Nuôi biển Quảng Ninh – Quyết tâm làm lại từ đầu

Chưa có đánh giá về bài viết

“Làm lại” là lời những người NTTS Quảng Ninh nói với nhau sau bão số 3 (Yagi). Từ đống hoang tàn, đổ nát do thiên tai, tinh thần, khí thế và kết quả “làm lại” của ngư dân Quảng Ninh khiến không ít người bất ngờ. Nhưng NTTS Quảng Ninh “làm lại” thế nào để bền vững, có thể giảm thấp nhất thiệt hại trong mọi biến cố không ngờ tới nhất, đó là câu chuyện thật sự cần được quan tâm lúc này.

Vợ chồng ông Nguyễn Sỹ Bính (xã Hạ Long, huyện Vân Đồn) gia cố lại thiết bị NTTS để chuẩn bị tái sản xuất.

“Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây”

Câu thành ngữ trên quá đúng với ngư dân Vân Đồn lúc này. Ở vùng trung tâm NTTS của tỉnh, ngay sau bão, một cuộc “chạy đua” đúng nghĩa ở cả trên bờ, dưới biển đã diễn ra. Chính quyền “chạy đua” về kiểm kê thiệt hại, rà soát chính sách hỗ trợ, để giao tạm mặt nước biển cho dân, kéo “ông ngân hàng”, “ông phao nổi” chung tay giúp dân. Người dân chạy đua với việc tìm lại phao nổi, lồng bè đã bị trôi nổi, trục vớt lại ghe tàu đã bị đắm chìm, chạy đua để tìm con giống, tìm lao động, tìm phương tiện nhằm gia cố, đóng mới hạ tầng NTTS, nhằm thả được lứa giống mới sớm nhất.

Anh Đoàn Hồ Nghĩa, xã Đông Xá, huyện Vân Đồn, cho biết: Chúng tôi vớt vát những gì còn lại sau bão, dồn những đồng tiền cuối cùng của gia đình, huy động thêm bạn bè hỗ trợ để bắt đầu lại mùa vụ mới. Tin rằng mất từ biển sẽ lấy lại được từ biển.

Giống như anh Nghĩa, vợ chồng ông Nguyễn Sỹ Bính (xã Hạ Long, huyện Vân Đồn) không còn thời gian mà tiếc nuối hơn 10ha nuôi hàu gần đến kỳ thu hoạch của mình đã trôi theo bão, thay vào đó, ông bà chạy đua để có thể thả giống vào tháng 10 này. Ông Bính cho biết: Nếu bây giờ không thả giống ngay thì hết cơ hội. Hiện nhiệt độ dòng nước vẫn mát, con giống thả xuống dễ thích nghi, khoẻ mạnh và phát triển được, chứ chỉ khoảng tháng sau, nước lạnh dần theo mùa thì không giống nào sống được, thả giống là thất bại.

Ngư dân Vân Đồn thu gom lại phao nổi HDPE đã bị tan vỡ do bão để chuẩn bị sản xuất.

Ông Đào Văn Vũ, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Đồn, cho biết: Địa phương đã sát cánh cùng bà con NTTS khắc phục hậu quả bão rất sớm, rất chủ động. Các cuộc kiểm tra thực tế trên biển để đánh giá, xác định, thẩm định mức độ thiệt hại được tiến hành từ ngày 8/9, một ngày sau bão tan. Nhiều hội nghị các cấp đã được diễn ra để giúp người dân tiếp cận chính sách một cách nhanh nhất, trong đó có các chính sách về khoanh, giãn nợ, giảm lãi suất, cho vay mới… vốn là những thứ mà người NTTS đang cần nhất lúc này. Huyện Vân Đồn cũng là địa phương đầu tiên trong tỉnh tiến hành giao tạm mặt nước biển cho người dân có mặt bằng để sản xuất.

