(TSVN) – Hỏi: Sau mưa kéo dài, một số tôm trong ao không duỗi thẳng được, phần thân xuất hiện trắng đục. Hỏi đây là bệnh gì và biện pháp khắc phục ra sao?
(Nguyễn Văn Sơn, thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau)
Trả lời:
Theo mô tả, có thể tôm bị bệnh đục cơ. Hiện tượng đục cơ ở tôm thẻ chân trắng xuất hiện ở giai đoạn tôm từ 10 ngày tuổi đến khi trưởng thành. Khi bị bệnh tôm có các biểu hiện như phần mô cơ chạy dọc theo cơ thể tôm trở nên trắng đục kèm theo hiện tượng cong thân và chết sau một thời gian nhiễm bệnh vì không thể duỗi ra được. Bệnh đục cơ thường xuất hiện chủ yếu vào mùa mưa, lúc này điều kiện môi trường ao nuôi bị biến động liên tục khiến cho các chỉ số ao nuôi không ổn định. Đặc biệt là vấn đề biến động nhiệt độ và thiếu khoáng chất trong ao tôm. Tuy là căn bệnh không nguy hiểm nhưng sẽ gây chết rải rác với tỷ lệ lên đến 60% và gây thiệt hại cho người nuôi.
Tóm lại, bệnh cong thân đục cơ, nguyên nhân chính gây bệnh là do tôm thiếu một số khoáng vi lượng cần thiết, vì vậy để phòng bệnh, cần cung cấp khoáng ngay từ đầu quá trình nuôi, không nên để thiếu ôxy và tích tụ khí độc dưới đáy ao rồi mới xử lý. Ngoài ra, cần đảm bảo pH và độ kiềm ổn định trong ngưỡng cho phép và không để tôm tiếp xúc với những thay đổi đột ngột về độ mặn hoặc nhiệt độ. Người nuôi có thể bổ sung khoáng cho tôm bằng hai cách: cách thứ nhất là hòa tan trực tiếp khoáng vào trong nước ao nuôi, cách thứ 2 là trộn vào thức ăn cho tôm ăn để dễ dàng hấp thụ trực tiếp vào cơ thể tôm.
Ban KHKT