủi ro trong quá trình nuôi tôm.

Vùng nuôi tôm Quỳnh Bảng mong muốn công trình cấp nước biển sớm đi vào hoạt động để nghề nuôi tôm phát triển ổn định. Ảnh: Xuân Hoàng

Người nuôi tôm xóm Đông Hưng, xã Quỳnh Bảng cho rằng, ưu tiên hàng đầu vẫn là nguồn nước nuôi tôm đảm bảo chất lượng. Khi có thông tin về dự án cấp nước biển trực tiếp phục vụ nuôi tôm trên địa bàn, bà con rất phấn khởi, tuy nhiên đến nay hệ thống vẫn chưa đưa vào sử dụng, bà con vẫn phải tự túc lấy nguồn nước từ các kênh không đảm bảo chất lượng. Mong muốn của người dân là công trình sớm đi vào hoạt động để yên tâm bám nghề.

Ông Hồ Đăng Tâm – Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp tổng hợp Quỳnh Bảng cho biết: Dự án Xây dựng hệ thống cấp nước biển nuôi tôm công nghiệp theo quy chuẩn VietGAP tại xã Quỳnh Bảng rất thiết thực, giúp bà con vơi bớt nỗi lo nguồn nước ô nhiễm những năm qua. Có được nguồn nước biển trực tiếp sẽ chủ động trong nuôi tôm, nguồn nước sạch sẽ giúp tôm ít bị dịch bệnh, năng suất và sản lượng đạt cao hơn. Mặc dù vậy, công trình vẫn chưa được bàn giao nên bà con rất băn khoăn.

Nghề nuôi tôm đòi hỏi chi phí đầu tư lớn. Ảnh: Xuân Hoàng

Bên cạnh đó, điều người dân lo lắng hiện nay là khi đưa hệ thống đi vào hoạt động, chắc chắn sẽ phát sinh các chi phí vận hành, đặc biệt là tiền điện bơm nước. Trong điều kiện nuôi khó khăn, liên tiếp thất thu những vụ vừa qua, người nuôi tôm trên địa bàn mong muốn được huyện hỗ trợ kinh phí tiền điện bơm nước vào các đầm tôm. Nếu trong trường hợp không được hỗ trợ kinh phí, các hộ dân tự bỏ tiền vận hành hệ thống bơm, Hợp tác xã sẽ tiến hành họp các hộ dân để nắm được tâm tư, ý kiến của bà con.

“Do chưa được bàn giao nên hiện nay địa phương vẫn chưa nắm được quy trình vận hành cụ thể của trạm bơm này. Do đó, chúng tôi mong muốn huyện tạo điều kiện chạy thử hệ thống từ 5 – 10 ngày để bà con nắm được tình hình hoạt động, mức độ điện tiêu thụ, mức tiêu hao nước, công suất máy, từ đó có những tính toán chi phí cụ thể cho việc nuôi tôm lâu dài”, ông Hồ Đăng Tâm cho biết thêm.

Phương án nào để vận hành công trình?

Ông Nguyễn Xuân Dinh – Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu cho rằng: Dự án Xây dựng hệ thống cấp nước biển nuôi tôm công nghiệp theo quy chuẩn VietGAP tại xã Quỳnh Bảng được Nhà nước đầu tư xây dựng từ đầu năm 2021, với tổng vốn đầu tư 60 tỷ đồng. Đến cuối năm 2023, dự án đã cơ bản hoàn thành, với các hạng mục chính: Giải phóng mặt bằng; Hệ thống bơm (bao gồm phần hút và phần cấp); đường điện; nhà vận hành; kênh dẫn và hồ chứa.

Trạm bơm của Dự án Xây dựng hệ thống cấp nước biển nuôi tôm công nghiệp theo quy chuẩn VietGAP tại xã Quỳnh Bảng. Ảnh: Quang An

Tuy nhiên, do phải có đánh giá kỹ thuật của Sở NN&PTNT và Sở Công Thương, bên thi công phải khắc phục một số chi tiết cần thiết, đến tháng 8 vừa qua mới chấp thuận cho việc nghiệm thu kỹ thuật.

Huyện đã có kế hoạch đưa vào sử dụng công trình trong thời gian tới. Theo đó, chậm nhất đến tháng 1/2025 sẽ bàn giao cho xã Quỳnh Bảng, cụ thể là giao cho Hợp tác xã Nông nghiệp tổng hợp Quỳnh Bảng quản lý, vận hành. Tuy nhiên, trước đó huyện sẽ vận hành thử trong thời gian nhất định để hạch toán kinh phí. Vấn đề đặt ra hiện nay là tháo gỡ cơ chế vận hành sao cho phù hợp, vì nếu giao hoàn toàn cho hợp tác xã thì không thể có kinh phí để vận hành.

Khu vực biển Quỳnh Bảng đã được lắp đặt đường ống để lấy nước vào. Ảnh: Quang An

Do đó, huyện đã tính đến phương án đề xuất sử dụng nguồn thủy lợi phí hàng năm để hỗ trợ vận hành, một phần do các hộ nuôi tôm đóng góp. Trường hợp không được sử dụng nguồn thủy lợi phí thì huyện sẽ có giải pháp phù hợp khác.

“Quan điểm của huyện là không phải bàn giao cho xong chuyện, mà sau khi bàn giao cho địa phương quản lý, khai thác là phải vận hành được, nếu không thì rơi vào tình trạng “đắp chiếu” thì lãng phí dự án hàng chục tỷ đồng. Ngay cả sau khi bàn giao, hàng năm phải có nguồn kinh phí bảo trì, bảo dưỡng, vì công trình có trạm bơm, cần phải bảo dưỡng theo định kỳ”, ông Nguyễn Xuân Dinh cho biết.

Hồ chứa nước sau khi bơm trực tiếp từ biển vào. Từ hồ chứa này, các hộ nuôi tôm ở xã Quỳnh Bảng lấy nước vào ao đầm để nuôi tôm. Ảnh: Xuân Hoàng

Nuôi tôm mặn lợ là nghề đòi hỏi đầu tư lớn ngay từ lúc thả con giống, nếu tôm bị nhiễm bệnh là gây thiệt hại lớn đối với người dân. Từ nhiều năm lại nay, tôm nuôi thường xuyên chết do nhiễm bệnh, nguyên nhân một phần do ô nhiễm nguồn nước. Do đó, giải quyết được khâu đầu vào nguồn nước, không sử dụng nguồn nước từ kênh mương là mong muốn của người nuôi tôm bấy lâu nay.

Nguồn: Báo Nghệ An

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!