Tính đến hết ngày 11/10, huyện Vân Đồn đã tạm giao mặt nước biển cho 57 HTX, với tổng số 912 thành viên, tổng diện tích tạm giao khoảng 5.500ha, tăng 42% so với trước bão. Người dân đã thả phao nuôi hàu được khoảng 1.000ha; xuống giống mới được 200ha. Đối với nuôi cá, huyện đã khôi phục được 2.650 ô lồng cá, đạt 50% trước khi bão số 3 xảy ra.

Cùng với Vân Đồn, nhịp độ tái sản xuất NTTS trên biển sau bão diễn ra khẩn trương trên toàn tỉnh. TX Quảng Yên – nơi bị bão số 3 cày xới vùng biển, người dân NTTS ở đây gần như trắng tay, tính đến ngày 10/10, một số hộ NTTS đầu tiên của Quảng Yên đã thả giống. Ngân hàng NN&PTNT TX Quảng Yên cũng đã hoàn thiện hồ sơ cho vay vốn để NTTS trên biển đối với 16 hộ dân, tổng dư nợ trên 16 tỷ đồng.

Trên cảng Cái Rồng (huyện Vân Đồn), bà con ngư dân khẩn trương vận chuyển phao nổi để tái sản xuất.

Các vùng NTTS khác trên biển như Cẩm Phả, Đầm Hà, Hải Hà, Móng Cái do tỷ lệ thiệt hại do bão khoảng 20-50% nên công tác khôi phục, tái thiết sản xuất diễn ra nhanh hơn. Ở các vùng này, các hộ NTTS chú trọng bảo vệ đàn thuỷ sản nuôi đang có, đảm bảo tốt nhất về môi trường sống và sức khoẻ cho vật nuôi; bổ sung dưỡng chất, phân loại vật nuôi để có chế độ chăm sóc phù hợp; tổ chức vệ sinh lồng, lưới, tránh tình trạng cá nhiễm bệnh từ môi trường nuôi…

Cần tránh làm theo lối cũ

Những kết quả tái sản xuất trong thời gian rất ngắn vừa qua của người dân NTTS Quảng Ninh cho thấy tình yêu, niềm tin ở biển, quyết tâm và khát vọng làm lại, lấy lại những gì đã mất từ biển là rất lớn. Tuy nhiên người ta lo rằng nếu vẫn cứ làm lại theo lối cũ, NTTS Quảng Ninh vẫn cứ “hở sườn”, người NTTS sẽ vẫn gặp những khó khăn không tháo gỡ nổi như trong cơn bão số 3 vừa qua.

Ông Vũ Đức Hưởng, Chủ tịch UBND huyện Vân Đồn, cho biết: Sau bão, nhiều những bất cập, yếu kém từ cả phía người dân và chính quyền đã lộ ra. Trong khi bão số 3 lấy đi khoảng 3.600 tỷ đồng của người NTTS toàn tỉnh, thì riêng Vân Đồn là khoảng 2.300 tỷ đồng, bao gồm 1.200 hộ NTTS bị sóng gió phá vỡ lồng lưới, giàn bè, làm thất thoát trên 32.000 tấn hải sản đến kỳ thu hoạch. Theo quy định hiện hành, số thiệt hại trên sẽ được tính toán đền bù, hỗ trợ một phần từ những chính sách hiện hành, tuy nhiên việc này lại đang gặp khó ở mức gần như không thể thực hiện được.

Cơ sở NTTS ở khu vực xã Hạ Long, huyện Vân Đồn của Công ty CP Tập đoàn nhựa HDPE Trường Phát nhanh chóng tìm lại được hạ tầng nuôi của mình nhờ hệ thống định vị.

Theo ông Phan Thanh Nghị, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, hiện có nhiều chính sách của nhà nước để hỗ trợ người dân bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Tại Quảng Ninh, sau bão số 3, các địa phương và người dân rất nỗ lực kiểm đếm thiệt hại, tuy nhiên tính đến thời điểm này, đã hơn một tháng bão tan, toàn tỉnh chưa có hộ NTTS nào được hưởng chính sách hỗ trợ của nhà nước. Nguyên nhân bởi không đáp ứng được các tiêu chuẩn của chính sách; không kiểm đếm được tài sản trước và sau bão để xác định thiệt hại. Đây đều là những yêu cầu bắt buộc, cốt lõi để có thể hưởng thụ chính sách hiện hành.

