Mỹ rà soát thuế chống bán phá giá với ba sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Trong một động thái mới nhất, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã chính thức khởi động cuộc rà soát hành chính đối với ba sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là cá tra – basa fillet đông lạnh, ống đồng và mật ong. Điều này đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu các sản phẩm này có thể đối mặt với nguy cơ tăng thuế chống bán phá giá.

Chiều 1/10, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã đăng thông báo khởi xướng rà soát hành chính đối với ba sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam đang bị áp thuế chống bán phá giá (CBPG) là cá tra – basa fillet đông lạnh, ống đồng và mật ong.

Cụ thể, sản phẩm cá tra – basa fillet đông lạnh và ống đồng có thời kỳ rà soát từ 1/8/2023 đến 31/7/2024 còn mật ong có thời kỳ rà soát từ 1/6/2023 đến 31/5/2024.

Theo quy định pháp luật của Mỹ, trong vòng 35 ngày kể từ ngày đăng thông báo khởi xướng rà soát (dự kiến ngày 25/10/2024), Bộ Thương mại Mỹ sẽ lựa chọn doanh nghiệp làm bị đơn bắt buộc trong các vụ việc dựa trên lượng xuất khẩu của doanh nghiệp từ cao đến thấp theo số liệu của Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Mỹ (CBP) hoặc bản trả lời câu hỏi Lượng và Giá trị (Q&V) của các doanh nghiệp xuất khẩu.

Cục Phòng vệ thương mại lưu ý, DOC sẽ không cộng gộp lượng xuất khẩu từ các công ty liên kết với nhau để lựa chọn bị đơn bắt buộc, trừ khi Bộ Thương mại Mỹ đã từng quyết định như vậy trong một cuộc điều tra/rà soát trước đây trong khuôn khổ vụ việc đó.

Theo quy định, trong trường hợp doanh nghiệp sản xuất/xuất khẩu có tên trong danh sách rà soát tại thông báo khởi xướng nhưng không có hoạt động xuất khẩu trong thời kỳ rà soát, doanh nghiệp phải thông báo cho DOC trong vòng 30 ngày kể từ ngày đăng thông báo khởi xướng rà soát, dự kiến ngày 20/10/2024 để DOC xem xét cách thức xử lý. Ngoài ra, trong vòng 90 ngày kể từ ngày đăng thông báo khởi xướng, các bên có thể rút đơn yêu cầu rà soát của mình, dự kiến ngày 19/12/2024. DOC có thể gia hạn thời gian 90 ngày này tùy từng vụ việc.

Đối với những quốc gia mà Mỹ coi là nền kinh tế phi thị trường như Việt Nam, để có thể hưởng thuế suất riêng rẽ, doanh nghiệp phải đồng thời trả lời Bản câu hỏi Lượng và Giá trị theo thời hạn yêu cầu và nộp đơn xin hưởng thuế suất riêng rẽ trong vòng 30 ngày kể từ ngày đăng thông báo khởi xướng rà soát, dự kiến ngày 20/10/2024. Dự kiến, Bộ Thương mại Mỹ sẽ ban hành kết luận cuối cùng của đợt rà soát muộn nhất vào ngày 31/8/2025.

Tuệ Lâm

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!