Phương án phục hồi sản xuất sau mưa bão

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Những trận mưa bão lớn đã gây ra thiệt hại không nhỏ cho các hộ nuôi trồng thủy sản. Người nuôi cần chú ý thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh tổng hợp xử lý kịp thời nhằm đảm bảo khôi phục sản xuất nuôi trồng thủy sản nhanh chóng và bền vững sau bão, đồng thời phòng ngừa rủi ro cho các đợt thời tiết xấu tiếp theo.

Các biện pháp kỹ thuật

Biện pháp chung:

Thu gom, xử lý rác thải và thủy sản chết: Đảm bảo việc xử lý đúng quy định, tránh ô nhiễm môi trường và phát sinh dịch bệnh tại các vùng nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là vùng ven biển.

Thống kê và đánh giá thiệt hại: Tổng hợp nhu cầu và hỗ trợ kịp thời cho người dân bị ảnh hưởng, đồng thời xây dựng kế hoạch khôi phục nuôi trồng thủy sản, cung cấp các yếu tố đầu vào như con giống, thức ăn, vật tư môi trường và gia cố lồng bè.

Hướng dẫn kỹ thuật phục hồi: Chăm sóc đàn thủy sản còn lại, sửa chữa lồng bè, ao nuôi bằng các vật liệu bền vững, thân thiện với môi trường và chịu được điều kiện khắc nghiệt sau bão.

Quan trắc và giám sát môi trường: Thường xuyên kiểm tra và chuyển tải thông tin về tình trạng môi trường đến người dân, giúp họ điều chỉnh kỹ thuật nuôi trồng phù hợp với điều kiện thực tế.

Theo dõi thời tiết và phòng chống dịch bệnh: Cập nhật diễn biến thời tiết để hướng dẫn các biện pháp phòng ngừa và xử lý dịch bệnh trên thủy sản, bảo đảm an toàn trong quá trình nuôi trồng.

Đối với các ao đầm, lồng đang nuôi thủy sản: Tăng cường các biện pháp cải thiện môi trường nước ao nuôi cần xả bớt nước trên tầng mặt để giảm bớt lượng nước mưa trong ao; đồng thời tiến hành chạy máy quạt nước, sục khí nhằm hạn chế sự phân tầng nước đối với những ao nuôi thâm canh và bán thâm canh. Bên cạnh đó, vệ sinh, làm sạch khu vực nuôi, lồng nuôi, rải vôi xung quanh bờ ao (khoảng 10 kg/100 m²), kết hợp bón vôi cho ao, đầm nuôi để ổn định pH nước và làm giảm độ đục của nước ao.

Đối với ao nuôi thủy sản nước ngọt thì lượng vôi bón 0,7 – 1 kg/100 m³ nước; đối với ao nuôi thủy sản nước mặn lợ thì lượng vôi bón 2 – 3 kg/100 m³ nước; đối với các ao nuôi nước lợ có thể tháo bớt nước tầng mặt, tăng cường vận hành máy quạt nước hoặc các biện pháp khuấy đảo nước, tránh hiện tượng phân tầng nước ao nuôi. Sử dụng các loại chế phẩm sinh học để làm sạch các chất cặn, chất lắng tụ đáy ao.
Các ao nuôi có quạt nước, sục khí đáy ao sử dụng các loại hóa chất có tính sát khuẩn cao nằm trong danh mục thuốc hóa chất được phép sử dụng theo quy định… để khử trùng nguồn nước trong quá trình nuôi.

Đối với thủy sản nuôi lồng treo túi vôi 2 – 4 kg/10 m³ nước, hoặc bột đồng sunfat 50 g/10 m³…trong lồng nuôi phía đầu nguồn nước, độ sâu của túi vôi hoặc túi thuốc treo bằng 1/3 – 1/2 độ sâu mực nước trong lồng nuôi. Riêng các lồng nuôi cá nước mặn lợ có thể thu hoạch hoặc di chuyển lồng đến nơi nước sạch và có độ mặn ổn định hoặc di chuyển cá vào ao nuôi có đầy đủ thiết bị sục, đảo khí.

Theo dõi chặt chẽ mức độ sử dụng thức ăn để có biện pháp điều chỉnh phù hợp, tránh dư thừa gây ô nhiễm môi trường ao nuôi. Bổ sung vitamin C với liều lượng 3 – 6 g/kg thức ăn, các loại khoáng chất vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho thủy sản nuôi; tăng cường chăm sóc, quản lý ao nuôi, kiểm tra thường xuyên các yếu tố môi trường ao nuôi, sức khỏe thủy sản nuôi để có biện pháp xử lý kịp thời.

Đối với các ao, lồng đã thu hoặc bị lũ tàn phá trôi hết sản phẩm: Thực hiện tu sửa, gia cố lại bờ ao, lồng nuôi; kiểm tra các yếu tố môi trường nơi đặt lồng, bè nuôi, đảm bảo các yếu tố môi trường nằm trong ngưỡng cho phép; thực hiện vệ sinh làm sạch khu vực nuôi, khử trùng nguồn nước, mới tiến hành thả giống nuôi; thực hiện nuôi theo đúng quy trình và các biện pháp phòng bệnh tổng hợp. Kiểm tra, vệ sinh hệ thống dây neo, phao lồng, lưới để đảm bảo an toàn cho hoạt động sản xuất trở lại bình thường; thường xuyên theo dõi các yếu tố môi trường và sức khỏe của thủy sản nuôi để có biện pháp xử lý kịp thời.

Đối với nuôi ngao/nghêu bãi triều ven biển: Khi nước thủy triều xuống, tiến hành kiểm tra, tu sửa đăng, chắn. Sau mưa bão, ngao thường tập trung vào các góc đăng, chắn, cần tiến hành san đều ra toàn bãi.

Đặc biệt, để chuẩn bị cho tái đàn, khôi phục sản xuất, ngành chức năng cũng khuyến cáo người nuôi cần lựa chọn con giống có nguồn gốc rõ ràng, cung cấp bởi những cơ sở cung ứng có uy tín, có giấy chứng nhận kiểm dịch; kiểm nghiệm PCR các loại bệnh đầy đủ theo quy định. Không tái đàn khi chưa đảm bảo về môi trường và an toàn dịch bệnh.

Bích Hòa

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!