Bệnh vi bào tử trùng EHP trên tôm: Nguyên nhân và cách phòng trị

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Bệnh vi bào tử trùng trên tôm là bệnh do ký sinh trùng Enterocytozoon hepatopenaei (EHP) gây ra. Hiện bệnh đang có chiều hướng gia tăng, gây thiệt hại nặng nề về kinh tế cho người nuôi.

Bệnh vi bào tử trùng EHP là bệnh do ký sinh trùng Enterocytozoon hepatopenaei gây ra. Enterocytozoon hepatopenaei có khả năng ký sinh trong tế bào gan tụy của tôm. EHP khi tiếp xúc với tế bào gan tụy sẽ làm thủng màng plasma của tế bào gan tụy, sau đó bào tử EHP sẽ tiến hành đưa trực tiếp tế bào chất vào trong tế bào. Bên trong tế bào, EHP hấp thụ dinh dưỡng và nhân lên. Sau một thời gian, các tế bào biểu mô của gan tụy tôm sưng lên và cuối cùng bị phá vỡ để giải phóng các bào tử EHP mới trưởng thành. EHP từ đó lan ra các tế bào lân cận.

Đặc điểm dịch tễ bệnh vi bào tử trùng EHP

Vi bào tử trùng (EHP) có hai nguồn lây nhiễm:

Từ trong môi trường: Chúng ký sinh trên các vật chủ khác như cá, hàu, nghêu, sò,… phát triển và phát tán ra môi trường là nguồn lây nhiễm chủ yếu.

Từ nguồn tôm giống: Nguồn tôm bố mẹ mang mầm bệnh và lây cho tôm giống, do đó khi lấy giống nuôi phải kiểm tra kỹ bằng PCR (cỡ tôm phải PL12 – 15).

Bệnh thường xuất hiện nhiều vào mùa mưa. Theo kết quả từ nghiên cứu của Lê Hồng Phước và Nguyễn Hồng Lộc (2019), tỷ lệ nhiễm EHP trên tôm thẻ chân trắng nuôi thương phẩm ở Cà Mau thường cao hơn vào mùa mưa (40%) và thấp hơn vào mùa khô (25%).

Phòng bệnh tổng hợp là biện pháp để kiểm soát tốt nhất bệnh vi bào tử trùng EHP. Ảnh: ST

Triệu chứng bệnh vi bào tử trùng EHP

Biểu hiện rõ rệt nhất của EHP là sau 20 – 30 ngày tuổi, quan sát thấy tôm rất chậm lớn, kích cỡ tôm không đồng đều, có thể đạt trọng lượng từ 3 – 4 g thì ngừng lớn hẳn. Tôm có hiện tượng mềm vỏ, chết rải rác, giảm ăn, rỗng ruột, phân đứt khúc, đốt ruột cuối bị trống, đường ruột bị cong, bị đục cơ, có nhiều đốm trắng đục trên cơ thể tôm. Tôm có hiện tượng ruột xoắn như lò xo (một vài con), ruột tôm không chặt chẽ.

Chẩn đoán bệnh vi bào tử trùng EHP thông qua các dấu hiệu lâm sàng. Tuy nhiên, để chẩn đoán chính xác, có thể sử dụng các phương pháp: Soi dưới kính hiển vi (nhuộm Hematoxylin và Eosin), kính hiển vi điện tử, lai tại chỗ, PCR, Realtime PCR, LAMP,… Trong đó, phương pháp sinh học phân tử Realtime PCR là phương pháp hiện đại, cho kết quả nhanh, chính xác.

Phòng trị bệnh vi bào tử trùng EHP

Hiện tại vẫn chưa có giải pháp cụ thể cho bệnh này. Vì vậy, để ngăn sự lây lan của bệnh do EHP, người nuôi tôm được khuyến cáo áp dụng một số biện pháp phòng bệnh tổng hợp như sau: 

Trại sản xuất giống:

– Xây dựng và triển khai các quy trình quản lý, kỹ thuật đảm bảo an toàn sinh học trong trại giống.

– Triển khai giám sát bệnh qua các chương trình tầm soát định kỳ trong quá trình sản xuất.

– Thực hiện các chương trình phòng bệnh tổng hợp, nâng cao sức khỏe của ấu trùng và tôm nuôi. 

– Kiểm soát chất lượng vật có thể mang mầm bệnh như thức ăn tươi sống.

Trong ao nuôi:

Cần đảm bảo rằng nguồn cung cấp ấu trùng Postlarvae âm tính với EHP bằng phương pháp PCR và thực hiện các biện pháp an toàn sinh học thích hợp trước và sau khi thả giống để ngăn ngừa nhiễm bệnh.

Chủ động xét nghiệm EHP khi tôm được 30 ngày tuổi và 60 ngày tuổi hoặc khi thấy dấu hiệu nghi ngờ tôm bị bệnh EHP. Xét nghiệm EHP bằng phương pháp PCR thường cho kết quả rất chính xác.

Cần tuân thủ đúng quy trình cải tạo ao để loại bỏ được mầm bệnh tồn tại từ vụ nuôi trước. Đối với ao lót bạt cần được chà sạch, phơi nắng, xử lý bằng vôi để loại bỏ vi bào tử trùng, rửa, xử lý bằng Chlorine ít nhất 30 ppm, diệt khuẩn nước kỹ trước khi gây màu. Đối với ao đất cần cày và phơi khô đáy ao ít nhất 2 – 3 tuần. Xử lý bằng vôi, sau đó rửa ao, xử lý bằng Chlorine ít nhất 30 ppm, diệt khuẩn kỹ trước khi cấp nước và gây màu. Cần xử lý ao và kiểm tra mật độ Vibrio trong nước và trong đất kỹ trước khi gây màu. 

Trong suốt quá trình nuôi, định kỳ sử dụng chế phẩm sinh học (probiotics) phù hợp để ngăn chặn sự tích tụ của vật chất hữu cơ dưới đáy ao nuôi. Đồng thời, kết hợp với biện pháp thay nước để giảm tối đa sự tích tụ của vật chất hữu cơ trong ao nuôi nhằm hạn chế sự phát triển của các bào tử EHP lây nhiễm trên tôm. Thường xuyên kiểm tra sàng ăn để tránh trường hợp cho ăn thừa làm ảnh hưởng đến chất lượng nước và tạo điều kiện cung cấp nguồn dinh dưỡng cho các nhóm tác nhân gây bệnh phát triển. Kiểm tra thường xuyên màu sắc gan tụy, biểu hiện bên ngoài (màu sắc, tình trạng cứng của vỏ tôm), phân đều về kích cỡ,…

Theo dõi chặt các yếu tố cơ bản trong ao nuôi như pH, nhiệt độ, độ kiềm, oxy hòa tan để kịp thời điều chỉnh, tránh hiện tượng tôm bị sốc do môi trường sẽ tạo điều kiện cho mầm bệnh phát huy tác dụng và gây bùng phát dịch bệnh.

Thái Thuận

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!