Ông Hà Thanh Định, cán bộ địa chính thị trấn Cái Rồng, huyện Vân Đồn cho biết: Các hồ sơ của bà con chúng tôi nhận được hiện nay đều không có đăng ký chính quyền cấp xã xác nhận về kê khai khi bắt đầu thả giống. Đây là điều kiện thứ hai trong Nghị định 02/2017/NĐ-CP về cơ chế chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Bà Nguyễn Thị Luyến, cán bộ văn phòng phường Tân An, TX Quảng Yên cho biết thêm: Phường và thị xã đã rà soát cẩn thận những hồ sơ đề nghị hỗ trợ thiệt hại của bà con NTTS và thấy rằng tất cả đều không đạt theo quy định của Nghị định 02, đặc biệt là điều kiện đầu tiên của Nghị định là sản xuất không trái với quy hoạch.

Có thể thấy lối làm dựa vào kinh nghiệm truyền thống, thiếu quan tâm và đánh giá đúng những quy định pháp luật của các hộ NTTS cũng như sự buông lỏng, chủ quan từ phía chính quyền cơ sở khiến cho việc triển khai những chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng thiệt hại sau bão số 3 đang gặp khó khăn.

Xã viên HTX Hàu sữa Vân Đồn kiểm tra giống trước khi thả vụ mới.

Hướng tới cách làm chuyên nghiệp

Sau cơn bão số 3, người ta ngạc nhiên khi cơ sở NTTS ở khu vực xã Hạ Long, huyện Vân Đồn của Công ty CP Tập đoàn nhựa HDPE Trường Phát nhanh chóng xác định vị trí và thu hồi được toàn bộ hệ thống cơ sở lồng bè của mình, dù trước đó đã bị bão kéo trôi trên biển.

Anh Nguyễn Văn Thắng, cán bộ phụ trách farm nuôi Vân Đồn cho biết: Hệ thống lồng bè của chúng tôi được làm từ chất liệu nhựa HDPE, được lắp ráp với nhau từ nhiều modun, mỗi modun đều có số hiệu và dữ liệu để tìm kiếm, vì vậy chúng tôi đã nhanh chóng tìm hạ tầng nuôi về, giảm đi mức độ thiệt hại cũng như giúp chúng tôi có thể nhanh chóng tái sản xuất.

Bà Nguyễn Hải Bình, Giám đốc Công ty CP Tập đoàn nhựa HDPE Trường Phát cho biết: Trường Phát đã và đang hiện đại hoá, công nghệ hoá sản phẩm của mình, một trong số đó là việc cài đặt dữ liệu cho sản phẩm. Tới đây Trường Phát sẽ có những hệ thống lồng bè mà trong điều kiện bão lớn sẽ tự động được đánh chìm xuống đáy biển và bảo toàn đàn cá nuôi đang có trong môi trường lưới 3 chiều. Với công nghệ này, tôi cho là đáng để đầu tư nếu hướng tới việc sản xuất bền vững.

Ngay sau bão, huyện Vân Đồn là địa phương đầu tiên trong toàn tỉnh tiến hành giao tạm mặt biển cho các hộ NTTS triển khai sản xuất. Ông Hà Văn Ninh, Phó Phòng NN&PTNT huyện Vân Đồn cho biết: Vị trí, diện tích khu vực biển mà huyện giao tạm cho người dân nằm trong quy hoạch đã được huyện phê duyệt. Chúng tôi xây dựng phương án giao trên cơ sở thông số thực tế của các hộ nuôi đã được rà soát trước đó và có tính đến hệ thống giao thông nội thuỷ vùng nuôi và sức tải môi trường nuôi. Trong quá trình bà con triển khai NTTS thực tế tại vị trí mặt nước biển được giao, chúng tôi sẽ có giám sát, điều chỉnh phù hợp, đảm bảo vị trí nào đã giao cũng có thể đóng lọc, thả dây, làm giàn, giúp bà con sản xuất hiệu quả.

