Cách khắc phục cá rô phi bị bệnh rận cá

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Hỏi: Cá rô phi ngứa ngáy, bơi lội không định hướng, ăn kém, trên cơ thể có một số phần bị loét, xuất hiện đốm trắng đục. Hỏi nguyên nhân và biện pháp khắc phục?

(Trần Văn Hải, xã Hoằng Châu, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa)

Trả lời:

Với các triệu chứng trên, có thể cá rô phi bị bệnh rận cá. Rận cá thường ký sinh ở vây, mang cá rô phi, làm cho da cá bị viêm loét tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng khác xâm nhập, vì vậy nên nó thường cùng lưu hành với bệnh đốm trắng, bệnh đốm đỏ, lở loét nên dẫn đến làm cá chết hàng loạt. Cá bị rận ký sinh có cảm giác ngứa ngáy, vận động mạnh trên mặt nước, cường độ bắt mồi giảm. Rận cá ký sinh ở nhiều loài cá nuôi. Cá rô phi nuôi mật độ dày, rận cá ký sinh đã gây chết hàng loạt ở các đầm nước lợ hoặc nước ngọt. Bệnh thường xảy ra vào mùa mưa bão, khi thời tiết thất thường, chất lượng nước ao nuôi thay đổi đột ngột. Để trị bệnh, dùng Iodine với liều lượng 2 g/m³ nước, tắm cho cá liên tục 3 – 5 ngày kết hợp dùng Oxytetracyline 5g trộn vào 1kg thức ăn cho cá ăn liên tục trong 5 – 7 ngày.

Để phòng bệnh, cần thường xuyên theo dõi mực nước, màu nước trong ao để kịp thời điều chỉnh; theo dõi thời tiết, nhất là những tháng chuyển mùa và những ngày chuyển trời để kịp thời điều chỉnh lượng thức ăn.

Đảm bảo môi trường ao nuôi luôn được ổn định bằng cách sử dụng vôi bột, vôi nước bón định kỳ với liều lượng tùy theo đối tượng nuôi. Ví dụ: Nuôi cá rô phi định kỳ 7 – 10 ngày/lần bón 1 – 2 kg/100 m³ nước. Có thể sử dụng hóa chất khác như Zeolite bón vào 3 tháng cuối chu kỳ nuôi để hấp thu các độc tố (NH3, H2S) và kim loại nặng, liều dùng 1 – 2 kg/100 m³ hoặc định kỳ 10 ngày/lần. Thường xuyên quan sát tình trạng cá bơi lội trong ao.

Ban KHKT

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!