Lãnh đạo xã Hạ Long (huyện Vân Đồn) cùng người dân thực hiện tạm giao nhận mặt nước biển để NTTS.

Anh Đỗ Mạnh Ninh, Chủ tịch UBND xã Hạ Long, huyện Vân Đồn cho biết thêm: Giao tạm mặt nước biển là cách giúp bà con yên tâm sản xuất, cũng là cách giúp công tác quản lý NTTS chặt chẽ, đúng quy phạm hơn, tránh tình trạng khó xác định khối lượng tài sản trước và sau thiên tai như hiện nay.

Đối với TX Quảng Yên, địa phương này trước đó không nằm trong quy hoạch NTTS của tỉnh, vì vậy mà gần như toàn bộ số hộ NTTS trên vùng biển Quảng Yên đều là nuôi ngoài, trái quy hoạch. Hiện nay, TX Quảng Yên đã có Đề án phát triển NTTS trên biển TX Quảng Yên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, theo đó 850ha mặt nước biển đã được quy hoạch dành cho NTTS. Trong bối cảnh tái thiết sản xuất thuỷ sản sau bão, địa phương này cương quyết đưa các hộ NTTS vào đúng vị trí quy hoạch. Cùng với đó, TX Quảng Yên đẩy mạnh việc chuyển đổi phao xốp sang phao nổi HDPE, lấy đây là điều kiện tiên quyết để xét duyệt vào vùng NTTS đã được quy hoạch của thị xã.

Ông Nguyễn Văn Bắc, Phó Chủ tịch UBND TX Quảng Yên cho biết: Do nhiều nguyên nhân, phần lớn hộ NTTS của Quảng Yên đều sản xuất chưa đúng quy hoạch. Chúng tôi đã triển khai những giải pháp để đưa người dân vào sản xuất quy hoạch, trong bối cảnh hiện nay có thể coi là cơ hội để Quảng Yên tái sản xuất thuỷ sản một cách bài bản, đúng quy định pháp luật.

Với việc tái thiết sản xuất quy củ, cơ hội để NTTS trên biển Quảng Ninh phát triển bài bản hơn, bền vững, giá trị cao.

Cùng với những giải pháp trên, một trong những nội dung quan trọng đã được rút ra qua cơn bão Yagi đó là đã đến lúc các hộ NTTS trên biển nghĩ đến những biện pháp tự bảo vệ tài sản cho mình, trong đó có việc cân nhắc tham gia những bảo hiểm tài sản phù hợp.

Có thể thấy trước tình hình thiên tai, dịch bệnh bất ngờ và ngày càng diễn biến phức tạp, việc triển khai sản xuất kinh doanh nói chung, NTTS trên biển nói riêng nhất thiết phải quy củ, đúng quy định pháp luật. Đây là điều kiện để sản xuất NTTS trên biển Quảng Ninh vừa được quản lý, vừa được bảo vệ, tránh tình trạng thua thiệt, khó thêm khó như qua trận bão số 3 vừa qua.

Ông Nghiêm Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, khẳng định: Nghiêm túc thực hiện kế hoạch, quy trình, quy phạm, yêu cầu vật tư, vật liệu, cơ sở nuôi trồng, kê khai ban đầu vật nuôi, khối lượng, thời gian để đảm bảo nuôi trồng phù hợp quy định pháp luật và được theo dõi kiểm soát bởi cơ quan chính quyền… đó là những việc quan trọng, buộc phải làm. Đây không chỉ đáp ứng hồ sơ bồi thường khi thiên tai dịch bệnh, mà trên hết còn là đảm bảo sự phát triển bền vững, giá trị cao của hoạt động NTTS trên biển, phát huy được lợi thế của biển, lấy biển để cải thiện và làm giàu đời sống nhân dân, thúc đẩy chiến lược kinh tế biển của toàn tỉnh.

Việt Hoa
Nguồn: Báo Quảng Ninh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!